Kiểm toán Nhà nước đã đề nghị truy thu tiền sử dụng đất, thuế và các xử lý tài chính khác đối với 30 dự án bất động sản tại TP.HCM. 300 mặt bằng, thuộc các dự án bất động sản trên địa bàn cũng bị đề nghị thu hồi.
Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), Giám đốc Sở Tài chính thông báo đã đề nghị UBND TP thu hồi, hủy bỏ các quyết định, văn bản cho phép bán chỉ định 300 mặt bằng, thuộc các dự án >bất động sản trên địa bàn TP, tập trung nhiều tại các quận nội thành TP.HCM, để chuyển sang đấu giá đất.
‘Điều này chắc chắn sẽ tác động rất lớn đến thị trường bất động sản TP, đến các chủ đầu tư, các nhà đầu tư thứ cấp, kể cả nhà đầu tư nước ngoài, các ngân hàng thương mại và người mua nhà. Mục tiêu lập lại trật tự, đảm bảo tính minh bạch, cạnh tranh lành mạnh trên thị trường bất động sản là hết sức cần thiết, tạo cơ hội bình đẳng cho các nhà đầu tư tiếp cận đất đai, nhưng cần đảm bảo sự ổn định xã hội và thị trường bất động sản, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp’, HoREA nhận định.
Cũng theo Hiệp hội, mới đây, UBND TP.HCM đã có văn bản về 7 dự án đầu tư sử dụng đất, có nguồn gốc từ doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, trên địa bàn quận Phú Nhuận. Tổng cộng 7 dự án có 1.412 căn hộ. Trong đó, có 508 căn hộ đã được Sở Tài nguyên Môi trường cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất (sổ hồng) cho người mua nhà.
Trước đó, 1 dự án căn hộ hạng sang trên đường Cô Giang, quận 1, cũng nằm trong danh sách Sở Tài Nguyên & Môi trường TP.HCM đề nghị xem xét là việc giao đất chỉ định, không qua đấu giá. Hay khu đất 8 - 12 Lê Duẩn, quận 1 cũng có thông tin >thu hồi đất, sau đó lại thu hồi quyết định thu hồi.
Theo HoREA, việc các cơ quan Nhà nước rà soát lại quy trình, thủ tục thực hiện các dự án, theo yêu cầu của Kiểm toán Nhà nước, là việc làm bình thường. Nếu phát hiện dự án nào có thiếu sót thì bổ sung, nếu sai thì tìm cách tháo gỡ. Thực hiện việc rà soát này nhưng phải đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân và doanh nghiệp.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc tính toán giá trị tiền sử dụng đất mà doanh nghiệp phải nộp, đảm bảo không thất thoát ngân sách, là chủ trương đúng đắn. Những doanh nghiệp được giao đất vàng thấp hơn giá thị trường sẽ bị truy thu phần chênh lệch. Trong ngắn hạn việc này có thể tác động đến một số quyền lợi nhất định của người mua như: Quyền thế chấp tài sản, giá trị giao dịch thứ cấp có thể ảnh hưởng… Tuy nhiên, đối với những người mua nhà chỉ để ở, thì sẽ không có tác động nhiều, khi dự án đã được bàn giao.