Tình trạng quảng cáo thiếu trung thực về dự án nhà ở, căn hộ đang lan tràn trên thị trường bất động sản… Đây chính là “ngòi nổ” cho “quả bom” tranh chấp tại các chung cư hiện nay, mà doanh nghiệp chính là bên đầu tiên gánh chịu thiệt hại nặng nề về uy tín và tiền bạc.
Để lôi kéo khách hàng, nhiều doanh nghiệp khi quảng cáo bán hàng đã nói quá tiện ích sản phẩm. Các tiện ích trong mơ, không gian sống xanh, sạch đẹp mê hồn với đủ các mỹ từ như sống xanh, bể bơi vô cực, giao thông thuận tiện, đẳng cấp, tương đương khách sạn 5 sao… được vẽ ra trong các tài liệu, tờ rơi… Tuy nhiên, thường những tiện ích được quảng cáo nói trên lại không được đưa vào các điều khoản của hợp đồng mua bán, dẫn đến khi nhận bàn giao nhà, khách hàng chưng hửng, vì thực tế khác quá nhiều so với quảng cáo.
Thực tế đã chứng minh, không ít khách hàng đã “vỡ mộng” khi được bàn giao nhà do sản phẩm không đúng như nhà mẫu và cam kết ban đầu từ chủ đầu tư. Các vấn đề đơn nhiều vết nứt tầng hầm, ram dốc bị hẫng, nứt lan đến cửa thang máy, tường xây không đủ xi măng, khoan là vỡ tường, toilet bị mùi...
Đơn cử như, tại chung cư Eco Lake View 32 Đại Từ, phường Đại Kim (Hoàng Mai, Hà Nội) do Công ty Cổ phần Ecoland làm chủ đầu tư. Mặc dù được chủ đầu tư “gắn mác” là dự án cao cấp song không ít cư dân cảm thấy hụt hẫng sau khi bỏ tiền tỷ ra mua căn hộ ở đây. Đáng lưu ý, mặc dù người dân tại đây nhiều lần phản ánh đến chủ đầu tư mà không nhận được giải thích thỏa đáng.
Theo một số cư dân Eco Lake View cho biết, ngay sau khi nhận nhà, nghi ngờ diện tích căn hộ thực tế thấp hơn so với diện tích phải trả tiền, nhiều hộ dân đã mời đơn vị thứ 3 đến đo lại diện tích căn hộ. “Diện tích căn hộ mà gia đình tôi bỏ tiền mua trên hợp đồng mua bán là 106,7 m2. Tuy nhiên, khi đo lại thì chỉ được 105,1 m2, thiếu hụt 1,5 m2”.
Không chỉ bức xúc về vấn đề thiếu diện tích, đại diện cư dân Eco Lake View còn cho biết, trước khi bàn giao, chủ đầu tư quảng cáo rất “hoa mỹ” về các công trình tiện ích cho dân cư sinh hoạt, vui chơi… Tuy nhiên đến thời điểm nay, nhiều công trình vẫn chỉ… là lời quảng cáo.
Tương tự, căng thẳng tại chung cư cao cấp The Golden Palm 21 Lê Văn Lương (Thanh Xuân, Hà Nội) từng làm “nóng” cả >thị trường >bất động sản. Hàng chục xe ô tô của cư dân vây quanh toà nhà… nhằm tố cáo, phản đối những sai phạm của chủ đầu tư.
Cư dân The Golden Palm cho rằng, dự án được quảng cáo “thổi phồng” so với thực tế. "Họ quảng cáo 3 tầng hầm, thoải mái chỗ để xe ô tô, giờ 400 căn hộ chỉ có 200 chỗ để xe, hỏi lại chủ đầu tư nói không đủ chỗ thì bốc thăm, không trúng thì mang xe đi chỗ khác gửi”, một cư dân kể.
Ngoài ra, theo cư dân phản ánh, tầng 10 của chung cư này được quảng cáo là sân chơi cho trẻ em, thực tế chỉ là sân xi măng, hỏi lại thì họ bảo chỉ làm như vậy thôi. Tầng 6 là khu vui chơi chung với nhiều tiện ích như bể bơi, phòng tập gym, quầy bar, quán cafe...nhưng vào ở mấy tháng nay chưa vận hành, họ nói khi nào có đơn vị đến thuê kinh doanh thì mới có. Đặc biệt, khi mua nhà cư dân được giới thiệu là dự án chung cư nằm trên mặt đường Lê Văn Lương, nhưng khi về ở mới biết muốn đi ra đường Lê Văn Lương phải đi qua ngõ nhỏ phía sau.
