Chỉ trong vòng hai tháng trở lại đây, hai dự án resort liên tục đào đất đồi, san ủi đất, lấp hồ Đồng Mô (thị xã Sơn Tây, Hà Nội). Điều đáng nói, doanh nghiệp này chỉ được phép nạo vét, san gạt tại chỗ nhưng thực tế việc lấp hồ đã xảy ra. Đến nay, dù thi công lấp hồ trái phép nhưng cơ quan quản lý vẫn chưa có hành động ngăn chặn.
Hiện trường lấp hồ
Trước cổng sân golf Đồng Mô có con đường nhỏ chạy dài bao bọc quanh hồ Đồng Mô. Cách cổng sân golf chỉ chừng 2km là Văn phòng dự án Resort Spa Cây Bồ Đề của Cty CP Thương mại Đồng Mô. Đối diện văn phòng dự án là cánh cổng khép kín. Bên trong cánh cổng là khoảng đất rộng tới hàng nghìn mét vuông đã được san ủi, đang trồng cây. Tại đây, nơi Cty CP Thương mại Đồng Mô làm chủ đầu tư xây dựng resort với diện tích 3,9ha, một phần đồi Mơ đã bị san gạt làm mặt bằng, mặt đất đỏ sẫm, mềm nhũn, mỗi bước đi đều để lại dấu chân. Phía xa sát mép nước hồ Đồng Mô là hàng loạt cây cọ mới được được trồng. Người dân ở đây cho biết, mới chỉ cách đây 10 hôm, khi đêm đến là hàng đoàn xe ủi, máy xúc liên tục quần thảo xẻ đồi để tạo dựng mặt bằng mới.
Đó là phía trên cạn, ở dưới nước thì cảnh lấp hồ còn rõ ràng mồn một. Sáng 19.6, ông Lưu Đình Hồng, là ngư dân hồ Đồng Mô, đi thuyền máy cùng PV Lao Động tới hiện trường các vụ san lấp hồ. Ông Hồng là ngư dân đã sống từ nhỏ tại hồ Đồng Mô, hiểu rõ luồng lạch từng con nước, nhắm mắt cũng nhớ từng ụ đất, góc cây trên hồ. Tại dãy đồi Mơ, ông Hồng chỉ ra dãy cọc mới dựng sáp mép nước và nói, toàn bộ dãy cọc dựng lên để đổ đất mới lấp hồ. Dãy cọc này có độ dài hàng trăm mét, chạy dọc một phần khu đồi Mơ. Ông Hồng nói, trước đây, mép nước lên quá phần dãy cọ, nhưng nay, dãy cọ chỉ còn cách mép nước vài mét.
Từ khu vực đồi Mơ, đi thuyền lên chỉ vài trăm mét là hiện trường đang xây dựng biệt thự của Cty CP Đầu từ xây dựng Đông Sơn. Cty này trước nay nổi tiếng với khu resort G9 đã đi vào hoạt động, trong đó dãy biệt thự Phan Thị. Tại đây, từ xa đã hiện rõ phần thô của biệt thự xây dựng đang hình thành chỉ cách mép nước độ vài mét. Đi sát vào hiện trường xây dựng là tà luy đất mới hình thành, trên tà luy đã hình thành đường dạo chạy quanh. Ông Hồng nói, tà luy này được hình thành do đất xẻ đồi làm biệt thự đổ xuống. Sát cạnh ta luy là hòn đảo nổi được nối liền với hệ thống resort đang xây dựng, hòn đảo nổi này cũng chất đầy đất đồi đỏ sẫm. Những người dân chuyên đi vớt quả bóng golf tại hồ Đồng Mô mô tả, hòn đảo trước đây là ụ nổi, vào mùa nước thì ngập hoàn toàn, mùa cạn chỉ là ụ đất nhỏ khoảng chừng vài chục mét. Tuy nhiên, 3 năm trở lại đây, từ khi hệ thống resort G9 hình thành, ụ đất đã trở thành đảo nhỏ với diện tích khoảng 500 - 600m2. Từ khi dự án này đổ đất, diện tích đảo tiếp tục tăng lên đáng kể.
Đơn vị quản lý hồ bao che doanh nghiệp vi phạm
Để hai dự án resort được phép xây dựng, san lấp, 2 doanh nghiệp này gửi văn bản tới Cty Sông Tích để xin phép để được nạo vét. Với dự án Resort Spa Cây Bồ, Cty Sông Tích cho phép dự án này nạo vét phần đất bồi lắng để san gạt, trong phạm vi diện tích 3,9ha. Trong quá trình thi công không được để phế liệu rơi xuống lòng hồ Đồng Mô và hoàn trả mặt bằng khu vực theo hiện trạng. Còn với dự án xây biệt thự khu resort G9, Cty Sông Tích chấp thuận cho doanh nghiệp tận dụng bãi nổi 500m2 để làm nơi tạm chứa đất.
Trao đổi với PV Lao Động, ông Nguyễn Thanh Hà - Trưởng phòng TNMT thị xã Sơn Tây - cho biết, phòng TNMT đã đã nắm bắt được thông tin các doanh nghiệp san lấp lấn hồ. Ông Hà cho rằng, doanh nghiệp đã san lấp ở cốt nước thấp, không phải cốt nước giao đất cho doanh nghiệp. “Việc này, Cty Sông Tích có văn bản cho doanh nghiệp làm ở cốt 19m. Trong khi đó, sở TNMT cấp giấy phép cho doanh nghiệp xây dựng từ cốt 23m trở lên. Diện tích này (diện tích lấn hồ-PV) lúc nước cao thì dưới mặt nước, khi nước thấp thì lộ ra. Lỗi đầu tiên do Cty Sông Tích, từ cốt 23 trở xuống thì Cty này phải quản lý, kể cả nước ngập hay nước rút. Cty Sông Tích quản lý chưa chặt chẽ, làm khó cho các cơ quan. Chúng tôi đang tổng hợp để báo cáo sở NNPTNN TP. Hà Nội (đơn vị được giao quản lý Cty Sông Tích). Phải rành mạch để rõ trách nhiệm quản lý của ai”, ông Hà nói.
Như vậy, việc lỗi vi phạm về xây dựng đã rõ, tuy nhiên đến nay, điều khó hiểu là các cơ quan quản lý vẫn để vi phạm xảy ra mà không đình chỉ thi công hai dự án kể trên. Trả lời Lao Động về vấn đề này, trưởng phòng Quản lý đô thị xã Sơn Tây cho biết, chỉ báo cáo lên thị xã mà không trả lời về phần có đề xuất đình chỉ thi công dự án hay không.
Cơ quan quản lý không làm rõ diện tích doanh nghiệp lấp hồ
Với việc lấp hồ hai dự án resort này, các biên bản kiểm tra với sự có mặt của chính quyền xã, Phòng TNMT, Phòng Quản lý đô thị thị xã Sơn Tây và Cty TNHH Thuỷ lợi Sông Tích (đơn vị được giao quản lý mặt nước hồ Đồng Mô) cũng không đưa ra con số cụ thể diện tích mặt nước hồ Đồng Mô bị lấp là bao nhiêu. Chủ tịch xã Sơn Đông cho biết, diện tích mặt nước hai dự án san lấp “lấn hồ là rất nhỏ”. Tuy nhiên, diện tích mặt nước hồ Đồng Mô đã mất đi trong một tháng trở lại đây, người dân ước tính lên tới hàng nghìn m2. T.CHÍ - C.NGUYÊN