“Chiều chiều ra đứng tây lầu tây, thấy cô tang tình mà gánh nước, tưới cây tưới cây ngô đồng” – Lý chiều chiều – có thể thấy hình ảnh cây ngô đồng rất quen thuộc trong những tác phẩm dân gian, nhưng đa số mọi người lại không biết đến loài cây này ở thực tế như thế nào. Bài viết này sẽ cung cấp cho các bạn những thông tin cơ bản nhất về loài cây này.

Lạ Đặng 18:12 30/06/2022

Ở nước ta, cây ngô đồng thường trồng có hai loại là cây ngô đồng cảnh và cây ngô đồng thân gỗ.

I. Cây ngô đồng cảnh

Cây ngô đồng cảnh có tên hoa học là Jatropha podagrica Hook.f, thuộc họ Thầu dầu (Euphorbiaceae), chi Dầu mè, có nguồn gốc từ châu Mỹ.

Loài cây này được trồng nhiều ở nước ta với những tên gọi khác nhau như huyền linh mục, cây dầu lai lá sen, cây dầu lai có củ, cây sen lục bình,…

1. Đặc điểm của cây ngô đồng cảnh

Cây ngô đồng thường là loại cây thân mọng nước, phần thân ở gần gốc phình ra như cái bình hoa, chiều cao trung bình khoảng từ 0,4 đến 1m, thân có nhiều sẹo lồi và phân thành nhiều nhánh khác nhau.

Lá của cây không có lông, hơi bóng. Cuống lá dài khoảng 10 – 20 cm. Phiến lá rộng, chia thành 3 – 5 thùy to. Nếu quan sát kỹ, bạn sẽ thấy mặt dưới của lá nhạt màu hơn mặt trên.

Hoa ngô đồng cảnh giống như một cành san hô đỏ 

Hoa của cây ngô đồng mọc thành chùm khoảng 25 cm, thường có màu đỏ (cũng có loại màu hồng nhạt, vàng). Cuống hoa thẳng, dài khoảng 20 cm, có màu xanh xám. Trên thân có cả hoa đực lẫn hoa cái, hoa đực thường có lớp phấn màu vàng tươi bao phủ bên ngoài. Phần thùy nhụy có màu xanh lá cây, vòi nhụy ngắn, bầu nhụy có màu trắng như củ hành. Nhìn tổng thể, hoa ngô đồng giống như một cành san hô đỏ.

Quả ngô đồng có hình bầu dục, quả non có màu xanh, khi chín chuyển dần sang vàng. Khi khô, hạt ngô đồng rất dễ bung và phát tán khắp nơi, nếu gặp điều kiện thuận lợi, các hạt này sẽ nhanh chóng nảy mầm và tiếp tục phát triển thành cây mới.

2. Công dụng của cây ngô đồng cảnh

2.1 Dùng để chữa bệnh

Nhựa cây ngô đồng chứa một lượng lớn độc tính, tuy nhiên, nếu dùng đúng liều lượng sẽ có thể dùng để làm thuốc chữa trị nhiều bệnh lý khác nhau như làm thuốc tẩy, gây nôn, trị táo bón và lợi sữa rất hiệu quả.

+ Trị mụn nhọt, ghẻ lở, bệnh ngoài da

Bạn dùng một ít nhựa cây bôi lên vùng mụn, đợi nhựa khô thì rửa lại với nước sạch, sẽ làm giảm tình trạng sưng tấy và mưng mủ các vết mụn.

Nhựa cây còn giúp cải thiện tình trạng vết ghẻ lở và một số bệnh ngoài da. Tuy nhiên vì nhựa của cây có chứa chất độc nên bạn cần cân nhắc và hỏi ý kiến chuyên gia y tế nếu muốn sử dụng để tránh gặp phải những tác dụng không mong muốn.

+ Ngừa nhiễm trùng và cầm máu

Nhựa cây ngô đồng còn có tác dụng cầm máu, chống nhiễm trùng. Người xưa thường dùng nhựa cây ngô đồng bôi lên vết thương hở để khử khuẩn, khi khô lại, nhựa cây giúp bịt kín vết thương, giúp vết thương mau lành.

Cây ngô đồng cảnh còn được sử dụng trong điều trị bệnh phong thấp, sưng hạch, ho gà.

2.2. Dùng để làm cảnh

Cây ngô đồng được dùng để trang trí sân vườn, thanh lọc không khí rất hiệu quả.

Tuy nhiên, bạn cần cẩn thận khi trồng chúng trong nhà, đặc biệt là khi nhà có trẻ nhỏ bởi nhựa cây chứa một lượng lớn độc tố có thể gây chết người như hexane, methanol, chloroform, tetramethylpyrazine, đặc biệt là chất độc curcin. Nếu ăn nhầm sẽ có triệu chứng như đau rát họng, đau bụng, chóng mặt, buồn nôn và có thể dẫn đến chết người nếu không được cấp cứu kịp thời.

