Dù đã 101 tuổi, nhưng cụ bà Trí Huệ đôi mắt vẫn còn tinh anh, hàng ngày cụ vẫn xe chỉ luồn kim may gối cung đình xứ Huế.

Tiểu Ngọc (t/h) 11:40 16/03/2023

Tìm về ngôi nhà nhỏ ở xóm 8, thôn Giáp Đông, xã Hương Toàn, TX. Hương Trà (Thừa Thiên – >Huế), cụ Trí Huệ năm nay dù đã 101 tuổi nhưng vẫn chăm chút từng đường kim mũi chỉ để may gối trái dựa.

Người giữ bí quyết làm gối trái dựa hoàng cung

Cụ Công >Tôn Nữ Trí Huệ hay thường được người dân xứ Huế còn gọi là mệ Trí Huệ, cụ là cháu nội của Hoài Đức Quận Công Nguyễn Phúc Miên Lâm (con trai thứ 57 của vua Minh Mạng). Vì là con cháu sinh ra trong dòng dõi hoàng tộc, nên từ nhỏ cụ Trí Huệ đã được phép lui tới Đại Nội để học may vá, thêu thùa như các Công Tôn Nữ khác.

Sau năm 1954, cụ Trí Huệ được về phục vụ tại cung An Định để lo toan giúp đỡ cho Đức Từ Cung (vợ vua Khải Định, mẹ vua Bảo Đại). Lúc đó, các sản phẩm, đồ dùng bằng vải ở các lăng tẩm và Đại Nội bị xuống cấp, hư hại và cũ kỹ, trong đó có gối trái dựa nên Đức Từ Cung đã gợi ý cho cụ Trí Huệ sửa chữa lại. Đây cũng chính là khoảng thời gian mà cụ học hỏi, tiếp cận bí quyết may gối.

Nhớ về quãng thời gian được sống tại cung An Định, cụ Trí Huệ cho biết gối mà mình làm ra rất "thuận mắt" Đức Từ Cung, đặc biệt Vua Bảo Đại rất hài lòng với đường kim mũi chỉ của chiếc gối mà cụ may, nên từng nhiều lần đặt cụ làm gối để tặng cho những người bạn Pháp.

 

 

 

Cầm trên tay mảnh vải rồi thư thả may gối, cụ Trí Huệ trầm ngâm kể, ngày đó khi còn theo học thêu thùa, may vá ở Bộ Lễ, các thầy không cầm tay chỉ việc mà chỉ nói qua, vì thích thú với công việc may vá nên cụ đã nhớ lại rồi tháo các mối may từ chiếc gối cũ để tự mày mò học thêm. May gối trái dựa không khó mà chỉ cần kiên nhẫn, tỉ mỉ học theo là được.

Theo lời cụ Trí Huệ chia sẻ, gối trái dựa hay còn gọi là gối tựa là loại gối được các vua, quan ngày xưa sử dụng để gối đầu, dựa lưng, tựa cánh tay trong lúc đọc sách, ngâm thơ, uống trà… Vì là sản phẩm phục vụ trong chốn cung đình cho nên việc may gối cũng phải tuân thủ những nguyên tắc hết sức nghiêm ngặt.

Ngay xưa khi gối được vua quan sử dụng thì phải tuân theo nguyên tắc: Gối để vua dùng là loại có đủ 5 lá, có màu vàng, hoa văn trên vải được thêu hình rồng tượng trưng cho bậc quân vương uy quyền. Gối của Hoàng Thái hậu và các quan lại thì có 4 lá, tùy theo yêu cầu mà sử dụng màu sắc, hoa văn cho phù hợp nhưng tuyệt nhiên không được trùng màu với nhà vua.

Theo thời gian vật đổi sao dời, không còn nhiều người sử dụng loại gối này nữa. Tuy nhiên, cụ Trí Huệ với niềm đam mê mãnh liệt với nghề mà hơn nửa đời người cẩn thận luồng từng sợi chỉ, ghép từng mảnh vải để may nên chiếc gối trái dựa. Cũng chính vì thế mà chiếc gối đặc biệt này vẫn tồn tại như một "minh chứng" đẹp đẽ của tinh hoa một triều đại.

