Nằm giữa cù lao sông nước, căn nhà toàn bằng dừa của một lão nông 80 tuổi mọc lên như một nét chấm phá độc đáo của người miền Tây. Ít ai biết được rằng để có được căn nhà như hiện tại, vợ chồng ông Thưởng phải mất 10 năm lên ý tưởng và bỏ ra gần 6 tỷ đồng chỉ vì tình yêu với cây dừa.
Từ cái chén, đôi đũa, bàn thờ đến những bộ bàn ghế, cánh cửa... tất cả đều làm từ 4.000 cây dừa có tuổi đời từ 80-100 năm. Căn nhà của vợ chồng ông Dương Văn Thưởng (80 tuổi) và bà Nguyễn Ngọc Giác (ngụ xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) đã gây không ít ngỡ ngàng cho những người tìm đến tham quan.
"Mừng lắm, cuối cùng ước mơ của ông cũng thực hiện được rồi", ngồi trong căn nhà dừa, ông Thưởng rưng rưng nước mắt khi nhớ lại chặng đường khó khăn mà gia đình ông đã vượt qua.
Ước mơ xây được ngôi nhà Nam bộ truyền thống đã được vợ chồng ông Thưởng ấp ủ từ 10 năm trước. Sau khi cùng người con gái út lên ý tưởng, vợ chồng ông Thưởng đã tiến hành quy hoạch khu đất rộng 4.000m2 để trồng dừa theo hàng, tạo cảnh quan đẹp mắt sau này cho ngôi nhà.
"Cây dừa nó rất gần gũi mình, có điều ai cũng nghĩ cây dừa chỉ cho trái mình uống thôi, không ai nghĩ đến cây dừa còn có những công dụng khác. Dừa mình có bỏ thứ gì đâu, như căn nhà này, gỗ dừa cũng rất chắc, nhiều người cứ nghĩ đến các loại gỗ quý, không chú ý đến gỗ dừa... ông muốn làm điều gì đó cho quê hương mình để mọi người biết đến cây dừa nhiều hơn, nâng giá trị của dừa trong mắt mọi người", ông Thưởng chia sẻ.
Để từng bước hoàn thiện ý tưởng, vợ chồng ông Thưởng đã đi tìm những cây dừa lão ở Bến Tre, Vĩnh Long có độ tuổi từ 80-100 năm để lấy phần gỗ xây nhà. Dù việc tìm nguồn dừa không khó nhưng quá trình vận chuyển, đục đẽo để cho ra sản phẩm lại rất gian nan, phải mất 2 năm, căn nhà mới dần dần được hoàn thiện.
"Vận chuyển khó lắm vì toàn đi ghe, đi xuồng, khi về chất dừa rồi thì mời không người nào làm. Họ nản vì gỗ dừa nó cứng lắm, lại có nhiều dằm đâm tay, người ta bị chảy máu hoài à. Phải đến hơn 30 thợ đến để xử lý mới được... Hết cưa cắt đến thợ bào, gọt, lấy giấy nhám chà lên, nhiều công đoạn lắm cháu ơi", ông Thưởng kể lại.
Ngồi cạnh ông Thưởng, bà Giác cho biết đến thời điểm hiện tại, căn nhà dừa vẫn còn nhiều hạng mục cần phải hoàn thiện, dù rất khó khăn, vất vả, lại tốn kém nhưng đây là ước mơ của cả gia đình bà nên mỗi thành viên đều cố gắng.
"Lúc đầu mình cứ nghĩ đơn giản rồi bắt tay làm, ai ngờ càng làm nó còn đẻ ra nhiều thứ. Nhưng chẳng bao giờ mình nghĩ sẽ bỏ cuộc, cứ thế mà theo thôi", bà Giác cười nói.
"Gần 6 tỷ, nhiều lúc hết tiền cũng phải đi vay tạm ngân hàng để làm, vì gia đình mình yêu dừa, muốn làm một cái gì đó cho quê hương miền Tây để bạn bè, khách tham quan tới mà nhớ đến", bà Giác hào hứng nói.
Theo vợ chồng ông Thưởng, điểm nhấn của căn nhà là xây dựng theo kiểu Nam bộ truyền thống với 3 gian 2 chái. Từ cột, kèo, vách đến nội thất, vật dụng trong nhà đều làm bằng dừa. Đặc biệt, phần rễ dừa đã được chế tác thành 4 tượng Phật Phúc - Lộc - Thọ và Phật Di Lặc.
"Nếu tính riêng gian nhà chính phải mất hơn 1.000 cây dừa, còn toàn bộ ngôi nhà, ngoài vườn thì đến 4.000 cây dừa. Nhiều người tới tham quan họ ngỡ ngàng lắm, họ không nghĩ cây dừa lại có thể làm ra ngôi nhà to lớn, độc đáo như thế này", bà Giác chia sẻ.
Hiện nhà dừa được gia đình ông Thưởng mở cửa cho bà con, du khách tham quan. Vì yêu mến đờn ca tài tử Nam bộ nên trong khuôn viên nhà dừa, một số nghệ sĩ đờn ca tài tử cũng được ông Thưởng mời đến để phục vụ bà con.
Vì yêu mến loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử nên vợ chồng ông Thưởng cũng mời nhiều nghệ sĩ đến biểu diễn, điều này càng làm tăng thêm nét đẹp văn hóa Nam bộ trong chính căn nhà dừa của vợ chồng ông.
Dưới đây là một số hình ảnh về ngôi nhà dừa "có một không hai" của vợ chồng ông Thưởng ngay giữa miền Tây sông nước.