3. Ý nghĩa phong thủy của cây ngô đồng cảnh

Cây có khả năng xua đuổi tà khí, thu hút vận may đến gia chủ, đồng thời hoa giải vận hạn, tai ương, mang đến sự an lành 

Trong phong thủy, cây ngô đồng cảnh mang vẻ đẹp của sự tươi mát, lá cây xanh ngát như lá sen, thân cây giống búp sen, chùm hoa đỏ tươi, nhìn tổng thể cả cây như một búp sen khổng lồ với đầy đủ các bộ phận.

Do hình dáng độc đáo như vậy mà người xưa quan niệm rằng cây có khả năng xua đuổi tà khí, thu hút vận may đến gia chủ, đồng thời hoa giải vận hạn, tai ương, mang đến sự an lành.

Ngoài ra cây ngô đồng không cần chăm sóc nhiều nhưng vẫn có sức sống dẻo dai nên chúng còn là biểu tượng của sự sung mãn, trường tồn, trường thô, như ý, cát tường.

Theo thuyết ngũ hành, cây ngô đồng cảnh thuộc hành mộc nên phù hợp với những người thuộc mệnh mộc và mệnh hỏa bởi mộc sinh hỏa, bởi vậy, những người mang 2 mệnh này trồng cây ngô đồng cảnh trong nhà sẽ thu hút được nhiều may mắn trong công việc cũng như trong >đời sống.

4. Cách trồng và chăm sóc cây ngô đồng cảnh

Cây ngô đồng cảnh tương đối dễ trồng và chăm sóc. Thông thường có 2 cách để trồng cây là gieo hạt và ghép cành, tuy nhiên trồng bằng cách gieo hạt cây sẽ phát triển tốt hơn. Dưới đây là cách trồng cây ngô đồng cảnh bằng hạt giống.

4.1. Chuẩn bị hạt giống ngô đồng cảnh

+ Lựa chọn những hạt to, tròn, không bị sâu bệnh để làm hạt giống.

+ Ngâm hạt trong nước ấm từ 30 – 40 độ C trong 30 phút để hạt mau nảy mầm khi trồng.

+ Vớt hạt ra, bọc kỹ bằng khăn ấm trong 1 ngày, khi vỏ hạt nứt ra thì mang đi trồng.

Lựa chọn những hạt to, tròn, không bị sâu bệnh để làm hạt giống 

4.2. Cách trồng cây ngô đồng cảnh

+ Cho hạt đã nứt vỏ vào chậu hoặc vị trí muốn trồng cây.

+ Lấp 1 lớp đất mỏng khoảng 1 – 2 cm và tưới nước sau 2 ngày.

+ Sau 1 – 2 tuần, hạt sẽ nảy mầm.

4.3. Cách chăm sóc cây ngô đồng cảnh

Cây ngô đồng cảnh tương đối dễ chăm sóc, do đó bạn sẽ không cần tốn nhiều thời gian để chăm bón mà cây vẫn giữ được sự tươi xanh. Tuy nhiên, dưới đây là một số điều bạn cần lưu ý để cây phát triển một cách tốt nhất:

+ Cây ngô đồng cảnh thuộc loài thân mọng nước nên không cần tưới nước quá thường xuyên, bạn chỉ cần tưới quanh gốc cây một lượng nước vừa đủ để duy trì độ ẩm cho đất là được.

+ Cây ngô đồng cảnh là loài ưa sáng, do đó cần trồng cây ở nơi có nhiều ánh sáng và thoáng đãng, tránh đặt nơi râm mát khiến cây dễ bị úng gốc, rụng lá, không phát triển tốt.

+ Toàn thân cây trừ lá và rễ ra thì đều có dộc tố, do đó rất ít loài sâu bệnh tồn tại trên thân cây. Nếu cây bị úa lá bạn chỉ cần cắt bỏ phần lá bị hư đi, sau đó bón thêm ít phân cho cây là được.

II. Cây ngô đồng thân gỗ

Cây ngô đồng thân gỗ hay còn được biết đến là cây ngô đồng Trung Quốc, cây tơ đồng, cây bo xnh, cây bo rừng,… có tên khoa học là Firmiana simplex, có nguồn gốc từ Trung Quốc và khu vực lân cận Đông Á.

1. Đặc điểm của cây ngô đồng thân gỗ

Cây ngô đồng thân gỗ có chiều cao trung bình từ 15 – 17m, đường kính thân cây khoảng 40 – 50 cm. Vỏ cây nhẵn, khi già chuyển sang màu xám.

Lá cây ngô đồng thân gỗ có dạng chân vịt với 3 -5 thùy, mọc cách nhau, dài và rộng từ 8 – 35 cm, không có răng cưa nhưng mặt dưới có lớp lông mềm.

