Cần phải có giải pháp giảm nhẹ cho người mua nhà khi phải đóng kinh phí bảo trì, đóng kinh phí nhận nhà như hiện nay.
Sáng 24/4, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Pháp luật tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 18. Trong sáng nay, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà giải trình về nội dung “Việc thực hiện pháp luật về quản lý phí bảo trì nhà chung cư hiện nay, những vướng mắc, bất cập và giải pháp tháo gỡ”.
Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà giải đáp những băn khoăn của đại biểu về phí bảo trì và bảo hành trùng nhau, nên chủ đầu tư không thực hiện, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà khẳng định: Quy định pháp luật là rõ ràng, vấn đề là do tổ chức thực hiện.
“Cũng có trường hợp hội nghị lần đầu của nhà chung cư bầu ra Ban Quản trị. Ban Quản trị họp thông qua kế hoạch bảo trì do chủ đầu tư lập. Chủ đầu tư tính tổng chi của của 1 năm, nhưng một số người không hiểu biết vấn đề này nên đã dẫn tới thực hiện lúng túng, dẫn đến nghi kị lẫn nhau. Quy định pháp luật hết sức rõ ràng, việc kiểm tra giám sát cũng rất rõ, nhưng nếu việc này Ban Quản trị không có trình độ năng lực sẽ rất khó khăn”, Bộ trưởng nói.
Các đại biểu cho rằng, phải thay đổi cách thu, phương thức thu và có giải pháp để bắt buộc chủ đầu tư bàn giao kinh phí bảo trì cho Ban Quản trị chung cư. Có giải pháp buộc Ban quản trị chung cư sử dụng đúng mục đích quỹ bảo trì và có sự kiểm soát, trong đó có vai trò của chủ đầu tư.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp Hội BĐS TP HCM nêu thực tế, với những chung cư trên 20 tầng hiện nay, kinh phí bảo trì ước độ trên dưới 20 tỷ đồng. Tại Hà Nội có chung cư cao nhất nước là chung cư Keangnam với kinh phí bảo trì lên đến hơn 160 tỷ đồng.
“Rõ ràng đây là miếng mồi lớn đối với 1 số phần tử xấu muốn tìm cách chui vào Ban Quản trị để trục lợi. Cần phải có giải pháp giảm nhẹ cho người mua nhà khi phải đóng kinh phí bảo trì, đóng kinh phí nhận nhà như hiện nay”, ông Châu lên tiếng.
Về phương thức thu quỹ bảo trì, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho rằng, việc cho phép chủ đầu tư thu tiền sẽ thuận tiện hơn. Tuy nhiên, sau khi thu xong có vướng mắc là chủ đầu tư chậm, không bàn giao, hoặc bàn giao thiếu kinh phí bảo trì. Bộ trưởng Phạm Hồng Hà khẳng định sẽ xử lý nghiêm khắc đối với tình trạng này.
Vấn đề do đại biểu Bùi Văn Xuyền, Ủy viên Ủy ban Pháp luật về Bộ Xây dựng nêu ra là phải rút ra bài học trong quá trình thực hiện quản lý nhà nước về quản lý, vận hành nhà chung cư, trong đó có quản lý sử dụng quỹ bảo trì 2%.
"Muốn làm tốt hơn, phải công khai minh bạch hơn nữa. Toàn bộ tranh chấp đều do do người mua và người bán. Trong hợp đồng theo quy định đã quy định rõ trong hợp đồng phản ảnh đầy đủ nhưng trên thực tế, một số chủ đầu tư thực hiện tốt nhưng có 1 số chủ đầu tư trong các hợp đồng của mình không thể hiện các nội dung theo quy định pháp luật, mà còn giành quyền có lợi về cho chủ đầu tư làm giảm thiểu quyền lợi của người mua. Cho nên tôi cho rằng cần công khai minh bạch điều này. Nếu công khai minh bạch hạn chế tranh chấp", ông Bùi Văn Xuyền nêu rõ.