Người mua xem nhẹ các thỏa thuận về quyền và nghĩa vụ của các bên khi ký hợp đồng mua căn hộ nên bất lợi khi xảy ra tranh chấp.
Thời gian gần đây, việc vi phạm trong quản lý, tranh chấp ở các chung cư ngày càng tăng xuất phát từ những sai phạm trong xây dựng, vận hành chung cư. Không chỉ ở TP HCM, tình trạng này còn xảy ra ở nhiều địa phương khác.
Xây dựng sai so với thiết kế
Mới đây, qua thanh kiểm tra, các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An phát hiện trên địa bàn tỉnh có 64 chung cư thi công chưa phù hợp với hồ sơ thiết kế đã được cơ quan chức năng thẩm định, phê duyệt hoặc chưa phù hợp quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng.
Cụ thể, 8 chung cư thi công vượt số tầng so với quy hoạch được phê duyệt. Chung cư 18 tầng T1 thuộc dự án Khu tổ hợp trung tâm thương mại khách sạn cao tầng, văn phòng cho thuê, chung cư cao tầng và nhà ở liền kề của Công ty CP Phú Mỹ Trung; chung cư 21 tầng Tecco - số 215 Lê Lợi (TP Vinh) của Công ty CP Phát triển đô thị Vinh; nhà ở xã hội, liền kề và dịch vụ thương mại xã Nghi Phú của Công ty TNHH Trường Thành; chung cư Bông Sen - số 39 Quang Trung của Công ty CP Du lịch Nghệ An; đơn nguyên 1 thuộc chung cư Danatol; chung cư cao cấp Trung Đức Tower của Công ty CP Xây dựng Trung Đức; chung cư CT1A thuộc dự án Cải tạo xây dựng lại khu chung cư Quang Trung của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Nhà Hà Nội 30...
Ngoài ra, qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện 13 chung cư chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu công trình nhưng đã đưa vào khai thác, sử dụng. Điển hình là hàng loạt chung cư trên địa bàn TP Vinh như chung cư Tràng An 1 và Tràng An 2 của Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Tràng An; chung cư số 02 (PVNC2 - CT02) tại đường Nguyễn Quốc Trị, phường Hưng Bình của Công ty CP Đầu tư Sản xuất và Thương mại Thành Vinh; tổ hợp siêu thị, thương mại dịch vụ, văn phòng cho thuê tại số 126 Nguyễn Sỹ Sách, phường Hưng Bình, của Công ty CP Tập đoàn Bảo Sơn; chung cư Huy Hùng 2, phường Hà Huy Tập, của Công ty Huy Hùng làm chủ đầu tư...
Bên cạnh đó, tỉnh Nghệ An còn phát hiện 21 dự án chung cư có sai phạm về năng lực hoạt động xây dựng của nhà thầu thi công; 26 dự án chung cư vi phạm năng lực hoạt động xây dựng của nhà thầu giám sát; 17 dự án chung cư vi phạm quản lý vật liệu đầu vào; 33 chung cư, chủ đầu tư chưa làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu cho người mua căn hộ; 34 chung cư chưa thành lập ban quản trị nhà chung cư; 72 chung cư chưa nghiệm thu xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành...
Báo động hơn, các cơ quan chức năng còn phát hiện hàng loạt dự án chưa đạt điều kiện về an toàn PCCC nhưng vẫn đưa vào sử dụng. Cụ thể 32 chung cư đã lập hồ sơ theo dõi, quản lý hoạt động PCCC nhưng chưa đầy đủ theo quy định; 41 chung cư chưa mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc; 3 chung cư chưa xây dựng phương án chữa cháy; 2 chung cư chưa thành lập đội PCCC cơ sở...
Về quản lý vận hành, qua kiểm tra phát hiện 34 chung cư chưa thành lập ban quản trị nhà chung cư; 23 chung cư chưa bố trí nhà sinh hoạt cộng đồng; 66 chung cư, chủ đầu tư chưa bàn giao kinh phí bảo trì theo quy định; 10 chung cư thu tiền điện, nước chưa đúng quy định; 44 chung cư thu phí trông giữ xe chưa đúng quy định; 30 chung cư chưa thu kinh phí bảo trì theo quy định; 69 chung cư chưa mở tài khoản tiền gửi để nhận kinh phí bảo trì; 53 chung cư chưa bàn giao hồ sơ nhà chung cư cho ban quản trị…
Ông Đinh Viết Hồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, khẳng định căn cứ vào kết luận thanh tra, tỉnh Nghệ An sẽ xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm. Cụ thể, theo kết luận của đoàn thanh tra tỉnh Nghệ An, yêu cầu chủ đầu tư phải hoàn thành khắc phục các tồn tại, vi phạm, báo cáo kết quả về UBND tỉnh trước ngày 30-12. Đồng thời làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan trong việc buông lỏng quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 30-10.
