Các nước trên thế giới đều có chính sách phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp nhưng hiếm có quốc gia nào có định hướng về chính sách nhà ở xã hội như tại Việt Nam
Hầu hết các nước trên thế giới đều có chính sách và chương trình phát triển >nhà ở xã hội để giải quyết nhu cầu cho người có thu nhập thấp, người nhập cư, ngay cả các nước phát triển như Pháp, Singapore, Hàn Quốc. Tuy nhiên, hiếm có quốc gia nào có định hướng về chính sách nhà ở xã hội như tại Việt Nam.
Nhà ở xã hội nhưng bán và thu tiền ngay
Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), đối với các chính sách nhà ở xã hội, trên thế giới, Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kiến tạo chính sách, đặc biệt là chính sách tạo quỹ đất, chính sách thuế và chính sách tín dụng ưu đãi để hỗ trợ phát triển các dự án nhà ở xã hội cũng như hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho người tiêu
dùng để thuê mua, thuê nhà ở xã hội phù hợp với nhiều loại đối tượng khác nhau.
Phổ biến nhất vẫn là hình thức thuê nhà ở xã hội, một phần nhỏ còn lại là mua trả góp dài hạn từ 20-30 năm.
Trong khi đó, Việt Nam lại có hẳn loại nhà ở xã hội dùng để bán và thu tiền ngay.
Với dân số 94 triệu người, Nhà nước đặc biệt coi trọng chính sách nhà ở xã hội. Do đó, từ năm 2005, chính sách này đã được đưa vào Luật Nhà ở.
Số liệu của Bộ Xây dựng cho thấy, nhu cầu nhà ở xã hội trong giai đoạn 2011-2020 vào khoảng 440.000 căn hộ. Trong đó, TP.HCM khoảng 134.000 căn; Hà Nội khoảng 110.000 căn; Bình Dương 41.250 căn; Đồng Nai 36.700 căn; Đà Nẵng 11.500 căn... Thế nhưng, đến nay, các địa phương chỉ mới thực hiện được khoảng
30% kế hoạch đã đề ra.
Nhiều bất cập từ chính sách
Để đáp ứng đầy đủ và chính xác nguồn cung ứng, năm 2014 Nhà nước đã đưa chính sách nhà ở xã hội vào chương IV Luật Nhà ở. Ngay sau đó, Chính phủ cũng liên tục ban hành nhiều Nghị định, Thông tư, Chỉ thị để hướng dẫn thực hiện chính sách về nhà ở xã hội. Tuy nhiên, qua nhiều năm thực hiện, HoREA cho rằng chính sách này vẫn còn nhiều điểm bất cập và chưa thật sự phù hợp.
Cụ thể, Nhà nước gần như chưa bố trí được nguồn ngân sách để thực hiện chính sách nhà ở xã hội. Ngân hàng Chính sách xã hội chưa cấp tín dụng ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội trong giai đoạn 2015-2020. Các ngân hàng thương mại được Ngân hàng nhà nước chỉ định cũng chưa thể tham gia thực hiện chính sách nhà ở xã hội do chưa được tái cấp vốn ngân sách nhà nước.
Chính sách nhà ở xã hội hiện nay chưa thật sự tập trung để phát triển loại nhà ở xã hội cho thuê trở thành định hướng chủ đạo; chưa phân biệt rõ phần chính sách đối với người mua nhà ở xã hội trả tiền một lần và phần chính sách đối với người thuê mua nhà ở xã hội trả tiền trong thời hạn 15 năm.
Trên thực tế, đa số các đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội chưa được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi do nhu cầu quá lớn. Việc tiếp cận vốn vay mua nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội đang bị vướng mắc do căn hộ nhà ở xã hội thường đã bị chủ đầu tư dự án thế chấp ngân hàng,trong lúc Ngân hàng Chính sách xã hội chưa được phép cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội vay.
Chưa kể, các ràng buộc qua lại giữa Nghị định 100/2015/NĐ-CP và Luật nhà ở 2014 gây trở ngại rất nhiều đối với việc thực hiện chính sách. Nhiều dự án bị bỏ lửng do chủ đầu tư không tiếp tục được vay vốn hoàn thành, nhiều người có nhu cầu mua nhà cũng không thể tiếp cận nguồn vốn chính sách.
Cạnh đó, với điều kiện phải gửi tiết kiệm để được vay vốn ưu đãi mua, thuê nhà ở xã hội, thì lãi suất tiết kiệm chưa hợp lý. Năm 2018, mức lãi suất là 4,8% năm thực sự khó thu hút người tham gia.
Do vậy, HoREA cho rằng Ngân hàng chính sách xã hội cần thống nhất mức lãi suất của mình với các ngân hàng thương mại được chỉ định (hiện nay khoảng 7% năm) nhằm khuyến khích đối tượng thủ hưởng và tăng nguồn chính sách thực hiện.
Chính phủ, Ngân hàng nhà nước cũng nên xem xét và ấn định mức gởi tiết kiệm, cũng như lãi suất phù hợp với khả năng tài chính người vay hơn hiện nay.
Không những vậy, thời hạn cho vay mua, thuê nhà ở xã hội trong khoảng 15 – 25 năm cũng gây ra những rắc rối đáng kể, do không có cơ chế rõ ràng trong việc xác định đối tượng nào vay 15 năm hay 20, 25 năm. Sự tùy tiện trong việc vận dụng điểm này, ảnh hưởng cơ chế tái cấp vốn, cấp bù lãi suất của Ngân hàng Nhà nước cho Ngân hàng chính sách xã hội và các tổ chức tín dụng được chỉ định.
Ngoài ra, tiền đặt cọc cho người thuê nhà ở xã hội cũng nằm trong khoảng bất hợp lý, từ 3-12 tháng tiền thuê. Với mức thông thường trong thương mại hiện nay chỉ từ 1 đến 3 tháng thì phí đặt cọc nhà ở xã hội không khác gì gánh nặng cho người thuê.