Hay, tranh chấp tại dự án Golden West số 2 Lê Văn Thiêm (Thanh Xuân, Hà Nội) đã diễn ra nhiều năm do chủ đầu tư không thực hiện cam kết với khách hàng và tồn đọng nhiều sai phạm trong quá trình xây dựng. Gần đây, cư dân càng lo lắng hơn khi sai phạm đổ kín sàn bê tông tại các ô thông tầng (ô thoáng) của chủ đầu tư dự án này được cơ quan chức năng “hợp thức hoá”…
Mới đây, tại dự án The Emerald (Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) do Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Mỹ Đình làm chủ đầu tư đã quảng bá rầm rộ tại thời điểm mở bán là “dự án đáng sống nhất tại khu Tây Hà Nội”, nhưng nhiều khách hàng đã tỏ ra thất vọng khi bắt đầu bước vào giai đoạn bàn giao.
Theo chia sẻ của một số khách hàng, so với căn nhà mẫu, những căn hộ thực tế khác xa, như nhà thấm dột, chất lượng như nhà tái định cư, trong khi dự án được quảng cáo là cao cấp, một số trang thiết bị trong nhà vệ sinh thiếu so với quảng cáo và nhà mẫu…
Có thể thấy, những dự án trên mới chỉ là số ít trong hàng trăm trường hợp bị khách hàng phản ánh là “treo đầu dê, bán thịt chó”. Đây chính là “ngòi nổ” cho “quả bom” tranh chấp tại các chung cư hiện nay, mà doanh nghiệp chính là bên đầu tiên gánh chịu thiệt hại nặng nề về uy tín và tiền bạc. Bởi, khủng hoảng tại một dự án có thể dễ dàng được xử lý, nhưng dư âm từ khủng hoảng mới là điều đáng lo ngại. Thiệt hại trước mắt là hàng chục tỉ đồng để khắc phục, nhưng nghiêm trọng hơn là thiệt hại về uy tín. Khi “hồ sơ doanh nghiệp” có “vết đen”, chắc chắn các dự án sau này của chủ đầu tư đó sẽ được khách hàng cân nhắc rất kỹ.
Theo đánh giá của giới chuyên gia và luật sư, pháp luật chưa có quy định về việc quảng cáo bán hàng, xây dựng nhà mẫu cho >dự án bất động sản. Để bán được hàng, chủ đầu tư đã xây dựng các nhà mẫu và lắp đặt các thiết bị nội thất rất đẹp, chuẩn chỉ, nhưng khi khách hàng nhận được nhà thì “vỡ mộng”, bởi căn hộ thực tế khác xa.
Ngoài ra, nhiều căn hộ còn thiếu hụt diện tích, hành lang không theo tiêu chuẩn, màu sơn và gạch cùng màu nhưng chất liệu lại khác… Chính điều này tạo ra rủi ro cho người mua, dẫn đến phát sinh tranh chấp về diện tích, chất lượng nội thất căn hộ.
Việc chủ đầu tư bàn giao thiếu một số tiện ích như quảng cáo được cho là vi phạm hành chính trong quảng cáo, khách hàng có thể kiện chủ đầu tư. Khách hàng có thể kiện ra toà nếu chủ đầu tư không bàn giao đúng tiện ích đã quảng cáo khi bán hàng.
Ngoài ra, các chuyên gia khuyến cáo, trước tình trạng “vàng thau lẫn lộn” trong “ma trận” thông tin thị trường bất động sản hiện nay thì người mua, kể cả nhà đầu tư kinh doanh, cũng cần tỉnh táo xem xét thật kỹ các thông tin liên quan tới dự án. Với những người chưa có kinh nghiệm tốt nhất là nên tham khảo các nhà tư vấn, những người nhiều kinh nghiệm... để không bị mắc lừa hoặc hớ khi tìm cho mình một “tổ ấm”, dù là nhà ở riêng lẻ hay căn hộ chung cư.