Các chuyên gia nhận định đề xuất giao Chính phủ điều chỉnh mức thuế giao dịch bất động sản khi có biến động lớn là chưa hợp lý
Trong báo cáo của Bộ Xây dựng gửi Quốc hội về thực hiện giám sát chuyên đề trong lĩnh vực quản lý, bộ này cho biết sẽ nghiên cứu, đề xuất, sửa đổi, bổ sung chính sách thuế theo hướng giao cho Chính phủ thực hiện thẩm quyền điều chỉnh mức thuế giao dịch >bất động sản (BĐS) để kịp thời bình ổn thị trường, chống đầu cơ khi thị trường có biến động lớn.
Chính phủ không có thẩm quyền
Giải thích về đề xuất trên, Bộ Xây dựng cho biết tại địa bàn các tỉnh, thành như Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang, TP HCM..., thời gian qua, một số đối tượng đầu cơ BĐS lợi dụng các yếu tố xã hội như chuẩn bị quy hoạch đô thị, chuẩn bị xây dựng các công trình hạ tầng, mở rộng đô thị... để đẩy giá đất lên cao nhằm thu lợi bất chính, làm bất ổn thị trường. Bởi vậy, cần đưa ra giải pháp để kiểm soát các cơn sốt đất.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn với việc trao quyền điều chỉnh thuế giao dịch >nhà đất cho Chính phủ, bởi không phù hợp với quy định luật pháp. Nhấn mạnh các quy định về thuế, phí hay các khoản thu khác phải do Quốc hội thông qua bằng các luật liên quan, chuyên gia thuế Chung Thành Tiến cho rằng nếu giao quyền cho Chính phủ được phép tăng thuế giao dịch nhà đất thì có thể bị "kẹt" bởi các quy định khác. Chưa kể, Chính phủ đang chịu áp lực về nhiệm vụ tăng nguồn thu, nếu giao quyền tăng thuế cho Chính phủ liệu có xảy ra tình trạng lạm thu? Quyền lợi của người dân và nhà đầu tư liệu có được bảo đảm? "Việc tăng thuế, theo tôi, vẫn nên để Quốc hội - cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân - quyết định nhằm bảo đảm công bằng, hợp lý" - ông Chung Thành Tiến lưu ý thêm.
Mở rộng vấn đề, ông Tiến cho rằng có thể bàn nhiều giải pháp để kiểm soát thị trường BĐS chứ không thể đụng chuyện gì cũng đòi tăng thuế, bởi dễ gây bức xúc trong dân.
Chuyên gia chính sách công Nguyễn Quang Đồng đặt vấn đề giao quyền tăng thuế cho Chính phủ có thể tạo ra lợi ích nhóm trực tiếp cho một số bộ phận, đặc biệt là những người nắm quyền quản lý. Điều này sẽ gây hậu quả không tốt cho thị trường. "Rất khó để xác định thế nào là sốt đất, làm sao biết địa phương này có sốt đất còn địa phương khác không có? Nếu tăng thuế chung thì ở những địa phương không có sốt đất sẽ bị ảnh hưởng, còn tăng riêng tại khu vực được xác định có sốt đất có thể phát sinh nạn chạy chọt. Chưa kể, chính sách thuế hiện áp dụng chung theo luật, nếu chỉ tăng ở một bộ phận sẽ trái với pháp luật" - ông Đồng góp ý.
Nhà đầu tư lo lắng
Cũng theo chuyên gia Nguyễn Quang Đồng, thị trường BĐS được xem như thị trường hàng hóa bình thường. Do đó, chính sách thuế phải có tính ổn định mới bảo đảm hoạt động kinh doanh bình thường của nhà đầu tư. "Chính phủ nói để hạn chế tình trạng thị trường nóng sốt mà áp mức thuế mới, liệu nhà đầu tư lâu dài có bị ảnh hưởng không? Làm thế nào để có căn cứ ổn định để kinh doanh khi chính sách liên tục thay đổi bởi nó liên quan trực tiếp đến lãi, lời" - ông Đồng nói.
Luật sư Trần Đình Dũng - Trung tâm Tư vấn pháp luật TP HCM, Trung ương Hội Luật gia Việt Nam - nhận định nếu dùng biện pháp điều chỉnh mức thuế giao dịch BĐS để kịp thời bình ổn thị trường khi có biến động là không khả thi, bởi nếu áp dụng, vô hình trung gây thiệt hại cho người sử dụng đất bình thường. Trong khi đó, những người đầu cơ, kinh doanh thường lách luật để khai báo giá giao dịch thấp hơn nhiều lần giá trị thật.
Cùng quan điểm này, ông Trần Khánh Quang, Tổng Giám đốc Công ty BĐS Việt An Hòa, cho rằng đối với BĐS, định giá khu vực nào đó có sốt hay không chủ yếu dựa trên cảm tính nhiều hơn. Vì số liệu giao dịch hầu như không ai nắm mà toàn nghe đồn qua các phương tiện thông tin đại chúng chứ không ai đo định giá thật là bao nhiêu. "Chỗ nào thông tin nhiều thì nói sốt nhưng cũng có nhiều nơi không có tin gì nhưng giá vẫn tăng 2-3 lần. Nếu đánh thuế chống sốt BĐS nên nghiên cứu tính minh bạch và phổ cập thông tin. Nghĩa là tất cả thông tin về quy hoạch phải rõ ràng; thủ tục hành chính đơn giản vì nếu phức tạp, nguồn cung hàng ít, người làm thủ tục được, người không thì mới có chuyện BĐS chỉ nằm trong tay một nhóm người, từ đó tạo ra sốt. Khi nào giải quyết được các vấn đề này rồi hãy nghĩ đến đánh thuế cao với các giao dịch BĐS" - ông Trần Khánh Quang nêu quan điểm.