Tình trạng san, gạt đất, rao bán sang nhượng đất rừng, đất nông nghiệp vẫn diễn ra rầm rộ, chưa có dấu hiệu lắng dịu

06:00 07/11/2019

Từ đầu năm đến nay, >cò đất lộng hành ở TP >Đà Lạt (Lâm Đồng) khiến >thị trường bất động sản TP Đà Lạt nói riêng và cả tỉnh Lâm Đồng nói chung trở nên phức tạp. Có thời điểm, giá đất dọc các tuyến đường trung tâm TP Đà Lạt bị cò "hét" tới hơn 1 tỉ đồng/m2. Đất nông nghiệp dù không được phép xây dựng cũng bị phân lô, rao bán nền trái phép lên tới 20 triệu đồng/m2.

Mua bán trái phép tràn lan

Cò đất thường tung tin, thổi giá đất Đà Lạt liên tục "sốt", nếu không đầu cơ, đầu tư sẽ mất cơ hội định cư hoặc đầu tư sinh lời tại thành phố du lịch này.

Những ngày cuối tháng 10, trong vai người có nhu cầu mua một lô đất tầm 700 - 900 triệu đồng tại khu Trường Xuân, xã Xuân Trường, TP Đà Lạt (Lâm Đồng), phóng viên Báo Người Lao Động được một người đàn ông tên Thành dẫn đến khu đất vốn để trồng cà phê nhưng đã bỏ hoang cỏ mọc um tùm và giới thiệu nơi đây đang được quy hoạch thành khu đô thị nên giá đất rất sốt, tăng từng ngày, nếu không đầu tư sẽ mất cơ hội ngay. "Lô đất này 100 m2, là suất ngoại giao nên xin được giá hữu nghị 7 triệu đồng/m2. Thời gian đầu, anh chỉ cần nộp tiền theo giai đoạn thông qua hợp đồng góp vốn. Khi nào nộp đủ tiền là có ngay sổ đỏ và xây công trình vì chủ đầu tư có tiềm lực mạnh..." - cò Thành khẳng định.

Một khu đất nông nghiệp ở TP Đà Lạt đang được san lấp để bán đất nền

Thế nhưng, sau đó, khi tìm hiểu trên các trang mua bán bất động sản Lâm Đồng và các trang mạng xã hội, không khó nhận ra có nhiều người tự nhận là chủ lô đất nói trên và rao bán với giá 7,5 triệu đồng/m2 kèm theo nhiều cam kết về pháp lý, mức sinh lời rất hấp dẫn.

Qua tìm hiểu của phóng viên, với chiêu trò "hợp đồng góp vốn" kể trên, nhiều tháng qua đã có hàng trăm khách hàng đến từ TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa... tin vào lời đường mật, sinh lời nhanh đã đầu tư vào các dự án "ma", không được cơ quan chức năng cấp phép, dự án chưa hoàn thiện hạ tầng ở TP Đà Lạt.

Theo luật sư Dương Thị Nhung, Đoàn Luật sư tỉnh Lâm Đồng, thị trường bất động sản Đà Lạt nhìn bề ngoài có vẻ sôi động nhưng lại rất phức tạp, rao bán đất dự án ma, một mảnh cùng lúc bán cho nhiều người... "Không phải đất của mình nhưng đứng ra bán cho người khác để lấy tiền là hành vi lừa đảo. Những vụ việc như thế vi phạm nghiêm trọng về mặt hình sự" - luật sư Nhung nói.

Rao bán cả danh thắng quốc gia

Không những thế, tất cả 12 huyện và TP của tỉnh Lâm Đồng cũng xuất hiện nhiều cò đất rao bán khắp nơi từ đất rừng, đất nông nghiệp và vẽ các dự án ma với hình thức góp vốn sinh lời cao trong thời gian ngắn, thậm chí liều lĩnh đến mức đăng tin rao bán cả đất danh thắng cấp quốc gia. Đơn cử, trên các trang mua bán bất động sản ở Lâm Đồng, TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Khánh Hòa... gần đây xuất hiện nhiều tin rao bán hồ Đạ Tẻh với giá 50 tỉ đồng. Nội dung rao bán rất hấp dẫn, như sau khi bên mua chuyển cọc 10 tỉ đồng, trong vòng 6 tháng công ty đang sở hữu dự án sẽ làm thủ tục sang nhượng chủ quyền hồ nước, giấy phép đầu tư cũng như giấy phép khai thác cát trong lòng hồ...

Ông Bùi Văn Hùng, Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh (tỉnh Lâm Đồng), xác nhận một số cá nhân cư trú trên địa bàn huyện đã đăng tin rao bán đất trên các trang thông tin bất động sản, những tin rao này được nhiều người quan tâm. Trong số này, có cả tin rao bán hồ Đạ Tẻh - danh thắng quốc gia được công nhận vào năm 2004. Hồ có diện tích hơn 600 ha gồm hồ nước và rừng phòng hộ lân cận, hồ ngoài chức năng tích nước tưới còn là nơi chứa nước sinh hoạt cho toàn huyện Đạ Tẻh.

Theo ông Hùng, các cơ quan chức năng của huyện đang làm rõ thông tin này để có những khuyến cáo cụ thể, tránh xảy ra tình trạng lừa đảo. "Danh thắng cấp quốc gia hồ Đạ Tẻh trước đây có một nhà đầu tư khai thác du lịch nhưng không hiệu quả nên bị thu hồi giấy phép. Hiện danh thắng này chưa có nhà đầu tư mới và huyện cũng chưa có chủ trương kêu gọi đầu tư dưới bất kỳ hình thức nào. Do vậy, những thông tin rao bán hồ là hoàn toàn không có căn cứ. Các bản vẽ quy hoạch cũng là giả mạo hoặc chắp vá từ dự án khác hoặc đã cũ..." - ông Hùng khẳng định.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hòa - quyền Chủ tịch UBND phường 3, TP Đà Lạt - cũng thừa nhận có tình trạng hàng loạt cây thông bị đầu độc, triệt hạ với mục đích lấn chiếm đất rừng, sau đó tiến hành phân lô bán nền trái phép. Khi phát hiện, lực lượng chức năng đã tiến hành giải tỏa, nhổ bỏ toàn bộ cọc bê-tông, cọc sắt đóng trên diện tích đất rừng để phân lô, chia ranh giới bất hợp pháp giữa các lô đất.

Trước tình trạng hỗn loạn của thị trường bất động sản, UBND TP Đà Lạt thời gian qua đã liên tiếp ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các phường, xã trên địa bàn tăng cường công tác kiểm tra, xử lý và nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân thực hiện xây dựng các lối đi nội bộ trên các thửa đất nhằm phân lô bán nền sai quy định. Tuy nhiên, tình hình đến nay vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu.

 
Theo Đình Thi/Người lao động