Hàng loạt dự án “ma” xuất hiện nhan nhản tại nhiều địa phương trên cả nước.
Phớt lờ cảnh báo, dân vẫn đổ tiền tỷ vào các dự án "ma" của Alibaba
Theo thông tin từ báo Đồng Nai, sau khi Nguyễn Thái Lĩnh, Nguyễn Thái Luyện và Nguyễn Thái Lực bị bắt và bị khởi tố, những thửa đất nông nghiệp do các cá nhân trên đứng tên đã bị huyện Long Thành ngăn chặn mọi giao dịch. Mục đích là để tránh những đối tượng trên sang nhượng và tẩu tán tài sản.
Sở Tài nguyên – Môi trường (TNMT) Đồng Nai cho biết, 29 dự án “ma” mà Công ty cổ phần địa ốc Alibaba (TP.Hồ Chí Minh) tự vẽ ra để lừa khách hàng, hầu hết là đất nông nghiệp, lâm nghiệp, giao thông... do các cá nhân gồm: Nguyễn Thái Lĩnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần địa ốc Alibaba; Nguyễn Thái Luyện Chủ tịch HĐQT; Nguyễn Thái Lực, Giám đốc Công ty cổ phần địa ốc Long Thành Ali và Trương Thị Hồng Ngọc, Giám đốc Công ty cổ phần địa ốc Tia Chớp đứng tên.
Trong 29 dự án “ma” của Alibaba tại Đồng Nai thì huyện Long Thành có đến 27 dự án, nằm ở địa bàn 5 xã Long Phước, Phước Bình, Bàu Cạn, Tân Hiệp, An Phước. Địa bàn xã Long Phước là nơi có nhiều dự án “ma” nhất của Alibaba.
Cũng phải nói thêm rằng, ngay từ cuối năm 2018, chính quyền địa phương đã tiến hành cắm các biển cảnh báo, cấm mọi hình thức phân lô bán nền, xây dựng và rao bán đất trái phép nhưng nhiều khách hàng vẫn bỏ ra từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng mua các lô đất ảo.
Nhiều cơ quan báo chí, truyền thông cũng liên tục phản ánh về việc Alibaba không được cấp phép bất cứ dự án nào tại Đồng Nai nhưng công ty này vẫn ngang nhiên tổ chức sự kiện rầm rộ trên các khu đất lâm nghiệp và đưa người đến tham quan.
Ông Trần Ngọc Khải, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Long Thành chia sẻ: Từ cuối năm 2018, khi phát hiện Alibaba rao bán đất nền nhiều dự án không có thật trên địa bàn, huyện đã cử lực lượng phối hợp với các xã nơi có dự án “ma” trực suốt cả tuần để kịp thời giải tán, cảnh báo người dân được Alibaba đưa đến xem đất. Nhưng vẫn có nhiều người dân cả tin bỏ tiền mua đất của Alibaba.
Điều này khiến Alibaba có thể lừa đến hơn 6.700 khách hàng ở nhiều tỉnh, thành (riêng Đồng Nai con số này là hơn 600 khách hàng) với tổng số tiền lên đến 2.500 tỷ đồng.
Những ngày qua, nhiều nạn nhân của Alibaba đã đến Công an tỉnh Đồng Nai tố cáo Công ty cổ phần địa ốc Alibaba và một số công ty con lừa đảo với số tiền trung bình từ 300 triệu đồng đến trên 1 tỷ đồng/hợp đồng.
Trong đó, có những hợp đồng mới ký với Alibaba cách đây 5-6 tháng. Nội dung nhiều hợp đồng cho thấy Alibaba đưa ra mức lãi suất khá hấp dẫn từ 22-30%/năm. Đây được coi là một trong những nguyên nhân khiến hàng trăm người sẵn sàng mua đất nền ảo.
Ghi nhận từ thực tế thời gian qua cho thấy, hàng loạt >dự án ma xuất hiện nhan nhản tại nhiều địa phương trên cả nước.
Như tại TP.HCM, trong vài tháng gần đây xuất hiện loạt dự án “ma” trên địa bàn quận Thủ Đức, huyện Hóc Môn, quận Bình Tân, quận 12.
Riêng địa bàn quận Bình Tân có 9 khu đất qua thông tin quảng cáo là dự án đất nền, nhà ở nhưng thực chất không có pháp lý và đang có dấu hiệu phân lô trái phép bán cho người dân tại 6 phường: An Lạc, Tân Tạo, Tân Tạo A, Bình Hưng Hòa A, Bình Hưng Hòa B, Bình Trị Đông A.
Hay tại Hà Nội, như VietNamNet phản ánh thời gian qua, trên các trang chuyên đăng tải thông tin mua - bán >bất động sản... xuất hiện thông tin quảng cáo một số dự án ở Sơn Tây, Xuân Mai, Thạch Thất (Hà Nội) như Golden Lake Hoà Lạc, Tiến Xuân Green, Adoland Capital 8, Hoà Lạc Lake View... Tuy nhiên, chính quyền khẳng định không có các dự án như vậy trên địa bàn. Theo tìm hiểu các khu đất có dự án được giới thiệu vẫn do các cá nhân đứng tên.
