Theo Bộ Xây dựng, cơ cấu hàng hóa bất động sản, nhất là nhà ở tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh còn chưa phù hợp với nhu cầu thị trường. Thị trường dư thừa sản phẩm nhà ở cao cấp, diện tích lớn, giá bán cao, nhưng lại thiếu sản phẩm nhà ở bình dân phù hợp với nhu cầu của đại bộ phận dân cư đô thị.

06:05 01/11/2018

Trong nội dung báo cáo Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn thuộc phạm vi trách nhiệm của Bộ Xây dựng, Bộ này cho biết, sau 3 năm tăng trưởng liên tục (từ 2013 đến 2016) thị trường >bất động sản 2017 có xu hướng chững lại. Trong 6 tháng đầu năm 2018, thị trường bất động sản hoạt động bình thường, giá cả không có biến động so với cùng kỳ năm 2017, tồn kho tiếp tục giảm mạnh.

Đang triển khai hơn 8 triệu m2 >nhà ở xã hội

Theo Bộ Xây dựng, diện tích bình quân nhà ở toàn quốc tiếp tục tăng đều qua các năm, năm 2017 đạt khoảng 23,4 m2 sàn/người (tăng 0,6m2 sàn/người so với năm 2016). Tính đến hết tháng 8.2018, diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 23,7m2 sàn/người (tăng 0,3 m2 sàn/người so với năm 2017). 

206 dự án nhà ở xã hội đang được xây dựng.

 

 Chương trình nhà ở xã hội tại khu vực đô thị trên địa bàn cả nước, đã hoàn thành 186 dự án, quy mô xây dựng khoảng hơn 75.700 căn, với tổng diện tích hơn 3.785.000 m2. Hiện tại, đang tiếp tục triển khai 206 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 168.700 căn, với tổng diện tích khoảng 8.435.000 m2.

Trong đó, chương trình phát triển nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị đến nay cả nước đã hoàn thành 86 dự án, quy mô xây dựng khoảng 34.700 căn hộ với tổng diện tích khoảng 1.735.000 m2.

Tuy nhiên, sau khi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng giải ngân hết (tháng 12.2016), vì không có nguồn vốn để tiếp tục cho vay nên hầu hết các dự án nhà ở xã hội đang triển khai bị chậm tiến độ hoặc tạm dừng thi công (206 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 168.700 căn hộ, tổng diện tích khoảng 8.435.000 m2), số lượng nhà ở xã hội cung ứng ra thị trường hầu như không có.

Dư thừa >nhà ở cao cấp

Đáng nói, lượng tồn kho bất động sản tuy đã giảm nhiều, nhưng vẫn còn khá lớn, đến 20-8-018, tổng giá trị tồn kho bất động sản còn khoảng 23.692 tỷ đồng, chủ yếu tại các dự án xa trung tâm, hạ tầng chưa đầy đủ và còn thiếu các dịch vụ thiết yếu nên không bán được hàng.

“Cơ cấu hàng hóa bất động sản, nhất là nhà ở tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh còn chưa phù hợp với nhu cầu thị trường. Thị trường dư thừa sản phẩm nhà ở cao cấp, diện tích lớn, giá bán cao, nhưng lại thiếu sản phẩm >nhà ở bình dân phù hợp với nhu cầu của đại bộ phận dân cư đô thị”, Bộ Xây dựng cho biết.

Trong thời gian qua, có nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng được cấp phép, nguồn cung loại hình bất động sản này lớn và đa dạng. Trong khi đó, các điều kiện của hợp đồng không chặt chẽ, rõ ràng, minh bạch dẫn đến tiềm ẩn rủi ro cho cả nhà đầu tư và người mua. 

Theo Bộ Xây dựng, nhà ở cao cấp đang dư thừa... (ảnh minh hoạ) 

Giá cả hàng hóa bất động sản, nhất là giá nhà ở chưa ổn định, không phản ánh đúng giá trị thực của bất động sản, cũng như không phù hợp với khả năng chi trả của số đông người dân. Chưa kể, giới đầu cơ bất động sản vẫn hoạt động công khai, lợi dụng các yếu tố xã hội như chuẩn bị quy hoạch đô thị, chuẩn bị xây dựng các công trình hạ tầng, mở rộng đô thị... để đẩy giá lên cao thu lợi bất chính.

Ngoài ra, theo Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản phát triển thiếu minh bạch, từ khâu quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư, giao dự án đến giao dịch bất động sản. Nhiều địa phương chưa thực hiện triệt để hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án, vẫn còn tồn tại cơ chế xin-cho trong việc giao dự án bất động sản, dễ phát sinh tiêu cực.

Theo Trần Kháng/Dân Việt