Nhiều khách hàng mua nhà tại dự án khu nhà ở cao cấp Viet-Inc quây trụ sở Công ty Hưng Hải, đòi lại tiền từ dự án "ma"; Bộ Xây dựng lấy ý kiến dự thảo Thông tư về Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư, thay thế quy chế hiện hành; Hà Nội yêu cầu dừng việc điều chỉnh quy hoạch khu đô thị Ciputra... là những thông tin bất động sản nổi bật tuần qua.
Nhọc nhằn mua phải dự án "ảo"
Nhiều khách hàng mua nhà tại dự án khu nhà ở cao cấp Viet-Inc đã tập trung trước văn phòng Công ty CP Đầu tư xây dựng và thương mai Hưng Hải (Công ty Hưng Hải) để đòi lại số tiền mua nhà tại dự án Viet-Inc.
Trước đó, những khách hàng này đã nhiều lần gửi đơn kêu cấp tới các cấp chính quyền, cơ quan chức năng với hy vọng có thể lấy lại số tiền đã bỏ ra nhưng vẫn “bật vô âm tín”.
Theo cáo trạng, dự án khu nhà ở Viet-Inc được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) có quyết định phê duyệt năm 2008 với tổng diện tích quy hoạch khoảng 103.330m2, trong đó có 34.000 m2 đất ở bao gồm biệt thự và nhà ở hỗn hợp cao 35 tầng, còn lại là đất quy hoạch dự kiến trả cho địa phương, trường học, cây xanh, đất giao thông nội bộ…
Đất nông nghiệp bị "thổi giá" gấp 20 - 30 lần
Theo UBND huyện Lý Sơn, việc mua bán, chuyển nhượng đất nông nghiệp trên địa bàn huyện đang diễn ra khá phức tạp. Một số cá nhân trong, ngoài tỉnh và một số người dân Lý Sơn mua đất nông nghiệp với giá từ 1,5 đến 2 triệu đồng/m2. Mức giá này quá hấp dẫn nên nhiều người dân đã bán đất sản xuất.
Bà Phạm Thị Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết, giá đất nông nghiệp bị "thổi" lên quá cao sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy. Trước mắt, việc bồi thường, giải phóng mặt bằng trên địa bàn huyện sẽ gặp khó khăn. Về lâu dài, người dân đã bán đất sẽ rơi vào thế khó khi không còn đất để sản xuất.
"Quy định bồi thường chỉ 60 ngàn đồng/m2, trong khi giá giao dịch bên ngoài lên đến 1,5 - 2 triệu đồng/m2. Do đó, nhiều dự án trên địa bàn huyện đang vướng khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng. Ngay cả dự án phục vụ >đời sống >tâm linh như mở rộng di tích Lăng Tân cũng đang vướng. Hiện còn 3 hộ không đồng ý bàn giao mặt bằng, đất nông nghiệp nhưng họ yêu cầu phải bồi thường 1 triệu đồng/m2", bà Hương cho biết.
Cuộc chiến dai dẳng ở chung cư: Dự thảo thông tư với loạt điểm mới có “dập” nổi?
Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư về Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư, thay thế quy chế hiện hành, trong đó bổ sung một số quy định mới và một số quy định thay thế.
Chẳng hạn, dự thảo quy định giảm số người đại diện chủ sở hữu tham gia hội nghị lần đầu xuống còn tối thiểu 50% chứ không phải 75% theo quy định hiện hành.
Cụt hể, đối với hội nghị của tòa nhà chung cư thì phải có tối thiểu 50% đại diện chủ sở hữu căn hộ đã nhận bàn giao tham dự. Nếu không đủ số người tham dự quy định tại điểm này thì vẫn tiến hành tổ chức họp hội nghị nhà chung cư và lấy ý kiến của các chủ sở hữu không tham dự hội nghị về các nội dung quy định tại khoản 3 Điều 102 của Luật Nhà ở.
Chuyên gia lý giải chuyện "quan tỉnh" tăng mua >nhà đất ở Hà Nội
Tại Hội thảo “Quan điểm định hướng, giải pháp hoàn thiện công cụ kinh tế chuyển dịch đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững tại Việt Nam” do Viện nghiên cứu CIEM tổ chức tại Hà Nội sáng nay (8/8), các chuyên gia, học giả đã mổ xẻ vấn đề về giá đất, đền bù giá đất cho người dân.
Theo ý kiến của PGS Khắc Thanh, quy định hiện nay cho phép chủ tịch tỉnh có quyền ký các quyết định giá đất phát sinh nhiều vấn đề như ký quyết định mà không có quy hoạch, ký trước quy hoạch làm sau dẫn đến kẽ hở.
"Tôi biết có ông chủ tịch tỉnh sắp nghỉ hưu ký phê duyệt giá đất 14 dự án, sau đó nhà ông ấy có dám ở tỉnh mà lên Hà Nội mua nhà mua đất để ở. Ở ngay tập thể nơi tôi ở, xuất hiện nhiều lãnh đạo tỉnh, tôi không biết tên ông ấy là ai, chỉ biết mới ở các tỉnh về, họ suốt ngày chỉ quét sân, tưới cây", ông Thanh nói ví dụ.
