Nói tiếng Pháp lưu loát với nhà văn Marc Levy, chàng trai gây xúc động mạnh về hoàn cảnh của bản thân và thái độ ham học hỏi.

N.L (t/h) 10:26 16/11/2022

Theo thông tin từ Báo VnExpress trước đó, trong buổi giao lưu với nhà văn Marc Levy, chàng trai trong bộ đồng phục shipper đã khiến mọi người bất ngờ khi đứng dậy đặt câu hỏi bằng tiếng Pháp, chiều 9/11.

Trong đoạn video được chia sẻ trên khắp các diễn đàn mạng xã hội những ngày này, với hàng trăm nghìn lượt yêu thích và bình luận, chàng trai shipper là người đầu tiên giơ tay đặt câu hỏi với nhà văn mà không cần phiên dịch: "Đặc biệt trong hai tác phẩm Ngày đầu tiên và Đêm đầu tiên, ông có đặt những tình tiết sâu sắc rất được săn đón, trong đó có câu hỏi về nguồn gốc của vũ trụ, niềm tin con người. Vậy xin hỏi, nguồn cảm hứng nào giúp ông tìm những kịch bản tinh tế như vậy?".

Chàng shipper nói lưu loát tiếng Pháp. Ảnh: Internet

Sự tự tin cùng khả năng nói tiếng Pháp trôi chảy của anh shipper khiến nhiều khán giả ngỡ ngàng, trong đó có cả nhà văn Marc Levy.

Anh >chàng shipper tên là> Huỳnh Hữu Phước, 25 tuổi, sinh viên hệ song bằng (khoa tiếng Pháp và Địa lý) Đại học Sư phạm TP HCM.

Phước kể, hôm 8/11 tình cờ mua được hai cuốn tiểu thuyết cũ Đêm đầu tiên và Ngày đầu tiên, nguyên bản bằng tiếng Pháp của Marc Levy trên đường Trần Nhân Tôn, quận 5, lúc tan làm. Biết tin có buổi giao lưu với tác giả ở đường sách Nguyễn Văn Bình, quận 1 chiều 9/11, anh quyết định nghỉ giao hàng để tới dự.

Hình ảnh chàng shipper ham học hỏi. Ảnh: Internet

Sau câu hỏi với tác giả và kết thúc sự kiện lúc 6h chiều, Phước tiếp tục đi giao hàng đến tối muộn mà không ngờ đoạn "bắn" tiếng Pháp với nhà văn của mình bỗng nhiên gây bão trên mạng.

Huỳnh Hữu Phước cho biết thêm, trước khi trở thành sinh viên Đại học Sư phạm TP HCM năm 2015, từng học tiếng Pháp từ lớp 1 đến lớp 9. Vài tháng sau khi thành tân sinh viên, biến cố ập đến khiến anh phải đi ở trọ. Ngoài giờ học, Phước đi làm thêm trong quán ăn, tiệm cà phê, trông xe, làm bảo vệ, đi giao hàng để có tiền đóng học, phụ mẹ trang trải chi phí sinh hoạt. Lực học tốt cùng sự chăm chỉ giúp nam sinh có cơ hội tham gia nghiên cứu khoa học với các giảng viên trong khoa.

 

Chàng shipper có ước mong học thạc sĩ. Ảnh: Thanh Niên

Chia sẻ trên Báo Thanh Niên, Phước cho hay từ ngày em được biết đến nhiều trên mạng xã hội, em vừa vui, vừa lo, vui vì được mọi người động viên, lo vì trước giờ bản thân em hướng nội, ít khi chia sẻ nhiều về cá nhân trên mạng. Mỗi ngày em đều đặn làm việc từ sáng tới khuya, về nhà thì ngồi vào bàn đọc sách, tự học thêm ngoại ngữ.

Phước chia sẻ: “Ngày nào em cũng về nhà khoảng 21 giờ hoặc hơn. Lúc ấy mới mang sách ra học…”. Chàng trai ham học và cầu tiến, lúc năm thứ 2 của khoa Tiếng Pháp, Phước còn đăng ký học thêm ngành sư phạm Địa lý của khoa Địa lý.

Công việc shipper mà Phước đang làm chẳng hề đơn giản! Nhiều lần giữa trời mưa tầm tã thì Phước bị ngã xe và trầy trụa khắp người, còn thức ăn của khách thì hỏng hết khiến Phước phải mượn tiền để đền cho khách. Cuộc sống khó khăn nên >sức khỏe của chàng shipper cũng không tốt lắm, nhưng Phước cũng không dám nghỉ giao hàng, và chỉ mong kiếm được 200.000 đồng mỗi ngày.

Chàng shipper tài năng. Ảnh: Internet

Không chỉ rành tiếng Pháp, Anh, Phước còn tự học thêm tiếng Trung, tiếng Nhật. Ngoại ngữ và sách, đặc biệt sách ngoại văn là niềm yêu thích nhất của Phước.

Để tốt nghiệp, Phước cần phải học tiếp 6 học kỳ nữa, mỗi học kỳ học phí trung bình khoảng 8 triệu đồng. Như vậy, nam shipper giỏi tiếng Pháp cần phải có khoảng 48 triệu đồng để tiếp tục trở lại trường, hoàn thành việc học và tốt nghiệp ĐH.

Phước chia sẻ: “Em đọc để không quên kiến thức, để khi có điều kiện trở lại trường đại học em cũng theo kịp chương trình. Em yêu thích công việc dịch thuật, biên tập sách, em từng dịch toàn bộ 1 cuốn sách từ tiếng Pháp (chưa xuất bản) nên đọc sách là cách để em có thể học hỏi và tích lũy kinh nghiệm.”

Hiện Phước vẫn chăm chỉ làm việc và tích lũy hàng ngày, mong ước một ngày gần có thể trở lại trường đại học, hoàn thành tốt nghiệp và có thể học lên thạc sĩ, trở thành giảng viên, đồng thời có thể trở thành một người biên dịch và biên tập sách.

N.L (t/h) | Theo Phụ nữ sức khỏe