Nhu cầu nhà tái định cư cho các dự án của TPHCM hiện nay là rất lớn, tuy nhiên một nghịch lý đang xảy ra là trong khi nhiều chung cư tái định cư bỏ không nhiều năm, người dân không vào ở thì nhiều nơi khác lại thiếu quỹ nhà tái định cư.
Chung cư xây 10 năm nhưng “quên” làm đường
Hơn 1.000 tỉ đồng là số tiền được chính quyền TPHCM đầu tư để xây dựng khu tái định cư (TĐC) Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh, TPHCM). Dự án được khởi công từ năm 2008, đưa vào sử dụng năm 2011 trên diện tích 30,9ha, gồm 529 nền đất và 45 block chung cư với 1.939 căn hộ. Đây là nơi bố trí cho các hộ dân bị giải tỏa thuộc chương trình nâng cấp đô thị và các dự án của thành phố. Tuy nhiên, theo báo cáo mới đây thì tỉ lệ lấp đầy của khu TĐC này chỉ mới đạt khoảng 30%.
Hàng loạt căn hộ bị bỏ trống trong nhiều năm cùng với việc không được quản lý nên các công trình ở đây xuống cấp trầm trọng. Phần lớn các block đều bị sụt lún nền nghiêm trọng, tường sơn bong tróc, thấm nước hoen ố, cửa kính nhiều nơi bị vỡ vụn, hệ thống bơm nước gỉ sét, rác thải vứt ngổn ngang, cỏ dại mọc um tùm. Các hạng mục siêu thị, bệnh viện, trường học đã hoàn thành cũng không hoạt động được, gây lãng phí ngân sách. Công trình ngày một hoang hóa trong khi ngân sách vẫn phải chi cho việc quản lý, vận hành.
Để tránh lãng phí, thành phố đã quyết định bán đấu giá khoảng 1.000 căn hộ TĐC ở đây. Tuy nhiên, dù đưa ra chủ trương này từ năm 2016 nhưng đến nay vẫn chưa thể tiến hành bán đấu giá vì sau 10 năm đưa vào sử dụng, con đường chính để kết nối với các khu vực lân cận lại chưa có. Người dân ở đây đang phải đi trên con đường đất, nắng thì bụi bay mù trời, mưa thì đọng nước, sình lầy. Chưa kể, mặt tiền của khu TĐC là dòng kênh ô nhiễm nhiều năm trời bốc mùi hôi nặng nề, rác thải thì mạnh ai nấy vứt… tạo nên bộ mặt không mấy thiện cảm với người dân.
Được biết, theo quy hoạch của khu dân cư Vĩnh Lộc B, đường chính vào khu TĐC rộng 20m, nối từ đường Trần Văn Giàu vào đường số 5 của khu dân cư này. Tuy nhiên, đến nay đường này chưa được UBND H.Bình Chánh đầu tư xây dựng xong. Theo thông tin UBND H.Bình Chánh, dự án đường kết nối từ khu TĐC Vĩnh Lộc ra đường Trần Văn Giàu đang bị vướng bồi thường. Con đường rộng 20m, dài 127m này ảnh hưởng đến nhà, đất của 8 hộ dân (5 hộ giải tỏa trắng). Phương án bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án đã được UBND H.Bình Chánh ban hành vào tháng 2.2018, nhưng đến nay chưa có hộ dân nào đồng ý di dời.
Điều đáng nói ở đây là dự án khu TĐC Vĩnh Lộc đã được khởi công từ năm 2008, nhưng đến năm 2016 đường kết nối khu TĐC này với đường Trần Văn Giàu mới có chủ trương thực hiện. Trong khi đó, nếu kéo dài càng lâu thì những căn hộ dự định bán đấu giá sẽ càng xuống cấp, giá trị sẽ giảm.
Giải pháp phải nhìn vào thực tế
Theo thống kê từ Sở Xây dựng TPHCM, hiện thành phố đang thừa 14.000 căn nhà TĐC tại các quận 2, 9 và Bình Tân. Lãnh đạo Sở cho biết, trước đây chính sách bồi thường của Nhà nước theo đơn giá quy định nên người dân thường nhận nhà TĐC vì có lợi hơn nhận tiền để đi mua nhà. Còn hiện nay người dân được bồi thường theo giá thị trường nên họ nhận tiền để tự mua nhà. Tương tự, trước đây khi triển khai dự án, Nhà nước thường xây dựng trước quỹ nhà TĐC rất lớn để khi bị giải tỏa, người dân có sẵn nhà vào ở. Khi chính sách thay đổi, người dân nhận tiền chứ không nhận nhà, khiến quỹ nhà TĐC bị dôi dư.
Để “giải cứu” quỹ nhà dư dôi này, thành phố có chủ trương bán đấu giá và chuyển đổi các căn hộ TĐC sang nhà ở thương mại để giải quyết tình trạng tồn đọng nói trên. Tuy nhiên, việc bán đấu giá cũng không mang lại nhiều hiệu quả. Đơn cử như việc “giải cứu” 3.790 căn hộ tại khu TĐC 12.500 căn hộ ở Thủ Thiêm khá gian nan. Những căn hộ này được chia làm 2 gói đấu giá với giá khởi điểm 9.100 tỉ đồng. Tuy nhiên, đấu giá lần đầu vào tháng 2.2018 thất bại vì không có đơn vị nào tham gia. Lý giải nguyên nhân, một thành viên Hội đồng đấu giá cho biết tổng giá trị tài sản quá lớn.
Theo quy định, doanh nghiệp khi tham gia đấu giá phải ký quỹ 20% giá khởi điểm, nếu trúng đấu giá, trong vòng 1 tháng doanh nghiệp phải nộp 50% giá trị trúng đấu giá, 50% còn lại nộp trong vòng 90 ngày. Như vậy, nếu chỉ tính 20% ký quỹ, doanh nghiệp phải có 1.800 tỉ đồng. Đây là số tiền quá lớn, doanh nghiệp khó xoay xở trong thời gian ngắn.
TS Trương Huy Mai (RMIT) cho rằng, đã đến lúc cơ quan chức năng cần tính đến nhiều giải pháp đồng bộ hơn trong việc TĐC. Đầu tiên phải tổ chức các khóa học cơ bản về “cuộc sống mới” ở trên cao. Nghe tưởng chừng đơn giản nhưng thực tế người dân TĐC rất ngại khi bước vào cuộc sống mới ở chung cư. Bên cạnh đó, nhất định phải đào tạo và giải quyết việc làm cho số dân này