Gối trái dựa được "sống" lại một lần nữa

Mặc dù nắm trong tay bí quyết làm gối trái dựa nhưng vì trong >đời sống thường nhật loại gối này không được sử dụng, mà chỉ dùng để trưng bày ở những khu di tích nên rất ít người biết đến.

Bẵng đi một thời gian, cứ ngỡ chiếc gối trái dựa chỉ còn trong tư liệu sử sách thì một cơ duyên đã khiến cho gối cung đình trở mình "sống" lại.

Năm 2002, nhà nghiên cứu Trịnh Bách mong muốn phục dựng lại trang phục triều Nguyễn xưa, nên đã tìm đến cụ Trí Huệ để tìm hiểu và sau đó đặt cụ làm 2 cặp gối. Nhờ sự động viên của nhà nghiên cứu Trịnh Bách, cụ đã may lại gối. Đây cũng là bước ngoặt khiến gối trái dựa được giới thiệu rộng rãi đến cộng đồng và là nguồn động lực để cụ Trí Huế bắt đầu lại công việc làm gối.

Để làm nên một cái gối hoàn chỉnh từng nếp gấp, trước tiên phải cắt vải theo khổ, lần lượt may thành từng hộc bằng nhau. Tiếp đó dầm bông làm ruột gối, khi dầm phải làm cho vuông góc và thật chặt, công đoạn này tuy dễ nhưng không được lơ là để thành khối thẳng đứng, chồng khít nhau, không một chút xê dịch, giữ được độ êm, căng, phồng, dùng được lâu mà không bị xẹp.

Sau khi dầm bông thì mới khâu thủ công rồi kết từng phần lại thành 5 lá hoặc 4 lá tùy theo yêu cầu. Cuối cùng chính là công đoạn "mặc áo" cho gối bằng cách may thêm vải bọc bên ngoài.

 

Điều khiến gối trái dựa hoàng cung trở nên đặc biệt không chỉ vì câu chuyện của người làm ra nó mà còn bởi từng khâu từng bước đều được may cẩn thận bằng tay. Riêng công đoạn may lớp vỏ bọc gối ở bên ngoài thì vài năm gần đây, tuổi cụ Trí Huệ đã cao nên trong gia đình mới thay thế bằng máy may để thuận tiện hơn.

Biết rõ nghề làm gối trái dựa có thể bị thất truyền, vì thế bao nhiêu năm âm thầm may gối cụ đã chỉ dạy và truyền nghề lại cho con cháu trong nhà. Ở tuổi gần đất xa trời cụ đã để lại tâm nguyện mong muốn truyền nghề cho những ai muốn học làm gối, như vậy gối trái dựa sẽ có nhiều "người thừa kế" để gìn giữ tinh hoa, văn hóa triều Nguyễn cũng như nét đẹp nghề truyền thống Việt Nam.

Hiểu về ý nghĩa của chiếc gối, con dâu của cụ Trí Huệ là bà Lê Thị Liền (68 tuổi, bà Liền cũng là học trò đầu tiên của cụ Trí Huệ) cùng con cháu trong nhà đều một lòng học hỏi, nay trong gia đình đều nắm rõ các bước làm ra chiếc gối hoàn chỉnh. Tuy nhiên, mỗi thành viên đều phụ trách một công đoạn riêng, sau đó sẽ lắp ráp thành một chiếc gối chỉn chu.

"Để làm một ra được một chiếc gối thì khoảng 2 tuần, nhưng nhiều người cùng nhau làm thì chỉ cần 3- 7 ngày. Tuy tốn thời gian, đòi hỏi sự tỉ mỉ nhưng chiếc gối này là một phần không thể thiếu trong cuộc đời của mẹ tôi. Vì thế con cháu phải giữ lấy nghề". Bà Lê Thị Liền chia sẻ.

 

Theo Phùng Hà/ Tổ quốc