Hoa của loài ngô đồng thân gỗ này rất đẹp, thường nở vào mùa thu. Hoa có 5 cánh, là hoa đơn tính, quả có dạng viên hình trái xoan. Do khí hậu ở nước ta có phần khác biệt với khu vực Đông Á nên hoa ngô đồng thân gỗ có màu đỏ tươi và thường nở sớm hơn, vào dịp cuối xuân, đầu hè.

Ở nước ta, hoa ngô đồng thân gỗ có màu đỏ tươi và thường nở sớm hơn, vào dịp cuối xuân, đầu hè 

2. Công dụng của cây ngô đồng thân gỗ

Cây ngô đồng thường dùng làm các vật trang trí nội thất có giá trị cao cũng như dùng để chế tạo các loại nhạc cụ truyền thống của phương Đông như thất huyền cầm, cổ cầm, đàn tranh,… Một số nơi còn dùng gỗ của cây ngô đồng để làm giấy, thậm chí là làm quan tài.

Cây ngô đồng thân gỗ có tán cây dạng trứng, thân cây thẳng, tỏa bóng râm nên thường được trồng để trang trí cảnh quan, tạo bóng mát và giúp thanh lọc không khí.

Ngoài ra, lá cây ngô đồng còn được dùng trong điều trị bệnh trĩ, viêm loét, quả cây ngô đồng được dùng trong điều chế thuốc kháng sinh histamin để trị dị ứng. Bênh cạnh đó, hạt của cây chứa một lượng lớn dầu (hàm lượng dầu lên tới 40%) nên thường được dùng ép lấy dầu để đốt đèn, làm xà phòng, làm thuốc.

3. Ý nghĩa phong thủy của cây ngô đồng thân gỗ

Nhắc đến ngô đồng, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến cảnh phượng hoàng đậu trên cành cây. Phượng hoàng được coi là bách điểu chi vương (vua của các loài chim) mang phúc khí và cát tường, do đó việc chim đậu trên cây cũng giúp cây mang ý nghĩa khắc chế tà khí, xua đuổi vận xấu. Trồng cây ngô đồng gần nhà sẽ mang lại cát tường, vận may, tài lộc cho gia chủ.

Cây ngô đồng có sức sống dồi dào, mãnh liệt, lại có tác dụng chữa nhiều bệnh nên nhiều người cho rằng trồng cây ngô đồng sẽ đem tới >sức khỏe và nâng cao tuổi thọ cho con người.

Vào thời phong kiến, cây ngô đồng được trồng nhiều trong hoàng cung với ngụ ý đức vua có đức độ, biết chăm lo cho người dân, điều đó cho thấy cây ngô đồng thân gỗ còn là biểu tượng cho quyền lực, phúc khí, cát tường.

Cây ngô đồng thân gỗ được trồng nhiều trong hoàng cung, biểu tượng cho quyền lực, phúc khí, cát tường

Cây ngô đồng được xem là biểu tượng của sự cát tường, phúc khí, may mắn nên người xưa thường trồng nó trong sân vườn để đón hỉ khí vào nhà, xua đuổi những thứ xấu xa, xui rủi ra khỏi nhà.

Cây ngô đồng có hoa màu hồng nhạt hoặc đỏ rực, kết hợp với truyền thuyết phượng hoàng ghé đậu nên cây ngô đồng rất hợp mệnh Hỏa, cũng như những người có tuổi mệnh Hỏa khí với thiên can là Đinh, Bính như Bính Hợi, Đinh Tuất,...

Cây ngô đồng là loài cây mang ý nghĩa phong thủy tốt, xa xưa vua chúa hay trồng nó trong vườn ngự uyển. Ngoài ra, cây ngô đồng thuộc mệnh Hỏa, đặt hướng về hướng Nam, hướng Đông Nam do Chu Tước trấn là tốt nhất.

4. Cách trồng và chăm sóc cây ngô đồng thân gỗ

4.1. Cách trồng cây ngô đồng thân gỗ

Cây ngô đồng thân gỗ thường được trồng bằng cây con. Bạn cần lựa chọn cây giống chắc khỏe, không sâu bệnh. Chọn nơi đất màu mỡ, đào hố, cho cây con vào, lấp đất lại và tưới nước đủ độ ẩm cho cây.

4.2. Cách chăm sóc cây ngô đồng thân gỗ

Khi trồng cây ngô đồng thân gỗ, bạn cần lưu ý những điểm sau đây:

Thời gian đầu, cần tưới nhiều nước cho cây, khoảng 3 lần/ngày, sau khi cây cứng cáp thì giảm dần xuống khoảng 2 lần/ngày. tránh tưới sát gốc cây để tránh cây thoát nước không kịp, gây ra úng rễ.

Trong gia đoạn cây phát triển, bạn có thể bón phân đam, phân lân hoặc phân NPK để cây phát triển tốt hơn.

Bên trên là những thông tin thú vị về cây ngô đồng, hy vọng bài viết sẽ giúp bạn có thêm những kiến thức bổ ích và thú vị.

Lạ Đặng | Theo Phụ nữ sức khỏe