Gần đây, bí quyết trồng hoa lan huệ từ chị Hiếu Trần chia sẻ đã thu hút sự quan tâm của nhiều chị em yêu trang trí nhà cửa và chăm hoa. Không chỉ hướng dẫn cách trồng, chị Hiếu còn chia sẻ mẹo giúp cho củ hoa có thể tái ra hoa vào mùa sau.
Hoa lan huệ là loại hoa họ hàng với >hoa loa kèn, có tên tiếng Anh là Amaryllis, nhiều người vẫn biến đến loài hoa này với một cái tên khác là lan tứ diện vì một củ trồng luôn cho được bốn bông hoa mọc bốn hướng khác nhau. Hoa lan huệ rất dễ trồng, khi nở to đẹp và có hương thơm rất đặc biệt. Hoa dùng để trang trí bàn ăn, bàn bếp, bậu cửa sổ, ban công, bồn hoa, lối đi hoặc cắt cành cắm lọ cũng rất đẹp.
Chị Hiếu chia sẻ: "Hoa loa kèn rất dễ trồng, ít phải chăm sóc mà hoa lại đẹp. Nên mình khuyến khích các bạn chơi hoa này cho khỏe người mà lại vui nè".
Các giống lan huệ ở Việt Nam thì có rất ít loại, chủ yếu là các giống nhập ngoại. Mọi người thường ưa chuộng giống hoa nhập khẩu hơn vì có nhiều loại và nhiều màu sắc hoa khác nhau. Thời điểm ra hoa của lan huệ thường vào mùa xuân khoảng tháng 1 – 3 hàng năm.
Bước 1: Chuẩn bị củ giống, chậu và đất trồng
- Chuẩn bị củ giống: Nên mua loại củ đang ngậm nụ thì trồng khoảng 4-6 tuần sẽ được ngắm hoa. Củ chưa ngậm nụ thì sẽ mất 1-2 năm mới có hoa.
- Chuẩn bị chậu trồng: Chọn chậu có đường kính phù hợp với đường kính của củ (gấp khoảng 2 lần đường kính của củ là được)
- Chuẩn bị giá thể trồng: Trộn đất + trấu hun hoặc xỉ than, hoặc đá perlite để tăng độ xốp và thoáng khí, trộn thêm một chút phân hữu cơ hoặc phân trùn quế để tăng >dinh dưỡng cho đất.
Bước 2: Tiến hành trồng củ vào chậu
Chú ý: Phải để 1/3 hoặc 1/2 củ nhô lên khỏi mặt đất. Không trồng chìm hết củ xuống dưới đất. Gắn name tag cho từng chậu nếu có.
Sau đó tưới ẩm và đặt các chậu ở nơi có ánh sáng, nắng nhẹ (hiên nhà hoặc ngoài trời đều được). Thấy đất khô mới lại tưới thêm. Đừng tưới nhiều quá sẽ thối và úng củ.
Bước 3: Sau khi trồng khoảng 4-6 tuần thì hoa sẽ nở.
Bước 4: Chơi hết đợt hoa, bạn cắt bỏ hết ngồng hoa. Có thể trồng củ đó sang 1 chậu to hơn để củ có không gian đẻ ra nhiều nhánh con. Nhà có đất vườn thì hạ thổ xuống vườn. Củ tiếp tục sinh trưởng và phát triển, ra lá dài và xanh rì. Quá trình này bạn không cần phải quan tâm lắm tới cây. Chỉ khi nào đất khô thì hãy tưới thôi. Thi thoảng bón cho ít phân cá hoặc phân làm từ đậu nành ngâm, hoặc tưới nước vo gạo, men bánh mì...
Chú ý: Giai đoạn này nhất định phải để cây bên ngoài (outdoor) chỗ có ánh nắng (nắng không gắt).
Bước 5: Để ép cho củ ra nụ vào dịp Tết tiếp theo thì tầm tháng 9-10 bạn nhổ củ lên. Nếu củ đẻ ra củ con thì tách củ con ra trồng riêng. Củ con phải nuôi trồng khoảng 2 năm cho to thì mới ra hoa được. Phần củ mẹ thì bạn cắt bỏ phần lá, rũ bỏ đất, cắt bớt rễ rồi cho củ vào 1 túi lưới hoặc xếp vào 1 khay có lỗ thoáng, để củ ở chỗ khô ráo thoáng mát không có ánh nắng trực tiếp. Quá trình này mất khoảng 10-20 ngày để làm khô củ. Sau đó bọc giấy báo cho từng củ, cất củ vào ngăn mát tủ lạnh khoảng 1 tháng. Nếu nhiệt độ ngoài trời 15 độ trở xuống thì không cần cất tủ lạnh.
Căn thời điểm trước Tết 4-6 tuần mang củ ra trồng lại như bước 2 đã hướng dẫn. Có thể giữ giống để trồng tiếp cho mùa hoa tiếp theo.
Với cách làm trên, bạn có thể tái ra hoa cho nhiều mùa hoa sau mà không phải tốn thêm tiền mua củ hoa mới. Điểm đặc biệt của loài hoa này là củ mẹ có thể đẻ ra nhiều củ con. Tuy nhiên, cần lưu ý, củ con phải được trồng 2-3 năm mới có thể nở hoa như củ mẹ thông thường.
Chúc các bạn thành công.