UBND tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Xây dựng, Công an tỉnh và UBND huyện Trảng Bom rà soát hồ sơ, làm rõ việc người dân mua đất tại dự án Gold Hill của Tập đoàn Đất Xanh nhiều năm nhưng chưa có sổ đỏ.
Liên quan đến việc hàng chục khách hàng mua đất nền tại dự án Gold Hill (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) của Tập đoàn Đất Xanh (Đất Xanh Group) nhiều năm nhưng chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), vừa qua UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản chỉ đạo các sở, ban ngành của tỉnh làm rõ vấn đề này.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai giao Sở Tài nguyên và Môi Trường (TNMT) phối hợp với Sở Xây dựng, Công an tỉnh và UBND huyện Trảng Bom rà soát hồ sơ và báo cáo trình UBND tỉnh xử lý nội dung đơn của các hộ dân mua đất dự án Khu Dân Cư Thị trấn Trảng Bom – Gold Hill theo đúng quy định pháp luật. Kết quả báo cáo UBND tỉnh trước ngày 27.4.2019.
Trước đó, ngày 14.3, hàng chục khách hàng mua dự đất nền tại dự án Gold Hill đã mang băng rôn, cùng kéo đến trụ sở của Tập đoàn Đất Xanh (đường Ung Văn Khiêm, quận Bình Thạnh, TP.HCM) đòi sổ đỏ.
Sau đó, ngày 19.3.2019, Đất Xanh Group cho biết: “Đến thời điểm hiện tại, chủ đầu tư đã hoàn tất xong thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho toàn bộ các nền đất của dự án Gold Hill. Trong đó, 90% lô đất này đã được chuyển sang tên cho khách hàng, chỉ còn 10% lô đất đang đứng tên chủ đầu tư".
Ngoài ra, phía Tập đoàn Đất Xanh, luôn khẳng định việc chậm trễ trong hoàn tất thủ tục sang tên trên giấy chứng nhận cho khách hàng là yếu tố khách quan, xuất phát từ chính quyền địa phương.
Vào chiều ngày 17.4.2019, các khách hàng mua dự án của Tập đoàn Đất Xanh đã đến Sở TNMT tỉnh Đồng Nai và tại đây, chính quyền địa phương yêu cầu đại diện Đất Xanh phải trực tiếp giải trình.
Đại diện Đất Xanh Group đã trình bày rằng: “Sau khi Sở TNMT tỉnh Đồng Nai cấp sổ thì hồ sơ sẽ chuyển sang Sở Xây dựng để làm kiểm tra xác nhận mới cho chuyển nhượng. Lúc này, Sở Xây dựng phát hiện một số thay đổi. Nguyên nhân đầu tiên dẫn là do tên chủ đầu tư thay đổi từ Long Kim Phát sang Đất Xanh.
Nguyên nhân thứ hai là vì trong quá trình triển khai dự án, chủ đầu tư đã tự ý điều chỉnh quy hoạch. Do đó, các Sở liên quan đã họp và thống nhất sẽ cho chuyển nhượng sau khi công ty làm xong thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Công ty cũng đã làm xong các hồ sơ xin điều chỉnh, thì các Sở cho ý kiến và đã chuyển lên cho Ủy ban, nhưng sau đó UBND lại giao lại cho Sở Kế Hoạch Đầu Tư kiểm tra về việc thay đổi tên, đăng kí kinh doanh. Ngày 12.4 vừa qua, Sở Kế hoạch Đầu tư và các Sở có liên quan đã họp về việc xem xét giải quyết quyền lợi của người dân và cho người dân sang tên. Còn những thủ tục khác thì mình sẽ xem xét điều chỉnh sau.”
Phản hồi lại điều này, ông Chu Tiến Dũng, Phó Chánh Thanh tra Sở TNMT tỉnh Đồng Nai, cho biết: “Theo như những trình bày từ phía đại diện Đất Xanh Group thì trách nhiệm không nằm ở Sở TNMT. Trong dự án này, chủ đầu tư đang xin điều chỉnh chủ trương đầu tư. Do đó, tỉnh đang giao cho Sở Kế hoạch Đầu tư chủ trì để báo lại tỉnh và thay đổi chủ trương đầu tư dự án.
Sau khi hoàn chỉnh các thủ tục thì giai đoạn cuối cùng là Sở TNMT và Sở Xây dựng đi kiểm tra và xác định dự án đảm bảo đúng thiết kế, chất lượng, đầy đủ các thủ tục mà Nhà nước quy định. Lúc đó, Công ty mới có thể nộp hồ sơ vào văn phòng đăng kí đất đai xin cấp giấy.
Khi nào Sở TNMT nhận được hồ sơ thì sẽ thực hiện đúng trách nhiệm của mình, đúng thời hạn, tối đa là 30 ngày. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, phía công ty chưa nộp hồ sơ và làm các thủ tục cho 124 lô đất này nên đến bây giờ chưa thể chuyển nhượng sang giấy cho bà con và trách nhiệm không thuộc về Sở TNMT.”
Từ những khẳng định trên của Sở TNMT tỉnh Đồng Nai, có thể hiểu rằng người dân mua đất dự án Gold Hill chờ đợi suốt 3 năm vẫn không có sổ đỏ là do Đất Xanh Group không hoàn thiện các giấy tờ, thủ tục.
Tuy nhiên, đến nay, Tập đoàn Đất Xanh vẫn không chịu thừa nhận sai sót mà lại đẩy hoàn toàn trách nhiệm về phía chính quyền địa phương. Liệu rằng, thời gian tới, Tập đoàn Đất Xanh sẽ hoàn tất các thủ tục chuyển nhượng đất cho các hộ dân hay là tiếp tục “điệp khúc” bắt khách hàng chờ?