Dù làm vườn chỉ mới 2 năm nhưng chị Trúc Hòa sống tại TP. Đà Nẵng lại rất mát tay khi ‘khu vườn trên không’ của chị luôn trĩu trịt trái chín khiến ai nhìn vào cũng há hốc mồm trầm trồ thán phục.

Thanh Thúy 07:49 02/04/2021

Làm vườn ngoài đam mê thì cần phải hiểu rõ đặc tính của cây, cách thức trồng và chăm sóc. Đúc kết “kinh nghiệm xương máu” của bản thân chị Trúc Hòa đã có những chia sẻ chi tiết về cách chăm sóc và trồng rau trên sân thượng.

1. HẠT GIỐNG

- Người trồng nên mua cây giống ở những nơi uy tín, mùa hè thì ưu tiên giống chịu nhiệt.

- Ươm hạt thì nên ngâm nước ở nhiệt độ 40 độ C (2 lạnh 1 sôi) và ngâm từ 2 đến 3 tiếng.

- Ủ hạt trong giấy ướt bỏ hộp hoặc bọc lại để nơi mát nhiệt độ phòng. Thấy hạt nứt nanh rễ là cho ra bầu.

- Giá thể ươm: Tốt nhất mua giá thể trộn sẵn hoặc 80% xơ dừa đã qua xử lý cộng 20% phân trùn quế.

Chị Hòa luôn khuyên mọi người: “Không nên tự phát, trồng gì cũng phải tuân thủ làm đất, ủ đất, thời vụ và đặc tính của cây”. Trong ảnh là 2 vợ chồng chị Hòa cùng chăm sóc vườn rau đẹp như tranh vẽ trên sân thượng

2. ĐẤT TRỒNG

- Chọn đất thịt pha cát, đất chiếm 50 đến 60% tổng trọng lượng.

- Không trồng 1 loại quá 1 vụ, phải trồng luân canh (trồng cà chua, bầu bí, dưa lưới sau đất vừa trồng rau) không trồng cà chua sau họ bầu, bí, dưa và ngược lại vì các họ này cùng chung bệnh thắt cổ rễ, thối rễ, tuyến trùng...

- Trộn đất, ủ đất từ 10 ngày đến nửa tháng để chuyển đổi những chất khó tiêu thành chất có lợi cho cây.

- Đất trồng phải thật tơi xốp nên xong mỗi vụ mùa cần bổ sung: 50% đất cũ cùng các loại tro trấu, xơ dừa, phân bò hoai mục…

Trồng chậu ở sân thượng rễ cây không thể đi xa kiếm thức ăn nên rất cần đầy đủ dinh dưỡng và độ thông thoáng

3. CHẬU TRỒNG

- Cà chua, bầu, bí bộ rễ to khỏe nên chậu càng to càng tốt. Rau thì dùng chậu nhỏ và cần có lỗ thoát nước.

4. THỜI VỤ

Thời tiếc nóng chúng ta nên trồng rau, dưa. Vụ thuận nhất là Đông Xuân thì trồng bầu, bí, su hào…

5. PHÂN HỮU CƠ

- Khi trộn đất trồng phải đủ tất cả các chất (đạm, lân, kali, canxi) để nuôi cây.

- Khi cây trưởng thành cần bổ sung định kỳ 10 ngày/lần bằng phân bò, trùn quế, dịch chuối…Chú ý theo dõi biểu hiện của màu lá và ngọn cây để biết thiếu phân hay thừa phân (vàng lá là cây bị thiếu phân).

Cây đủ phân đủ chất dinh dưỡng nên luôn sai trái. Trong ảnh là dàn cà chua bạch tuộc chi chít quả mà chị Hòa dày công chăm sóc

6. PHÒNG BỆNH

- Bầu bí mướp dùng 5 giọt thuốc sát khuẩn betadine và 5 giọt thuốc bôi ghẻ xanh methylen pha với 1 lít nước phun khắp mặt lá 1 tuần đến khi cây ra hoa thì ngưng.

- Cà chua thì dùng thuốc Lào ngâm rượu pha tỉ lệ 100ml cho 1,5 đến 2 lít nước phun vào 8h tối. Tuần 1 lần đến khi có hoa thì ngưng.

7. ÁNH SÁNG VÀ NƯỚC

- Ánh sáng: Bầu bí, dưa ưa nắng. Xà lách, bắp cải lại ưa mát

- Tưới nước không được tưới buổi chiều, nếu tưới chiều thì không cho ướt lá

- Bầu, bí ưa nước. Các cây họ đậu, cà chua lại thích khô

Hi vọng với những bí kíp mà chị Trúc Hòa chia sẻ, chị em nào đang “nhen nhóm” ý định chuẩn bị trồng rau trên sân thượng sẽ có thêm kinh nghiệm để làm vườn thật thành công.

Sau đây, mời mọi người cùng nhìn ngắm thêm những hình ảnh thật xinh đẹp của vườn rau nhà chị Trúc Hòa.

Bí quyết của chị Hòa là thật nghiêm khắc với bản thân, luôn tìm tòi nhiều cách và chăm cây cẩn thận để vườn luôn trĩu quả
Thành quả đáng ngưỡng mộ của chị Trúc Hòa
2 giỏ cà chua đỏ au, nhìn muốn ăn ngay mà chị Hòa vừa thu hoạch
Vườn cà chua bạch tuột tuyệt đẹp của chị Hòa là góc 'sống ảo' của hội bạn thân
Cà chua chín mọng đỏ au thường được chị Trúc Hòa chế biến thành nhiều món ăn ngon

Ảnh: FBNV

Thanh Thúy | Theo Phụ nữ sức khỏe