Sau làn sóng ồ ạt thành lập doanh nghiệp bất động sản mới trong năm 2018, bước vào năm 2019, không những lượng doanh nghiệp đăng ký mới sụt giảm mạnh, mà tình trạng giải thể doanh nghiệp ở lĩnh vực này xuất hiện ngày một nhiều. Hàng loạt đại gia địa ốc lợi nhuận giảm, báo kết quả kinh doanh lỗ và có thể lâm cảnh “chết” lâm sàng.
Nhiều doanh nghiệp lỗ, giải thể
Mới đây, hàng loạt các doanh nghiệp địa ốc công bố báo cáo tài chính quý I/2019. Theo đó, nhiều doanh nghiệp địa ốc có lợi nhuận sụt giảm, thậm chí lỗ... Công ty CP Đầu tư Hải Phát (mã chứng khoán: HPX) hết quý I, HPX ghi nhận doanh thu đạt 334,7 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 18 tỷ đồng, giảm tới 125% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân mức sụt sốc này được công ty này lý giải là đang hoàn thành căn hộ tại dự án nhà ở xã hội Phú Lãm (Hà Đông, Hà Nội), số căn hộ thương mại đem lại lợi nhuận cao thực hiện bàn giao quý I chiếm tỷ trọng thấp. Điểm đáng lưu ý là hàng tồn kho của HPX đang tăng rất mạnh, tính đến hết quý I con số này là 2.897 tỷ đồng, tăng gần 1.740 tỷ đồng. Năm 2019, HPX đặt kế hoạch doanh thu thuần 4.294,2 tỷ đồng, lợi nhuận ròng công ty mẹ là 720 tỷ đồng, tăng trưởng 59,3% so với năm 2018.
Công ty CP Xây dựng Phục Hưng Holdings (mã chứng khoán: PHC) mới đây phải có văn bản giải trình với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khi lợi nhuận sau thuế giảm so với quý trước. Cụ thể, doanh thu ghi nhận trong quý I của doanh nghiệp này đạt 566 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 11,5 tỷ đồng, giảm 25%. Còn Công ty CP Tasco (HUT), quý 4/2018, doanh thu của Tasco đạt 382 tỷ đồng, còn lợi nhuận sau thuế lỗ gần 15 tỷ đồng. “Vận đen” vẫn tiếp tục đeo bám, sang tới quý I/2019, Tasco lại báo lỗ gần 14 tỷ đồng mặc dù doanh thu thuần tăng. Trong cơ cấu doanh thu của Tasco năm 2018 cũng như quý đầu tiên năm 2019 thì giảm mạnh nhất là lĩnh vực hoạt động kinh doanh >bất động sản. Tasco chỉ thu về được 33,7 tỷ đồng từ kinh doanh bất động sản, trong khi con số này cùng kỳ năm ngoái là 107 tỷ đồng. Lĩnh vực bất động sản từng được Tasco đặt nhiều tham vọng đang có chiều hướng đi xuống. Nhận định mảng bất động sản sẽ tiếp tục có những khó khăn, Tasco đã hạ kỳ vọng doanh thu mảng này xuống chỉ còn 140 tỷ đồng trong năm 2019, trong khi năm ngoái con số kỳ vọng này ở mức 750 tỷ đồng.
Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (Mã CK: QCG), báo cáo tài chính hợp nhất vừa công bố cho thấy tình hình kinh doanh của doanh nghiệp này vẫn tiếp tục “bết bát” với lợi nhuận sau thuế đạt 5,5 tỷ đồng, giảm hơn 80% so với cùng kỳ năm trước. Tổng trị giá hàng tồn kho tính đến cuối quý I là hơn 7.382 tỷ đồng. Gặp khó khăn với kinh doanh địa ốc, QCG liên tục đưa ra các quyết định nhằm thu hẹp lĩnh vực này như giảm vốn góp ở Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng; giải thể Công ty CP bất động sản Hiệp Phát tại TP HCM do hoạt động không hiệu quả, chuyển nhượng vốn tại một số công ty bất động sản khác…
Lạm dụng đòn bẩy tài chính
Dù liên tục có những cảnh báo về việc phát triển nóng nhưng vài năm trở lại đây, thị trường bất động sản vẫn tiếp tục “ nở phình” chưa từng có. Tỉnh thành nào cũng phát triển dự án rầm rộ, chạy đua mở các dự án dọc theo ven biển, hải đảo; thậm chí cả dự án “ mọc” trên núi cao!
