Nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện tăng cao, hóa đơn tiền điện gia tăng là nỗi lo của đa số gia đình. Dưới đây là 10 mẹo tiết kiệm điện trong mùa hè các gia đình nên áp dụng.

Hoa Quỳnh Anh (T/h) 11:02 20/04/2023

Bạn đang băn khoăn đâu là "mẹo" để tiết kiệm điện đơn giản nhất?

Tổng Công ty Điện lực miền Nam hướng dẫn 10 cách tiết kiệm điện trong mùa nắng nóng, bạn đọc hãy thử tham khảo.

1. Tận dụng tối đa không gian để trồng cây xanh xung quanh nhà, văn phòng

Cây xanh chính là liều thuốc giải nhiệt cho không khí, đồng thời tạo không gian xanh làm dịu bớt tác động của ánh nắng gay gắt chiếu vào nhà, văn phòng.

2. Dùng rèm cửa, kính chống nóng, miếng dán cách nhiệt

Khi nắng nóng cao độ rèm cửa hoặc kính chống nóng, miếng dán cách nhiệt sẽ giúp không khí trong nhà mát mẻ.

Với rèm cửa nên chọn mua loại có màu sắc trung tính, treo rèm gần cửa, bao lưới toàn bộ cửa sổ và có chiều dài chạm sàn nhà.

Nếu cửa sổ bằng kính,nên dùng kính cách nhiệt hoặc kính chống nóng hoặc dán thêm miếng cách nhiệt để giảm thiểu sức nóng tác động vào nhà.

3. Mở cửa sổ đón không khí mát vào ban đêm

Đêm xuống nhiệt độ giảm đáng kể so với ban ngày.

Vì vậy, thay vì sử dụng điều hòa suốt đêm, bạn nên mở cửa sổ để tận dụng gió tự nhiên, khí mát ngoài trời, vừa không tốn điện chạy điều hòa, vừa đỡ khô da.

4.  Hạn chế sử dụng nhiều thiết bị điện cùng một lúc trong giờ cao điểm

Khoảng thời gian cao điểm từ 9 giờ 30 đến 11 giờ 30 và 17 giờ đến 20 giờ, các hộ gia đình chỉ nên sử dụng những thiết bị cần thiết và những thiết bị tiết kiệm điện đã được chứng nhận.

5. Sử dụng tủ lạnh đúng cách

Đặt tủ cách tường ít nhất 10 cm. Đảm bảo nhiệt độ bên trong tủ dao động từ 3 đến 6 độ C với ngăn mát và -15 đến -18 độ C với chế độ đông lạnh.

Hạn chế mở tủ lạnh khi không cần thiết vì mỗi lần mở, tủ lạnh lại gặp một luồng khí nóng khiến chúng phải cân bằng lại nhiệt độ đã thiết lập. Điều này gây tốn nhiều điện năng hơn.

6. Thay đổi thói quen sử dụng điều hòa

Bạn phải có kế hoạch sử dụng các thiết bị làm mát một cách hợp lý như: để điều hòa ở mức nhiệt từ 26 độ C đối với ban ngày, đặt hẹn giờ tắt điều hòa và ban đêm và dùng thêm quạt.

7. Làm sạch định kỳ các thiết bị điện

Làm sạch thường xuyên giúp các thiết bị điện tăng gấp đôi công năng khiến đèn sáng hơn, gió quạt thổi mạnh hơn, mát hơn

8. Để ý chỉ số hiệu suất năng lượng

Bạn nên mua các thiết bị mới với phần ghi chú có chữ "Energy guide" - chỉ số đánh giá hiệu suất năng lượng.

Chỉ số này càng cao thì hiệu suất năng lượng càng tăng.

9. Sử dụng các thiết bị có tính năng tiết kiệm điện

Bạn nên thay mới các thiết bị có tính năng tiết kiệm điện khi có thể, bởi các dòng tủ lạnh, tivi, điều hòa, thậm chí cả bếp từ, máy giặt công nghệ cũ đều không có tính năng tiết kiệm điện.

Với đèn chiếu sáng, nên chọn đèn bóng đèn led tiết kiệm điện, đồng thời dùng chung một bóng điện cho hai phòng gần nhau hoặc một không gian rộng, tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên trong văn phòng hoặc gia đình.

10. Rút nguồn thiết bị điện khi không sử dụng

Các thiết bị điện tử như máy tính, tivi, loa đài ngay cả khi đã tắt đều có thể tốn điện năng nếu bạn chỉ tắt trực tiếp thiết bị mà không rút nguồn.

Vì vậy, nên lưu ý rút nguồn thiết bị khi không sử dụng để tiết kiệm điện.

(Theo EVNSPC)

Theo Hoàng Nguyên/giadinhmoi.vn