Vận hành yếu kém
Tại thành phố (TP) Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cho biết thời gian qua, thành phố đã tích cực đầu tư nhà ở cho người dân. Đến nay đã có 13,5% dân số có nhà ở chung cư, toàn TP hiện có 2.598 chung cư (chiếm 58% số lượng chung cư cả nước). Trong số này, có 86/1.354 chung cư còn tranh chấp (chiếm 3,3%). Để giải quyết vấn đề này, HĐND TP đã có nhiều phiên chất vấn song chủ đề này vẫn còn rất "nóng".
Bí thư Thành ủy TP Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng quản lý chung cư không phải là vấn đề mới, tuy nhiên, thời gian gần đây, do số lượng chung cư phát triển và số người dân ở nhà chung cư tăng, kéo theo nhiều vướng mắc. Đây là vấn đề phức tạp và nếu không có giải pháp xử lý sẽ dẫn tới nguy cơ mất ổn định về trật tự, an ninh xã hội.
Những ngày gần đây, tòa chung cư CT3 C’land ở số 81 Lê Đức Thọ (phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm) luôn trong tình trạng "căng như dây đàn" vì nhiều người dân treo băng-rôn phản đối chủ đầu tư cắt nước sinh hoạt nhiều ngày. Chủ đầu tư chung cư CT3 C’land là Công ty CP Đầu tư Bất động sản Hà Nội đã tự ý cắt nước của hàng chục hộ dân, khiến nhiều người dân phải sử dụng thùng nhựa, xô, chậu ở sảnh tòa nhà chờ mua nước sinh hoạt từ bên ngoài. Người dân cho hay chủ đầu tư cắt nước từ đầu tháng 9, ban đầu chỉ cắt nước sinh hoạt của 2 hộ nhưng đến nay đã lên khoảng 20 hộ. Còn đại diện chủ đầu tư CT3 C’land cho rằng lý do cắt nước là do các hộ dân không đóng phí dịch vụ suốt thời gian dài, số tiền lên đến hàng tỉ đồng, gây khó khăn cho công tác quản lý vận hành tòa nhà, nên buộc phải cắt nước sinh hoạt.
Theo khảo sát, tại nhiều chung cư trên địa bàn TP Hà Nội, việc tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư xảy ra rất nhiều, liên tục, căng thẳng. Tại nhiều chung cư, ban quản lý không thể giải quyết được, phải nhờ đến sự can thiệp của chính quyền địa phương. Ông Nguyễn Văn Phong, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hà Nội, cho rằng việc quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư vẫn còn bộc lộ không ít hạn chế, yếu kém như: Việc quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư chưa được thực hiện nghiêm túc; công tác tổ chức hội nghị nhà chung cư, việc bầu và công nhận ban quản trị còn chưa được đôn đốc kịp thời và không ít trường hợp bị chậm tổ chức so với quy định.
"Một số chủ đầu tư thiếu ý thức thực hiện các nghĩa vụ, trách nhiệm theo quy định của pháp luật; một số ban quản trị còn để xảy ra các vi phạm trong sử dụng kinh phí bảo trì, quản lý, vận hành nhà chung cư; không ít cư dân trong quá trình đàm phán và khi ký hợp đồng mua căn hộ đã coi nhẹ các thỏa thuận về quyền và nghĩa vụ của các bên trong quản lý vận hành, sử dụng chung cư sau khi nhận bàn giao nên bất lợi về pháp lý khi xảy ra tranh chấp..." - ông Phong nói.
Còn ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng TP Hà Nội, kiến nghị chỉ xem xét, phê duyệt đầu tư dự án các khu chung cư, nhà cao tầng khi phù hợp với quy hoạch, đáp ứng yêu cầu và quy định về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Kiên quyết không cho phép các nhà đầu tư đã vi phạm nghiêm trọng (hoặc đang vi phạm mà chưa được xử lý triệt để) trong đầu tư, quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư được tham gia đầu tư các dự án phát triển nhà ở mới trên địa bàn TP. Cần xác định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu các cấp chính quyền, nhất là cấp cơ sở, trong công tác quản lý nhà nước về quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư.
Công khai công trình vi phạm PCCC hằng tuần
Trung tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc Công an TP Hà Nội, cho biết những năm qua, số công trình nhà cao tầng mọc lên trên địa bàn ngày càng nhiều, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ ở các khu nhà cao tầng, chung cư cao tầng. Công tác quản lý nhà nước về PCCC hiện bộc lộ không ít hạn chế, khó khăn. Vì vậy, Công an TP cũng đã tham mưu, đề xuất nhiều giải pháp để chấn chỉnh hoạt động PCCC. Công an TP sẽ tiếp tục rà soát, thống kê các công trình nhà cao tầng, chung cư không bảo đảm an toàn PCCC, hằng tuần tập hợp danh sách vi phạm đăng công báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.