Dự báo đến năm 2025, thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam sẽ tăng lên đến 8 tỷ USD. Đây chính là cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào bất động sản công nghiệp tại Việt Nam.

06:00 01/05/2019

Phân khúc căn hộ cao cấp sẽ rất khốc liệt

Nói về triển vọng từng phân khúc của thị trường >bất động sản trong năm 2019 và trung hạn tại hội thảo Bất động sản công nghiệp Việt Nam năm 2019, ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho hay, phân khúc căn hộ cao cấp đã không còn quá hấp dẫn.

Bởi lẽ, năm 2018, căn hộ cao cấp vẫn là phân khúc chiếm tỷ lệ lớn nhất trên thị trường, nhưng do tính thanh khoản không đạt được như kỳ vọng, dẫn đến tình trạng thừa cung trong phạm vi cả nước. Chính vì vậy, sự cạnh tranh ở phân khúc căn hộ cao cấp sẽ rất khốc liệt trong năm 2019 này.

Các nhà đầu tư nước ngoài cũng đang muốn đầu tư vào bất động sản công nghiệp tại Việt Nam.

Ở phân khúc nhà ở bình dân và nhà ở trung cấp, ông Nam cho rằng, đây là phân khúc giữ vai trò chủ đạo, nhưng cũng khó phát triển trong ngắn hạn. Trong trung hạn, dự đoán sẽ tiếp tục thiếu hụt nguồn cung quỹ đất, do đó nguồn cung dự án phân khúc nhà ở trung cấp, phân khúc nhà ở đại chúng cũng khó khăn.

“Đây sẽ tiếp tục là phân khúc giữ vai trò chủ đạo trong việc phát triển bền vững của thị trường những năm tới. Tuy nhiên, nhà ở bình dân chủ yếu được phát triển ở ven đô, xa trung tâm và có bất cập là hạ tầng, tiện ích, dịch vụ hỗ trợ còn đang rất yếu và thiếu”, ông Nam nói.

Còn >phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, dù sẽ phát triển song hiện phân khúc này còn trở ngại lớn về pháp lý. Trong khi đó, phân khúc bất động sản công nghiệp lại đang nhận được sự kỳ vọng và quan tâm rất lớn của thị trường.

Gỡ vướng cho bất động sản công nghiệp

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết năm 2018, cả nước có 326 khu công nghiệp (KCN) được thành lập, với tổng diện tích đất tự nhiên đạt xấp xỉ 93.000 ha. Tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động đạt 73%.

  Đánh giá về phân khúc này, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, sức hấp dẫn của bất động sản công nghiệp Việt Nam cao hơn mức trung bình của khu vực và tiếp tục được thúc đẩy bởi các yếu tố như chi phí lao động thấp, giá thuê đất hợp lý, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi…

Theo ông Cung, để phát triển bất động sản công nghiệp, Việt Nam cần tập trung phát triển thị trường logistics (kho vận) và thị trường thương mại điện tử. Trong đó, thị trường logistics được dự báo sẽ phát triển nổi bật trong vòng 5 - 10 năm nữa; trong khi đến năm 2025, thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam cũng có thể tăng lên đến 8 tỷ USD... Đây chính là cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào bất động sản công nghiệp tại Việt Nam.

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Trần Quốc Trung - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế cũng đánh giá, việc xây dựng và phát triển KCN đã trải qua 5 giai đoạn với những đặc điểm phát triển riêng. 

Tuy nhiên, có một vấn đề rằng, các KCN cũng đang gặp một số hạn chế như: công tác bảo vệ môi trường chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra; vấn đề nhà ở, phúc lợi xã hội và >đời sống công nhân trong KCN chưa được cải thiện rõ rệt; quy hoạch phát triển nguồn nhân lực gắn với ngành nghề thu hút đầu tư trong các KCN còn thiếu;

việc huy động vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KCN còn khó khăn; chính sách hiện hành còn một số điểm vướng mắc chưa thuận lợi cho thu hút đầu tư, phát triển các KCN.

Trước hạn chế này, ông Trung khẳng định, Việt Nam đang thực hiện nhiều chính sách mới về phát triển KCN với những chính sách ưu đãi đầu tư như: ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi thuế nhập khẩu, ưu đãi đất đai cùng sự hỗ trợ của Nhà nước đối với đầu tư cơ sở hạ tầng...

Phân tích sâu hơn về việc thu hút nhà đầu tư nước ngoài cho phân khúc này, GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, Việt Nam cần công khai minh bạch giá đất công nghiệp tại các địa phương; đảm bảo các nhà đầu tư trong, ngoài nước có thể ngồi tại chỗ vẫn biết được giá đất, biết được địa phương có tiềm năng, tiềm lực nào có thể khai thác và có thể đáp ứng yêu cầu đầu tư của họ.

Cùng với đó, ông Võ cũng khuyến nghị các địa phương cũng cần sớm ban hành các chính sách ưu đãi về chi phí thuê đất đai, nhà xưởng; xây dựng hạ tầng kỹ thuật... để thu hút nhà đầu tư nước ngoài mạnh mẽ hơn nữa.

Ngoài ra, theo các chuyên gia tại hội thảo, Việt Nam cần nghiên cứu xây dựng Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ Quy định về quản lý KCN và khu kinh tế, để nâng tầm lên thành luật quản lý KCN và Khu kinh tế...

 

Theo Minh Thư/Infonet