Được biết đến là người sáng lập Tập đoàn Hoàn Cầu và Ngân hàng TMCP Nam Á, cố doanh nhân Trần Thị Hường còn để lại khối tài sản “khủng” với hàng loạt dự án bất động sản tại nhiều tỉnh thành cho gia đình.
Những tranh chấp giữa các cổ đông Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam Á Bank) liên quan đến các thành viên trong gia đình của cố doanh nhân Trần Thị Hường (tức Tư Hường) gần đây đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
Trong cuộc họp báo mới đây tại TP.HCM, ông Nguyễn Chấn, chồng của bà Tư Hường, thông tin rằng thời gian vợ ông đau bệnh vào giữa năm 2016 có giao công việc quản lý ngân hàng và tập đoàn Hoàn Cầu cho con trai Nguyễn Quốc Toàn. Tuy nhiên, với sự cấu kết, tiếp tay của nhiều người, tài sản ước tính lên đến 30.000 tỷ đồng của vợ chồng ông sau đó đã bị chiếm giữ.
Những tài sản này bao gồm cổ phiếu do Nam Á Bank phát hành, cổ phần tại các công ty trong hệ thống tập đoàn Hoàn Cầu, các khoản đầu tư vào các doanh nghiệp dưới hình thức góp vốn, mua cổ phần…
Ngoài ra, theo ông Chấn, những phần vốn góp, cổ phần trong tập đoàn Hoàn Cầu và các khoản đầu tư vào các doanh nghiệp do ông nhờ người đứng tên đều đã bị chuyển nhượng sang tên người khác để chiếm đoạt, phần lớn trong đó do nhân viên cũ “cấu kết” với con trai thứ của ông chiếm giữ.
Được biết đến là người có công lớn đưa Nam Á Bank từ một ngân hàng có vốn điều lệ vỏn vẹn 5 tỷ đồng lên hơn 3.350 tỷ đồng như hiện nay, cố doanh nhân Tư Hường còn để lại khối tài sản với hàng loạt >bất động sản tại nhiều tỉnh thành ở tập đoàn Hoàn Cầu.
Thành lập từ năm 1993 với vốn điều lệ 193 tỷ đồng, đến năm 2015 tập đoàn Hoàn Cầu của nữ đại gia gốc Bình Định đã tăng vốn điều lệ lên 1.170 tỷ đồng với quy mô gần 40 công ty thành viên tại Khánh Hoà, TP.HCM, Đồng Nai, Lâm Đồng…
Đầu tư vào lĩnh vực bất động sản từ năm 2000, tập đoàn Hoàn Cầu đã có trong tay nhiều dự án nằm ở những vị trí đắc địa. Đơn cử như dự án Diamond Bay tại TP. Nha Trang, Khánh Hoà từng được biết đến là nơi tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới năm 2008. Dự án có tổng mức đầu tư đến 4 tỷ USD, gồm 15 resort, căn hộ nghỉ dưỡng, bệnh viện, trường học, khu vui chơi… do Công ty TNHH Hoàn Cầu Nha Trang làm chủ đầu tư.
Sau khi doanh nhân Tư Hường mất, cuối năm 2017 Công ty TNHH Hoàn Cầu Nha Trang thông tin có làm mất 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 2 thửa đất tại thôn Phước Hạ, xã Phước Đồng, TP. Nha Trang, thuộc dự án nói trên. Các giấy tờ này được cấp vào năm 2015.
Trên đường Trần Phú, TP. Nha Trang, công ty gia đình đại gia Tư Hường còn sở hữu dự án trung tâm thương mại và khách sạn Hoàn Cầu quy mô hơn 9.000m2. Ngoài ra, công ty thành viên của tập đoàn Hoàn Cầu còn là chủ đầu tư dự án Nha Trang Center 2 với vị trí đắc địa 2 mặt tiền đường.
Tại TP.HCM, ngoài dự án căn hộ cao cấp Hoàn Cầu Cantavil đã đưa vào sử dụng từ năm 2010 và dự án Saigon Land (quận Bình Thạnh), tập đoàn Hoàn Cầu còn phát triển dự án căn hộ Diamond City (quận 7) với quy mô hơn 14ha, mức đầu tư dự kiến 15.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau đó có thông tin một phần lớn đất tại dự án này là tài sản đảm bảo cho khoản nợ xấu 2.400 tỷ đồng của tập đoàn tại Sacombank.
Trước khi dự án này “về tay” Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Xuân Mai Sài Gòn với tên gọi Eco Green Sài Gòn, dự án đã được Công ty Quản lý Tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) mua lại từ Sacombank bằng trái phiếu đặc biệt.
Bên cạnh đó, tập đoàn Hoàn Cầu còn đầu tư phát triển Trung tâm thương mại Quy Nhơn, khu căn hộ thương mại Đại Phú (Bình Dương), dự án dịch vụ du lịch tổng hợp bắc bán đảo Cam Ranh (Khánh Hoà), khu công nghiệp công nghệ cao Hoàn Cầu Long An…