Tranh chấp chung cư diễn ra ngày càng nhiều khiến tâm lí người mua trở nên cẩn trọng. Thị trường căn hộ Hà Nội ảm đạm, nhiều người buôn bất động sản cho biết đang phải chịu lỗ cả trăm triệu đồng một căn.
Bị "vây" trong tranh chấp vì mua chung cư
Thời gian gần đây, những tranh chấp liên quan đến sổ đỏ, diện tích chung riêng, phí dịch vụ... liên tục bủa vây người ở chung cư.
Theo Bộ Xây dựng, tỷ lệ xảy ra tranh chấp giữa người mua và người bán theo ước tính có thể lên đến khoảng 30% tại các dự án chung cư. Điều này chắc chắn ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh của chung cư trong mắt người tiêu dùng và sự phát triển bền vững của thị trường.
Anh Hoàng Tuấn Hiệp (Đan Phượng - Hà Nội) nói: "Tôi mua căn chung cư tại Đan Phượng từ năm 2017 với giá 1,3 tỉ đồng. Tôi mua xa trung tâm thành phố vì giá cả hợp lí, giao thông cũng thuận tiện.
Sau khi mua tôi gặp quá nhiều phiền phức, từ diện tích chung riêng đến nước sạch. Mệt mỏi, tôi đã đăng tải thông tin và tìm cách bán nhà. Nhưng có lẽ vì những tranh chấp này mà nhà quá mất giá và ít khách hỏi mua".
Không tranh chấp cũng khó bán
Chị Lê Hà (Cầu Giấy - Hà Nội) chia sẻ: "Tôi có một căn chung cư ở quận Hoàng Mai có vị trí trung tâm quận, nhưng rao bán 6 tháng mới có người mua. Chung cư mới, xây chất lượng giá hợp lý nhưng khó bán. Tôi phải rao qua nhiều kênh mới bán được. Giá bán so với lúc mua lỗ gần 100 triệu. Nếu càng để càng lỗ nên tôi phải bán gấp.
Hiện tại tôi thấy, một số chung cư ở Quận Cầu Giấy hoặc chung cư cao cấp ở một số khu giao dịch chậm nhưng giá vẫn ở mức cao. Như đường Thành Thái (Cầu Giấy) giá chung cư từ 30 triệu/m đối với chung cư cũ, đến 40-42 triệu/m đối với chung cư mới".
Nói về nguyên nhân khó bản căn hộ chung cư, anh Minh Hoàn, một nhân viên môi giới >bất động sản tại Hà Nội cho biết: "Năm nay, thị trường diễn ra ảm đạm, nhà giá rẻ cũng rất khó bán. Số lượng khách hàng tìm mua ít. Chung cư, nhà giá rẻ không còn là lựa chọn ưu tiên, nhiều căn rơi vào tình trạng mất giá".
"Từ năm ngoái đến năm nay tình trạng mua nhà bắt đầu giảm dần. Thị trường đã bắt đầu bão hòa dù các hoạt động vẫn diễn ra bình thường. Tại Hà Nội, để vào nội đô thì giá quá cao, nhiều người không thích sự đông đúc quá mức nên đang có xu hướng mua nhà ở các khu vực lân cận như Hà Đông. Tuy nhiên, tỉ lệ sốt, nóng theo các thời điểm và khu vực là không có. Trên thực tế, nhu cầu của người dân vẫn nhiều nhưng không phải ai cũng mua được", anh Minh Hoàn thông tin thêm.
Nhận định về thị trường, ông Nguyễn Văn Đính (Phó Tổng thư ký Hiệp hội bất động sản Việt Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam) cho hay, thị trường từ những tháng cuối năm 2018 không có nhiều tín hiệu khả quan, đặc biệt ở phân khúc căn hộ.
Ông Nguyễn Văn Đính dự báo, thị trường có thể tương đối khó khăn, do tình hình cung cầu, tín dụng bất động sản bị siết lại.
Theo báo cáo Bộ Xây dựng tính đến ngày 20.11.2018, nhìn chung thị trường BĐS cả nước đang tồn kho 2.316 căn hộ chung cư (tương đương 3.392 tỉ đồng).
Tính riêng BĐS tồn kho trên địa bàn Hà Nội còn khoảng 5.103 tỉ đồng. Tồn kho BĐS trên địa bàn TP.HCM còn khoảng 4.215 tỉ đồng.