Không ban quản trị, không nhà sinh hoạt cộng đồng, không thuộc tổ dân phố nào, 171 hộ dân trong chung cư hạng sang Danang Plaza (quận Hải Châu, Đà Nẵng) liên tục gửi đơn suốt gần nhiều năm qua nhưng vẫn không được xử lý.
Gần 10 năm chờ trong vô vọng
Ông Nguyễn Trung Hiếu (chủ căn hộ B113) cho biết, gia đình anh mua căn hộ từ 2 năm trước. Thời điểm anh mua, >chung cư đã hoạt động từ nhiều năm trước, đến nay đã gần 10 năm.
Người dân phản ánh: Từ lúc đi vào hoạt động cho đến nay, chủ đầu tư là Công ty CP đầu tư phát triển nhà Đà Nẵng không tạo điều kiện để dân bầu ban quản trị tòa nhà. Do không có ban quản trị, ban quản lý chung cư được chủ đầu tư chỉ định. Hai đơn vị này phối hợp với nhau toàn quyền quyết định các vấn đề trong vận hành và bảo trì chung cư mà không hề lấy ý kiến hay có một đối thoại nào với dân cư.
Việc thu, chi, sử dụng phí vận hành và phí bảo trì không được công khai như luật định. Dân phải đóng phí cao (10.000đ/m2) mà dịch vụ nhận được không tương xứng.
Nhiều hạng mục tại chung cư đã cũ và đang xuống cấp như thang máy, phòng tập, tường ngoài hành lang, .v.v nhưng không có kế hoạch sửa chữa, nâng cấp. Các tiện ích chung như bể bơi, phòng tập hầu như không được quản lý.
Bà Nguyễn Thị Bích Liên, chủ căn hộ B176 cho biết thêm, chủ đầu tư còn không cho cư dân sử dụng nhà sinh hoạt cộng đồng theo thiết kế tại tầng trệt chung cư, mà biến thành sàn giao dịch >bất động sản. Hiện nay, nhà cộng đồng luôn khóa chặt cửa.
Đặc biệt, hiện tại 171 hộ dân sống trong tòa chung cư này không thuộc một tổ dân phố nào dẫn đến khó khăn cho dân cư khi thực hiện các quyền và nghĩa vụ công dân như đăng ký bầu cử, và thụ hưởng các dịch vụ công.
Nhiều năm qua, cư dân liên tục gửi đơn kiến nghị lên chủ đầu tư, chính quyền sở tại cũng như Sở Xây dựng Đà Nẵng nhưng đến nay các yêu cầu vẫn chưa được giải quyết.
Điều khoản kỳ lạ của chủ đầu tư
Theo phản ánh của người dân, ngày 15/9 vừa qua, chủ đầu tư đã tổ chức hội nghị nhà chung cư lần 1, với sự tham dự của lãnh đạo địa phương, Sở Xây dựng Đà Nẵng.
Tuy nhiên hội nghị này không thành công vì chủ đầu tư đã không giải trình được với dân về các khoản thu chi trong chung cư, cũng như không đưa được ra bằng chứng sở hữu các hạng mục như bể bơi, phòng tập và hầm để xe mà họ muốn dùng để quy đổi ra phiếu trong hội nghị. Chủ đầu tư còn cung cấp thông tin sai lệch để rất nhiều chủ hộ hiện đang không sống ở chung cư ủy quyền cho họ bầu ban quan trị.
Anh Hà Phước Minh, chủ căn hộ A504, một thành viên khác trong ban đại diện dân cư còn cho biết thêm, khi gửi giấy mời họp hội nghị lần 1, chủ đầu tư còn gửi kèm theo ‘’Dự thảo quy chế làm việc và bầu cử’’ với rất nhiều điểm cố tình làm trái luật, có lợi cho chủ đầu tư.
