Hiện trên địa bàn TP.HCM vẫn còn khoảng 17.303 trường hợp tồn đọng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhà ở. Vì vậy, UBND TP.HCM yêu cầu từ nay đến 30.11, tất cả 24 quận, huyện phối hợp với các đơn vị báo cáo cho UBND từng trường hợp một để Thành phố giải quyết.
Đoàn giám sát của HĐND TP.HCM ngày 9.11 đã làm việc với UBND TP.HCM liên quan đến việc giải quyết khiếu nại của người dân về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở.
Báo cáo tại cuộc họp, Phó giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM Nguyễn Văn Hồng nói rằng, tính đến tháng 6.2018, TP.HCM đã cấp được hơn 1,5 triệu giấy chứng nhận lần đầu đối với hộ gia đình, cá nhân, đạt tỷ lệ 95,8% trên tổng số >nhà đất. Đồng thời, Thành phố cũng cấp 16.475 giấy chứng nhận cho tổ chức.
Tuy nhiên, hiện trên địa bàn TP.HCM vẫn còn khoảng 17.303 trường hợp tồn đọng chưa được cấp giấy chứng nhận, chủ yếu do không đủ điều kiện theo quy định pháp luật. Đơn cử như các trường hợp chuyển nhượng bằng giấy tay sau ngày 1.1.2008; lấn chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép; sử dụng đất sau thời điểm công bố quy hoạch nhưng nay không phù hợp quy hoạch; vi phạm pháp luật đất đai, xây dựng chưa được xử lý; giấy tờ nguồn gốc quá trình sử dụng đất không rõ ràng, giao đất trái thẩm quyền…
Bàn về vấn đề này, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến cho rằng số lượng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà ở, đất ở của TP.HCM hiện còn rất lớn. Tính cả cấp giấy cho hộ cá thể lần đầu, chuyển nhượng và các tổ chức trên địa bàn, mỗi tháng theo ủy quyền của UBND TP.HCM thì Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường ký khoảng 50.000 trường hợp.
Cụ thể, số lượng người dân chưa được cấp giấy chứng nhận lần đầu là khoảng 17.300 trường hợp; giải quyết cấp giấy cho các dự án chung cư ở TP.HCM có 107 dự án, với tổng số căn hộ phải cấp giấy là 103.401 trường hợp, trong đó đã nộp hồ sơ cho TP.HCM là khoảng 71.000 trường hợp. Bên cạnh đó, Thành phố đã cấp được 56.500 trường hợp và đang tiếp tục nghiên cứu giải quyết 17.705 trường hợp. Trong đó, có 3 trường hợp cơ bản phải xem xét.
“Mặc dù công tác cấp giấy chứng nhận có nhiều tiến bộ song so với mong muốn của người dân vẫn còn nhiều vấn đề”, ông Tuyến nhận định.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết các trường hợp chậm cấp, không cấp, không giải quyết dẫn đến khiếu nại, kiến nghị, phản ánh của người dân là do có nhiều nguyên nhân. Dù tất cả những thủ tục, quy định, chỉ đạo của UBND TP.HCM đầy đủ, quy định pháp luật giống nhau nhưng vẫn xảy ra chuyện nơi này làm được, nơi kia không làm được. Trong đó có trách nhiệm của lãnh đạo từng đơn vị, UBND quận huyện, văn phòng cấp >giấy chứng nhận nhà đất; các sở ngành; kể cả UBND TP.HCM.
Từ thực tế trên, ông Trần Vĩnh Tuyến yêu cầu từ nay đến 30.11, các văn phòng cấp giấy chứng nhận nhà đất quận, huyện phối hợp với các sở, ngành báo cáo cho UBND TP.HCM từng trường hợp hiện nay không cấp giấy và nêu lý do pháp lý cụ thể. Trên cơ sở đó, vấn đề nào thuộc trách nhiệm người dân thì người dân phải chịu; còn trường hợp pháp lý chưa rõ và người dân không đồng tình thì báo cáo UBND TP.HCM.
“Những trường hợp nào sai thuộc về dân thì phải nêu rõ ràng, minh bạch để cho người dân đồng tình; những vấn đề gì người dân phản ánh đúng thì phải xem xét giải quyết. Còn những cái gì người dân sai có thể giải quyết được nhưng không thuộc thẩm quyền của quận, huyện mà thuộc thẩm quyền thành phố thì đề xuất để UBND TP.HCM lắng nghe giải quyết. Trường hợp quận, huyện đề xuất rồi nhưng TP không giải quyết thì tôi chịu trách nhiệm trước UBND TP.HCM”, ông Tuyến chỉ đạo.
Ngoài ra, ông Tuyến cũng đề nghị từ nay đến 31.12.2018, chủ tịch và phó chủ tịch UBND quận, huyện phải tiếp tất cả 17.303 trường hợp chưa được cấp giấy chứng nhận nhà đất lần đầu. Còn UBND TP.HCM sẽ tiếp người dân 24 quận, huyện với những trường hợp thuộc thẩm quyền. Đến đầu 2019, UBND TP.HCM sẽ đi kiểm tra 24 quận huyện về nội dung đầu việc này.
"Nếu có trường hợp giải quyết sai, tôi sẽ đề xuất chủ tịch quận huyện lên đường. Chúng ta đã ở vị trí này rồi thì không có chuyện sợ nữa, nếu sợ thì nên thôi để người khác làm. Tâm mình công bằng, khách quan thì không việc gì phải sợ. Nếu mình có lỡ sai thì sửa, chứ không thể để người dân bức xúc mãi. Tôi không muốn hôm nay HĐND TP.HCM giám sát, UBND TP.HCM chỉ ghi nhận, tiếp thu rồi lại tiếp tục giám sát, phản ánh trách nhiệm cán bộ công chức mình là không nên", ông Tuyến khẳng định.