Sớm thẩm định, trình Thủ tướng phê duyệt quy hoạch Khu kinh tế Vân Đồn
Thủ tướng Chỉnh phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Vân Đồn (Quảng Ninh) đến năm 2040, tầm nhìn đến 2050.
Mục tiêu trọng tâm là xây dựng Vân Đồn trở thành vùng động lực phát triển kinh tế của Việt Nam, nằm trong nhóm các thành phố đáng sống nhất châu Á - Thái Bình Dương.
Liên quan đến vấn đề này, UBND tỉnh Quảng Ninh vừa có văn bản giao thủ trưởng các sở, Trưởng ban Ban Quản lí Khu kinh tế, Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn về việc bám sát các bộ, ngành trong việc thẩm định, phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế Vân Đồn.
Hà Nội yêu cầu dừng việc điều chỉnh quy hoạch khu đô thị Ciputra
UBND T.P Hà Nội vừa có văn bản gửi các cơ quan có liên quan về việc xử lý thông tin báo chí phản ánh liên quan đến quy hoạch khu đô thị Nam Thăng Long (Ciputra) tại quận Tây Hồ và quận Bắc Từ Liêm.
Trước đó, UBND TP đã nhận được đơn kiến nghị của cư dân khu đô thị Ciputra ngày 6/7/2019 đề nghị Sở quy hoạch đối thoại với cư dân về quy hoạch tại khu đô thị này.
Tại Thông báo số 212 ngày 27/2/2019, thành phố Hà Nội cũng đã chỉ đạo riêng đối với các ô đất, theo đó yêu cầu Sở Quy hoạch - Kiến trúc báo cáo, làm rõ phù hợp với quy hoạch, quy trình, thủ tục thực hiện đối với việc đề xuất điều chỉnh quy hoạch; trường hợp đủ điều kiện điều chỉnh phải đảm bảo sự đồng thuận của cộng đồng dân cư và các tổ chức, cá nhân có liên quan trước khi đề xuất điều chỉnh.
Nếu dừng quy hoạch Phú Quốc thành đặc khu kinh tế, thị trường >bất động sản sẽ ra sao?
Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang vừa có văn bản đề nghị Thủ tướng cho tạm dừng việc lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đảo Phú Quốc thành đặc khu kinh tế cho tới khi Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt được Quốc hội thông qua.
Đồng thời, tỉnh này cũng đề xuất Thủ tướng cho phép tỉnh được sử dụng ngân sách địa phương lập mới quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đảo Phú Quốc theo hướng trở thành khu kinh tế Phú Quốc.
Bình luận về kiến nghị này với Dân trí, ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng đây là hướng đi hợp lí trong thời điểm này.
Đánh giá về tác động của kiến nghị này nếu được hiện thực hoá, ông Đính nói: Chúng tôi đã có những đánh giá về thị trường bất động sản Phú Quốc, số liệu cho thấy giao dịch khu vực này hiện ở mức độ trầm lắng...
Hà Nội công bố hàng chục nghìn căn hộ vẫn chưa được cấp sổ hồng
Báo cáo thống kê đất đai vừa công bố của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho thấy, tính đến hết năm 2017, Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội đã cấp giấy chứng nhận (hay còn gọi là sổ hồng) cho người mua nhà tại dự án phát triển nhà ở chủ đầu tư đã xây dựng xong và đã lập hồ sơ trình Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định cho 155.656 căn/178.278 căn, đạt 87,31%.
Theo báo cáo, tính đến hết năm 2017, còn 22.622 căn hộ đang được tiếp tục triển khai cấp giấy chứng nhận. Bên cạnh đó, ước có khoảng 23.260 căn chung cư và nhà tái định cư chưa được cấp giấy chứng nhận.
Về công tác đấu giá quyền sử dụng đất, nghĩa vụ tài chính từ đất, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, đã tổ chức đấu giá 7.500 tỷ đồng/10.000 tỷ đồng, đạt 75% kế hoạch.
Lập đoàn giám sát việc phát triển nhà ở Hà Nội, nhà xã hội 3 quận vào “tầm ngắm”
HĐND thành phố Hà Nội mới đây đã ban hành quyết định thành lập Đoàn giám sát của Ban Đô thị HĐND thành phố về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển nhà ở thành phố (giai đoạn 2016-2020); việc thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước về kiểm toán chương trình nhà ở xã hội các quận Hà Đông, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm (giai đoạn 2015-2017).
Đợt giám sát nhằm đánh giá việc chấp hành trong thực hiện Kế hoạch phát triển nhà ở Thành phố (giai đoạn 2016-2020); việc thực hiện kiến nghị của Kiểm toán nhà nước về kiểm toán Chương trình nhà ờ xã hội quận Hà Đông, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm (giai đoạn 2015-2017).