Giá nghĩa trang đã tăng đều đặn trong thập kỷ qua, trung bình 30% mỗi năm và những người bán nghĩa trang cũng dần tăng, khiến người dân lao đao rơi vào tình trạng 'sống đã khó mua nhà, chết cũng không có chỗ chôn'.

Thúy Nga (Theo Yonhap News) 06:45 07/04/2023

Các phương tiện truyền thông địa phương như Geukmo News đã đưa tin vào ngày 6/5 rằng giá mộ ở Trung Quốc đã tăng vọt, và nhiều ngôi mộ có giá vượt xa giá nhà đã xuất hiện.

Theo báo cáo, giá bán trung bình trên một mét vuông của một nghĩa trang mới được tạo ra bởi Song Heyuan (Tống Hà Viễn), một người bán nghĩa trang ở Thượng Hải, lên tới 760.000 nhân dân tệ (hơn 2.5 tỷ VND).

Những ngôi mộ san sát kín lối đi tại một nghĩa trang ở Trung Quốc. Ảnh: China News

Các phương tiện truyền thông địa phương đưa tin rằng những mức giá bán này cao hơn nhiều lần so với giá một ngôi nhà ở trung tâm thành phố Thượng Hải.

Không chỉ ở Thượng Hải, mà tại 4 thành phố lớn của Trung Quốc gồm Bắc Kinh, Quảng Châu và Thâm Quyến, nghĩa địa có giá đắt hơn nhiều so với giá nhà đã trở nên phổ biến.

Giá bán trung bình của các nghĩa trang ở Thâm Quyến là 149.000 nhân dân tệ (khoảng 500 triệu VND) mỗi mét vuông, và nghĩa trang Hoa kiều Dapengwan sang trọng có giá 1,68 triệu đô la Hồng Kông (khoảng 5 tỷ VND).

Nói một cách chính xác, ở Trung Quốc, nơi đất đai thuộc sở hữu nhà nước, việc mua bán nhà và nghĩa trang là giao dịch quyền sử dụng.

Quyền sử dụng nhà là 70 năm, nhưng nghĩa trang chỉ được sử dụng 20 năm, thời gian sử dụng có thể gia hạn thêm 20 năm thông qua hợp đồng gia hạn, nếu không gia hạn hợp đồng thì phải di dời mộ.

Xét về điểm này, giá thực tế của một nghĩa trang cao hơn giá một căn nhà một cách khó có thể so sánh được.

Một nghĩa trang tại Trung Quốc. Ảnh minh họa: Internet

Cư dân mạng cho rằng: “Sống đã khó mua nhà, chết cũng không có chỗ chôn”.

Giá nghĩa trang tăng chóng mặt vì khan hiếm nghĩa trang.

Ngoài nhận thức tiêu cực về kinh doanh tang lễ, quy trình xin phép và thành lập phức tạp, khó khăn đã gây ra sự cản trở trong cung-cầu nghĩa trang do không có nhiều công ty thành lập.

Khi Covid-19 lây lan nhanh chóng vào đầu năm nay và số người chết tăng vọt, những rắc rối về nghĩa địa ở các thành phố lớn như Bắc Kinh ngày càng gia tăng.

Ngoài ra, nhận thức của người dân Trung Quốc rằng họ cần phải chăm sóc cha mẹ thật tốt để làm ăn phát đạt và ham muốn thể hiện của họ đã thúc đẩy giá nghĩa trang tăng cao.

Giá nghĩa trang đã tăng đều đặn trong thập kỷ qua, trung bình 30% mỗi năm và những người bán nghĩa trang cũng dần tăng.

Tỷ suất lợi nhuận hoạt động của Pushouyuan, công ty bán nghĩa trang số 1 Trung Quốc, đã duy trì mức 85% trong 5 năm qua và tỷ suất lợi nhuận hoạt động năm 2021 của Fujeong Funeral đã tăng 6,4 điểm phần trăm so với năm trước, đạt mức khổng lồ 87,4 %.

Một nghĩa trang tại Trung Quốc. Ảnh minh họa: Internet

Để giảm bớt cuộc khủng hoảng nghĩa trang, chính quyền Trung Quốc vào năm 2018 đã hạn chế kích thước của các ngôi mộ của một người hoặc hai ngôi mộ không được vượt quá 1 mét vuông.

Khi việc mua những nghĩa trang đắt tiền trở nên khó khăn, những 'ngôi nhà nghĩa trang', nơi cất giữ hài cốt của tổ tiên như cha mẹ, cũng xuất hiện.

Tại các khu vực hẻo lánh bên ngoài các thành phố lớn như Thượng Hải, các khu chung cư nghĩa trang đã được hình thành, nơi không có người sinh sống và chỉ có tro cốt được chôn cất.

Các phương tiện truyền thông cho biết: “Thay vì mua một nghĩa trang chỉ có thể sử dụng trong 20 năm, hãy mua một ngôi nhà tương đối rẻ và sử dụng nó như một ngôi đền để cất giữ tro cốt của tổ tiên”.

Theo Yonhap News

Thúy Nga (Theo Yonhap News) | Theo Phụ nữ sức khỏe