Trong báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng, cơ quan này vẫn thừa nhận cơ cấu hàng hóa bất động sản vẫn chưa hợp lý. Trong đó, Hà Nội và TP HCM là hai thị trường lớn nhất đang dư thừa nhà ở cao cấp, diện tích lớn, giá bán cao, nhưng nhà ở bình dân phù hợp với nhu cầu của nhiều người dân đô thị lại khan hiếm.
Theo ước tính, hiện số lượng chung cư giá rẻ đang thấp hơn vài chục lần so với nhu cầu, nhưng không ít người sau một thời gian trải nghiệm đã không còn mặn mà với nhà giá rẻ, thậm chí sẵn sàng cắt lỗ để bán.
“Bán tháo” nhà giá rẻ
Cách đây hơn 3 năm, để mua được căn hộ 65m² tại khu Kim Văn - Kim Lũ, vợ chồng anh Minh Đức phải chấp nhận bỏ ra gần 100 triệu đồng tiền chênh. Căn hộ sau khi hoàn thiện đầy đủ nội thất hết tổng chi phí hơn 1,4 tỷ đồng.
Xác định hoàn thiện để ở nên mọi chi tiết trong căn hộ đều được vợ chồng anh làm rất cẩn thận, nhưng chỉ sau hơn 3 năm, vợ chồng anh đã quyết định bán để mua một căn hộ tại dự án khác.
“Rao bán với giá 1,18 tỷ đồng, có nghĩa là chúng tôi chấp nhận lỗ hơn 200 triệu đồng, sẵn sàng chịu cả phí sang tên sổ hồng cho khách nhưng cũng chỉ có vài khách đến xem, cũng chưa có thiện chí mua”, anh Minh Đức chia sẻ.
Cũng ở tình cảnh “trong chán ngoài thèm”, vợ chồng anh Nguyễn Dương cũng đang rao bán 1 căn hộ có diện tích 73m² với giá 1,1 tỷ đồng tại khu vực An Khánh dù chuyển về đây ở chưa lâu. Căn hộ 2 phòng ngủ, nội thất đã được hoàn thiện đầy đủ, so với giá bán, vợ chồng anh Dương phải chấp nhận lỗ gần 200 triệu đồng.
Anh Dương muốn bán căn hộ này với lý do cần một khoản tài chính nhỏ để kinh doanh, nhưng thực tế là không có nhu cầu sử dụng căn hộ này nữa.
Dù không ai nói cụ thể lý do bán nhà nhưng việc nhiều hộ dân tìm cách "tháo chạy" khỏi khu chung cư giá rẻ được cho là vì nhiều sự bất tiện.
Bên cạnh hạ tầng, chất lượng công trình ngày càng xuống cấp thì còn phải "đánh vật" vì cảnh tắc đường diễn ra thường xuyên mỗi khi đi làm và trở về. Chính vì thế, chỉ cần dạo qua một vòng các trang rao bán chung cư giá rẻ, hàng loạt thông tin luôn sẵn sàng đáp ứng với các loại diện tích và mức giá chỉ khoảng 1 tỷ đồng.
Thiếu vẫn không tạo được sức hút
Tuy nhu cầu đối với chung cư giá rẻ vẫn rất lớn, nhưng trên thực tế, không phải cứ chung cư giá rẻ là đã thu hút được người mua nhà. Những thông tin tràn mặt báo gần đây về chỗ ở chật chội, dịch vụ kém, mất nước, thiếu chỗ để xe… trong các chung cư giá rẻ đã làm nản lòng không ít người dân đang có nhu cầu.
Vợ chồng anh Huy, người ngoại tỉnh, lên Hà Nội tìm chung cư giá rẻ cho biết, bỏ ra cả tỷ bạc mua một căn hộ, dù là nhà giá rẻ mà mỗi lần đi lấy xe là một lần mệt mỏi thì chắc chắn không ai muốn. Cả một tòa nhà 40 tầng mà chỉ có 1 tầng hầm để xe thì cư dân để xe ở đâu.
“Dù là căn hộ giá rẻ nhưng chất lượng cũng phải đảm bảo. Bên cạnh đó phải đáp ứng được nhu cầu cuộc sống của người dân. Dự án nhà ở giá rẻ hiện đang ở xa trung tâm, hạ tầng xã hội chưa hoàn chỉnh, tuy nhà rẻ nhưng bù lại, những chi phí về xăng xe, phương tiện đi lại lại tăng lên”, anh Huy cho biết.
Theo anh Phan Văn Thụ, Giám đốc sàn giao dịch BĐS Đại Phát, nếu như vài năm trước để sở hữu những căn hộ thương mại giá rẻ, khách hàng phải mua chênh thông qua các sàn >bất động sản thì nay lại khác.
Bên cạnh việc có nhiều lựa chọn thì chất lượng công trình, các điều kiện về hạ tầng của các khu nhà thương mại giá rẻ còn nhiều tồn tại bất cập nên làm cho khách hàng phải cân nhắc.
Theo nhận định của các chuyên gia, thị trường những tháng cuối năm 2018 không có nhiều tín hiệu khả quan, nhất là ở phân khúc căn hộ. Thị trường thời gian tới có thể tương đối khó khăn, do tình hình cung cầu, tín dụng bất động sản bị siết lại...
Theo ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch HĐQT Cengruop, tại phân khúc cao cấp chỉ có lượng cầu 20% nhưng cung trên thị trường lại chiếm đến 80%, trong khi phân khúc nhà giá rẻ nguồn cung chỉ ở mức 20%, còn nhu cầu chiếm tới 80% thị trường.
Do đó, thị trường vẫn đang cần một nguồn cung lớn căn hộ giá rẻ. Tuy nhiên, để nhà giá rẻ có thể thu hút được người mua nhà thì điều quan trọng vẫn phải đảm bảo các yếu tố căn bản cuộc sống cho cư dân, cũng như các tiện ích đi kèm.
Ông Nguyễn Thanh Hưng cho rằng, sự cạnh tranh sắp tới sẽ vô cùng khốc liệt nhưng chắc chắn chủ đầu tư cần tìm ra “vũ khí” cạnh tranh hữu hiệu hơn thì mới có thể chiếm lĩnh thị trường tương đối hạn hẹp này.