Cụ thể, dự thảo yêu cầu người ứng cử, được đề cử làm thành viên ban quản trị là phải có hộ khẩu Đà Nẵng. Danh sách đề cử, ứng cử thành viên ban quản trị không quá 6 người do chủ các căn hộ đề cử để hội nghị bầu ra 4 người vào ban quản trị. Việc yêu cầu hộ khẩu tại địa phương và giới hạn ứng cử viên mà không có hội nghị trù bị là hết sức vô lý.
Ngoài ra, dự thảo nêu đối với phần diện tích khác trong tòa nhà không phải là căn hộ thì mỗi phần diện tích sàn xây dựng tương đương với 100m2 có giá trị bằng 1 phiếu. Điều này rất có lợi cho chủ đầu tư vì nếu đúng luật phải thì phải chia cho diện tích căn hộ lớn nhất (tại Đà Nẵng Plaza có căn penhouse diện tích tới 335m2).
Chủ đầu tư đưa ra yêu cầu bầu ban quản trị tòa nhà theo phương thức dồn phiếu để họ dễ dàng tập trung phiếu vào các ứng viên thân họ.
Anh Minh cho biết, người dân trong tòa nhà đã kịch liệt phản đối các quy định nêu trên và cho rằng, các tiêu chí do chủ đầu tư đặt ra là trái với Thông tư 02/2016/TT-BXD.
“Tại hội nghị lần 1, dân cư và chủ đầu tư thống nhất tổ chức hội nghị lần 2 sau đó 2 tuần (có ghi vào văn bản cuộc họp và có chữ kỹ của cả hai bên). Sau đó, chủ đầu tư đơn phương có thông báo hoãn hội nghị lần 2 sang tháng 10 với lý do ‘’nhiều công việc đột xuất’’. Tuy nhiên, đến nay đã gần hết tháng 10 mà hội nghị lần 2 vẫn đang trì hoãn vô thời hạn”, anh Hiếu cho biết thêm.
Trao đổi với VietNamNet, ông Trần Thế Sơn, Chủ tịch UBND phường Thạch Thang (quận Hải Châu) xác nhận, địa phương đã nhiều lần nhận được đơn kiến nghị của các hộ dân trong chung cư với nội dung phản ánh như trên. Đơn thư người dân cũng gửi đến Sở Xây dựng Đà Nẵng.
Ông Sơn cũng cho hay, trong tháng này nếu chủ đầu tư không xử lý các kiến nghị của người dân thì Sở Xây dựng Đà Nẵng sẽ xử phạt hành chính, yêu cầu thực hiện.
Luật sư Lê Cao (Đoàn luật sư Đà Nẵng) cho biết, theo các quy định hiện hành, trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày nhà chung cư được bán giao đưa vào sử dụng và có tối thiểu 50% căn hộ đã được bàn giao thì chủ đầu tư phải có trách nhiệm tổ chức hội nghị của tòa nhà chung cư lần đầu để bầu/thành lập Ban quản trị nhà chung cư.
Nếu chủ đầu tư không tiến hành tổ chức hội nghị của tòa nhà chung cư và có đơn của đại diện chủ sở hữu căn hộ thì UBND cấp phường có trách nhiệm tổ chức hội nghị của tòa nhà chung cư theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 13 Thông tư 02/2016.
Theo quy định tại Điều 179, Điều 180 Luật nhà ở 2014 thì nếu chủ đầu tư dự án không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các quy định này, thì tùy theo tính chất, mức độ của vi phạm, hậu quả xảy ra, chủ đầu tư sẽ bị xử lý hình sự, bị xử phạt hành chính hoặc đền bù thiệt hại cho Nhà nước và cá nhân theo quy định pháp luật.
Luật sư Lê Cao cho biết thêm, pháp luật về nhà ở không quy định việc người ứng cử hoặc đề cử vào ban quản trị nhà chung cư phải có hộ khẩu tại địa phương nơi có nhà chung cư, mà chỉ cần đáp ứng điều kiện đó là “chủ sở hữu và đang sử dụng nhà chung cư đó”. Do đó, việc đưa ra quy định phải có hộ khẩu đang hạn chế quyền của người đang muốn ứng cử vào làm thành viên Ban quản trị chung cư.