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, nhận định rằng cơ bản xuất phát từ việc các doanh nghiệp dùng “đòn bẩy tài chính” quá lớn, tức là vay nhiều để đầu tư. Vay để kinh doanh là bình thường, quan trọng nhất là hiệu quả kinh doanh và tính khả thi của dự án. Tuy nhiên, các doanh nghiệp lớn nhanh nhưng kỹ năng quản trị doanh nghiệp chưa phát triển tương xứng với bộ máy. Hiệp hội Bất động sản TPHCM đã có cảnh báo, doanh nghiệp nào sử dụng đòn bẩy tài chính càng lớn thì rủi ro càng cao.
Ngoài ra, theo ông Châu, hiện có khoảng 10.000 >doanh nghiệp bất động sản đang hoạt động nhưng phần lớn là doanh nghiệp có quy mô trung bình và nhỏ, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực môi giới, dịch vụ và chỉ có khoảng 65 doanh nghiệp phát triển bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán. Ông Châu cho rằng, chính sách đối với các doanh nghiệp ngành này còn thiếu ổn định nên doanh nghiệp bất động sản luôn đối diện với nhiều rủi ro, thách thức, nguy cơ phá sản cao, đặc biệt là các đơn vị mới thành lập.
Giám đốc một doanh nghiệp địa ốc (giấu tên) chia sẻ, một dự án ra đời, nếu bắt đầu từ đền bù giải phóng mặt bằng phải mất 5-7 năm; đối với dự án đã xong thủ tục pháp lý, bắt tay triển khai xây dựng phải mất 3 năm mới có sổ đỏ giao cho khách hàng. Với lãi suất bình thường trên dưới 10%, nếu dự án gặp sự cố kéo dài thì coi như doanh nghiệp gồng lưng nuôi lãi. Rủi ro lớn nhất lâu nay của thị trường bất động sản là sự thay đổi về chính sách, điều này dẫn đến doanh nghiệp không trở tay kịp thời, hoặc thị trường bị khựng lại, coi như DN đối mặt lỗ lã, từ đó nợ cứ “tích” dần lên, ngày càng lớn. “Không phải DN bất động sản nào cũng lời to, dự án nào cũng bán hết hàng, do vậy mới có chuyện dự án bị ngân hàng xiết nợ, doanh nghiệp phải bán dự án…
GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường phân tích, bên cạnh các doanh nghiệp có thâm niên phát triển >dự án bất động sản, một lực lượng không nhỏ doanh nghiệp các ngành nghề khác cũng nhảy vào thị trường này, bởi lợi tức mà ngành này mang lại.
Chính vì thế, thị trường rơi vào thế hỗn độn, dự án xin phép nhiều nhưng tỷ lệ xây dựng được không lớn, bởi vấp phải vấn đề về năng lực tài chính yếu kém, khả năng quản trị yếu. Thực trạng này dẫn tới nhiều hệ lụy cho thị trường và đến thời điểm này vẫn chưa giải quyết hết. Thậm chí, có những đối tượng lợi dụng độ nóng của thị trường và nhu cầu kiếm lợi nhuận của người dân, sẵn sàng thực hiện các chiêu trò lừa đảo, bán khống.
“Nguy hiểm hơn là giá đất cũng tăng vọt và gây ra sốt. Thực tế, phần lớn người đầu tư trên thị trường bất động sản chủ yếu theo kiểu lướt sóng, đang gây ra nhiều hệ lụy. Tại vùng ven các đô thị, nhiều khu đất bỏ hoang, không ít căn nhà trơ trọi mặc cho rêu bám cỏ lấp. Trong khi đó, người sản xuất lại thiếu đất canh tác. Trong khu vực trung tâm trung tâm nhiều đô thị, hàng loạt căn hộ để trống trong khi người dân vẫn không thể mua được nhà để an cư, lạc nghiệp”, ông Võ nói.
Khi thị trường phát triển thì lực lượng doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản cũng tăng mạnh. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trên cả nước, ở lĩnh vực bất động sản có số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong 2 tháng đầu năm 2019 là 840 doanh nghiệp, chiếm 5,3% trong tổng số doanh nghiệp được thành lập mới.