Sau khi anh em Nguyễn Thái Luyện của Địa ốc Alibaba bị bắt, các nhân viên rỉ tai nhau về nguy cơ công ty bị phá sản, còn hàng nghìn khách hàng như ngồi trên đống lửa vì nguy cơ mất trắng tiền.
Vừa qua, sau khi Bộ Công an cùng Công an TP.HCM tiến hành bắt giữ khẩn cấp đối với >Nguyễn Thái Luyện cùng em trai Nguyễn Thái Lĩnh, lãnh đạo Công ty CP Địa ốc Alibaba, rất đông khách hàng đã kéo đến trụ sở của công ty này tại đường Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức để khai báo thiệt hại và chờ đợi công ty trả lại tiền.
Trong 2 ngày 19 và 20/9, trụ sở >địa ốc Alibaba được bảo vệ nghiêm ngặt, cổng ra vào công ty luôn có 4 – 5 nhân viên trực sẵn. Rất đông phóng viên báo chí cũng chờ đợi bên ngoài. Tuy nhiên, chỉ khách hàng có giấy tờ mang theo mới có thể vào được bên trong.
Phía trong, cả trăm “nhà đầu tư” (khách hàng) của Địa ốc Alibaba đứng ngồi chật kín mặt sàn tầng 1. Cảnh tượng huyên náo bởi tiếng hỏi han, tiếng than thở.
Các nhân viên của Alibaba phát cho “nhà đầu tư” một tờ giấy mang tên “Phiếu thu thập thông tin” với mục đích “phục vụ điều tra để có thể trả lại tiền cho khách hàng sớm nhất”.
Anh Tuấn, một trong hàng nghìn khách hàng của Địa ốc Alibaba cho biết, anh đóng 200 triệu đồng cho Công ty địa ốc Alibaba để “giữ chỗ” mua lô đất ở Bình Thuận. Kể từ khi ông Nguyễn Thái Luyện và lãnh đạo công ty này bị bắt giữ, vợ chồng anh như ngồi trên đống lửa vì số tiền tích cóp suốt nhiều năm qua có nguy cơ mất trắng.
Bên cạnh việc khai báo thông tin, những khách hàng khi tìm tới trụ sở công ty còn được đề nghị viết một “tâm thư” để bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ về công ty. Nhưng thực chất “tâm thư” là nhằm chứng minh rằng Địa ốc Alibaba đã không lừa họ.
Tuy nhiên, các nhân viên Sale (môi giới) của Địa ốc Alibaba đã rỉ tai, thậm chí thông báo cho nhau trên các nhóm chat mạng xã hội rằng nguy cơ công ty bị phá sản là rất lớn. Các nhân viên này còn dặn dò nhau bỏ lại hết đồng phục của công ty và tìm kiếm công việc khác để mưu sinh vì tiền lương và hoa hồng của tháng 9 này không có.
Cụ thể, trên group (nhóm) bán đất nền của các nhân viên địa ốc Alibaba, các sale này cho biết hiện nay các văn phòng tại đường Hoàng Diệu 2 và Đặng Văn Bi (quận Thủ Đức, TP.HCM) đã bị công an niêm phong, còn các chi nhánh khác ở Bình Dương và TP Biên Hoà (Đồng Nai) cũng sắp bị niêm phong.
Các nhân viên của địa ốc Alibaba cũng không quên dặn dò nhau về thông báo từ cuộc họp khẩn do Phó tổng giám đốc công ty rằng hiện tại công ty đang tạm ngưng hoạt động, không còn gì hết. Có khả năng sẽ phá sản, vậy nên đồng phục và mọi thứ liên quan đến địa ốc Alibaba sẽ bỏ hết.
Cũng trong những ngày này, nhiều nhân viên đã đến các chi nhánh văn phòng và thu dọn đồ đạc, tư trang rồi rời đi. Đến chiều 21/9 thì trụ sở Công ty CP địa ốc Alibaba trên đường Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức chính thức đóng cửa. Trước đó khuya 20/9, trang web của Công ty CP địa ốc Alibaba cũng đã ngưng hoạt động. Đây là nơi Công ty CP địa ốc Alibaba đăng tải những thông tin về các dự án, về những hoạt động thường xuyên và những thông báo cho khách hàng.
Như Dân Việt đã đưa tin, ngày 18/9, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã ra quyết định khởi tố vụ án "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Công ty CP địa ốc Alibaba và các công ty có liên quan. Đồng thời, ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam và lệnh khám xét đối với Nguyễn Thái Luyện, Nguyễn Thái Lĩnh về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Kết quả điều tra ban đầu cũng xác định Nguyễn Thái Luyện, với vai trò chủ tịch HĐQT Công ty CP địa ốc Alibaba, đã chủ mưu, cầm đầu vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp đối với Luyện để điều tra. Đồng thời thi hành lệnh khám xét khẩn cấp tại nơi ở và nơi làm việc của Luyện, thu giữ nhiều tài liệu, chứng cứ quan trọng.
Theo thông tin điều tra ban đầu, Công ty Alibaba của ông Nguyễn Thái Luyện đã tự "quy hoạch" ra hàng chục dự án >bất động sản tại nhiều địa phương rồi đem lừa bán cho gần 7.000 người và thu lợi bất chính hơn 2.500 tỷ đồng.
Hiện, vụ án đang được tiếp tục điều tra mở rộng.