Sàn nhà, bàn ghế hay phòng tắm có thể lúc nào cũng sạch bong, nhưng mấy chỗ này thì không phải chị em nào cũng để ý mà dọn dẹp cho sạch đâu.

06:49 03/08/2020

Có một sự thật không phải ai cũng biết, là dù chỉ một góc hẹp nào đó trong nhà bị bẩn, bụi bặm bám kín thôi thì cả căn nhà cũng chẳng còn sạch sẽ được mấy. Những hạt bụi nhỏ li ti đó dễ dàng bay lên, hòa vào không khí rồi rơi xuống những nơi vừa mới dọn sạch xong, hoặc nguy hiểm hơn là bị hít vào phổi, lâu dài có thể gây ảnh hưởng xấu tới >sức khỏe.

Vì thế, ngoài những bề mặt, đồ vật ngày nào cũng thấy ra thì vẫn còn rất nhiều thứ chị em cần lưu ý mà lau dọn, vệ sinh cho sạch sẽ để đảm bảo sức khỏe cũng như thẩm mỹ của căn nhà.

Máy giặt, máy sấy

Có lẽ, phải quá nửa người dùng không hề biết rằng chiếc máy giặt trong nhà hóa ra không hề sạch sẽ như vẻ ngoài của nó. Đơn giản vì họ nghĩ rằng, vài ngày lại tiếp xúc với xà phòng giặt thì làm sao mà bẩn được. Nếu để quá lâu, vi khuẩn, nấm mốc sẽ dễ dàng sinh sôi trong lồng giặt và bám ngược lại quần áo trong mỗi lần sử dụng, có thể gây kích ứng da và làm đồ đạc hôi hám, mất tác dụng của nước giặt, nước xả.

Những bộ phận bên trong máy giặt có thể bẩn đến mức này cơ.

Hóa ra, bao nhiêu bụi bặm, chất bẩn có thể tích tụ vào mặt trong của lồng giặt, nơi mà mắt thường không thể thấy được trừ khi tháo tung chiếc máy ra. Chị em tốt nhất nên vệ sinh máy giặt bằng các chất tẩy rửa chuyên dụng, ví dụ như loại của Hando (75.000đ/400gr) hay Sandokkaebi (47.000đ/450gr).

Ngoài ra, nếu gia đình nào sử dụng thêm máy sấy quần áo thì cũng cần vệ sinh ít nhất mỗi tháng 1 lần. Quy trình vệ sinh máy sấy bao gồm lau dọn lưới lọc, bộ cảm ứng, ngăn chứa nước và ống thông hơi. Chị em lưu ý không được sử dụng quá nhiều nước và các chất tẩy rửa mạnh với các bộ phận bên trong lồng sấy.

Máy rửa bát

Cũng như máy giặt, máy rửa bát có một ngăn lọc ở bên dưới để nước và cặn thức ăn chảy qua. Vị trí này cực kì nhanh bẩn chỉ sau vài lần sử dụng nên cần vệ sinh thường xuyên để tránh vi khuẩn xâm nhập ngược vào bát đũa.

Mỗi chiếc máy rửa bát đều có bộ lọc rác ở dưới đáy cần vệ sinh thường xuyên.

Mỗi máy rửa bát lại có một cách tháo khác nhau, chị em nên liên lạc với nhà sản suất, bên bán hàng hoặc tìm thông tin trên mạng để biết rõ hơn. Quy trình vệ sinh thì khá đơn giản, chỉ cần dùng khăn thấm nước pha chất tẩy rửa nhẹ lau sạch các vết bẩn là được.

Tường

Hóa ra, những vết sần sùi trên bức tường trong nhà cũng có thể chứa biết bao bụi bặm qua năm tháng. Những hạt bụi có thể bay vào không khí bất cứ lúc nào, làm bẩn những bề mặt vừa được lau dọn hoặc lọt vào phổi các thành viên trong gia đình.

Tường bám bụi chỉ cần dùng khăn ẩm lau, còn tường mốc thì dùng Javel nhé.

Việc lau sạch đơn giản thôi: Sử dụng khăn ẩm cho phần tường thấp và máy hút bụi cho những chỗ cao hơn, không thể với được. Với trường hợp tường bị ẩm mốc trong mùa nồm thì chị em có thể mua nước tẩy Javel (7.000đ/chai) về pha tỉ lệ 1:1 với nước, nhúng khăn vào và lau cho sạch là được. Tuy nhiên, nhớ đeo găng kĩ càng kẻo hỏng da tay nhé.

Rèm cửa

Ngày nào cũng dùng tới nhưng rèm cửa gần như chẳng bao giờ được vệ sinh đúng cách. Chất liệu vải của rèm thường rất dễ bám bụi bặm, lông thú và dễ dàng bay ngược lại vào không khí, bám lên đồ đạc xung quanh…

Những căn nhà càng gần mặt phố bụi bặm, càng cần dọn vệ sinh rèm cửa thường xuyên.

Với những chiếc rèm nhỏ, chị em có thể tháo ra cho vào máy giặt. Với loại lớn hơn thì tốt nhất chỉ cần lau bụi bằng một chiếc khăn ẩm hoặc dùng máy hút bụi là đủ sạch sẽ rồi.

Kệ tủ, nóc tủ trên cao

Chị em nào kĩ tính thì không nói, nhưng với hội “chúa lười” thì chắc chắn toàn bỏ qua những kệ tủ, nóc tủ cao quá khó với tới. Với tình hình ô nhiễm như hiện nay thì chẳng mấy chốc mà những vị trí này đã bám đầy bụi bẩn rồi.

Những kệ tủ trên cao có thể làm chị em lười dọn, nhưng chỉ cần đứng lên ghế rồi dùng máy hút bụi xử lý là xong.

Giải pháp đơn giản nhất có lẽ là sắm một chiếc máy hút bụi cầm tay loại nhẹ nhàng một chút, và quan trọng là thật nhỏ để dễ dàng đưa vào những kẽ hở trên kệ, nóc tủ. Một số lựa chọn phổ biến hiện nay là Midea MVC-SC861B (910.000 đồng), Philips FC6168/01 (5.490.000 đồng), hay muốn dòng cao cấp hẳn thì có Electrolux PF91-6BWF (15.490.000 đồng).

Theo PH - WeBuy/Tổ Quốc