Tương tự, tại tỉnh Khánh Hòa, nhiều dự án phân lô bán nền có dấu hiệu lừa đảo xuất hiện. Theo Sở Xây dựng tỉnh này, trên một số trang mạng bất động sản xuất hiện nhiều thông tin về “mở bán đất nền khu dân cư” với nhiều tên gọi khác nhau như: “khu dân cư Phú Quý” (xã Vĩnh Hiệp, TP Nha Trang), “khu dân cư Đại Phú Quý” (xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa), “khu dân cư cao cấp Nam Vân Phong”…
Tuy nhiên, qua kiểm tra rà soát, Sở Xây dựng khẳng định hiện nay trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa không có bất kỳ dự án nhà ở nào có tên gọi kể trên. UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đã có văn bản cảnh báo và yêu cầu công an tỉnh vào cuộc làm rõ.
Lãnh đạo địa ốc Alibaba xộ khám, yêu cầu các địa phương vào cuộc
Sau sự việc của địa ốc Alibaba, Bộ TNMT vừa có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW đề nghị kiểm tra, xử lý việc các chủ đầu tư rao bán >nhà đất trái phép, chuyển quyền sử dụng đất không đúng quy định.
Theo Bộ này, thời gian qua, trên phương tiện thông tin đại chúng và đường dây nóng của Bộ Tài nguyên và Môi trường, người dân phản ánh tại một số địa phương đã xảy ra tình trạng nhiều chủ đầu tư rao bán nhà đất thuộc các dự án nhà ở không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
Các dự án này chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, hoặc các dự án không đủ điều kiện chuyển quyền sử dụng đất, bán nhà ở... và tình trạng có nhiều người đã mua, hoặc nộp tiền đặt cọc để nhận chuyển nhượng nhà, đất tại các dự án không phép, sai phép.
Trước thực trạng trên, Bộ TNMT nhận định: Việc bán, mua nhà đất nêu trên đã vi phạm các quy định của pháp luật về đất đai, gây rủi ro cho người mua nhà đất, tác động xấu đến thị trường bất động sản, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.
Vì vậy, để ngăn chặn và xử lý nghiêm tình trạng nêu trên, Bộ TMNT đề nghị UBND các địa phương chỉ đạo công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; công khai thông tin các dự án nhà ở đã được phê duyệt trên địa bàn tại trụ sở Ủy ban Nhân dân cấp huyện, xã và tại khu đất thực hiện dự án và trên phương tiện thông tin đại chúng của địa phương.
Ngoài ra, yêu cầu các địa phương công khai các dự án nhà ở đã được phê duyệt nhưng có vi phạm pháp luật về đất đai, không đủ điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bán nhà ở; chỉ đạo các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, rà soát nhằm kịp thời phát hiện, xử lý ngay các vi phạm.
“Trường hợp có dấu hiệu lừa đảo cần kịp thời thông báo cho cơ quan bảo vệ pháp luật để xử lý theo quy định,” công văn nhấn mạnh.
Bộ TMNT yêu cầu các địa phương tổng hợp, báo cáo tình hình, kết quả thực hiện trên địa bàn về Bộ trước ngày 15/12/2019.
Vụ Alibaba: Bộ Xây dựng nói làm đúng chức trách
Bộ Xây dựng cho rằng trách nhiệm quản lý >dự án bất động sản tại địa phương thuộc UBND các tỉnh thành, còn cơ quan này đã làm đúng nhiệm vụ cảnh báo.
Đây là nội dung được ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) trả lời tại họp báo quý III của Bộ Xây dựng diễn ra ngày 30/9 vừa qua.
Theo ông Ninh, Bộ Xây dựng có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra việc thực thi pháp luật về kinh doanh Bất động sản và phối hợp với UBND các địa phương kiểm tra rà soát dự án.
“Trách nhiệm chính của UBND địa phương là thanh tra, kiểm tra dự án xử lý vi phạm, thu hồi, đình chỉ, tạm dừng công trình, cho phép chuyển nhượng theo quy định của pháp luật…” – ông Ninh nhấn mạnh.
Cũng theo đại diện Bộ Xây dựng, để triển khai 1 dự án nhiều công đoạn liên quan đến nhiều luật như Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Quy hoạch, Đô thị….
“Nếu gọi là dự án vi phạm phải xác định dự án vi phạm ở giai đoạn nào” – ông Ninh nói.
Nhận định về các dự án của Alibaba, vị Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho rằng: dự án của Alibaba vi phạm ở tất cả các luật bởi vì là dự án ma không tuân thủ pháp luật nên phải xử lý theo quy định.