Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) trên địa bàn thành phố đã có hơn 500 dự án bị thu hồi chủ trương đầu tư, bị "đắp chiếu, trùm mền", là "hàng dự án tồn kho", nhưng bị vướng thủ tục chuyển nhượng.
Thông tin trên vừa được HoREA đưa ra trong một báo cáo trình các cơ quan chức năng tại TP.HCM. HoREA cho rằng, một trong những điểm nghẽn của thị trường >bất động sản là hoạt động chuyển nhượng toàn bộ dự án, chuyển nhượng một phần dự án. Hiện nay, nhu cầu chuyển nhượng dự án rất lớn. Trong đó, có nhiều dự án đã được thế chấp làm tài sản bảo đảm cho các khoản vay tín dụng, kể cả các khoản nợ xấu ngân hàng.
“Chuyển nhượng dự án là hoạt động kinh doanh bình thường, theo nhu cầu của các doanh nghiệp, nhưng theo các quy định pháp luật hiện hành, chủ đầu tư phải giải phóng mặt bằng và có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thì mới được chuyển nhượng dự án, nên trên thực tế việc chuyển nhượng dự án rất khó khăn”, HoREA đánh giá.
Hiệp hội cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2018, mới có 15/23 hồ sơ chuyển nhượng dự án được chấp thuận. Do vậy, chưa tạo điều kiện cho nhà đầu tư mới có năng lực thay thế chủ đầu tư cũ, để khởi động lại các dự án đã bị ngừng triển khai, cũng như chưa tạo được sự thông thoáng trong thị trường chuyển nhượng dự án, và có thêm nguồn thu thuế cho ngân sách nhà nước. Đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến thực trạng đã có hơn 500 dự án bị thu hồi chủ trương đầu tư, bị "đắp chiếu, trùm mền", là "hàng dự án tồn kho", nhưng chưa đủ điều kiện chuyển nhượng.
“Điều 10 Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu, đã quy định các điều kiện xử lý tài sản bảo đảm là >dự án bất động sản. Trong đó, có điều kiện dự án "Có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền", bao gồm tài sản bảo đảm là dự án bất động sản đã có Giấy chứng nhận hoặc dự án chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Đây là cơ chế mới, khác với quy định tại Luật Đất đai và Luật Kinh doanh bất động sản nêu trên. Cơ chế mới này cần được bổ sung vào Luật Đất đai và Luật Kinh doanh bất động sản, để tạo sự thông thoáng trong hoạt động chuyển nhượng toàn bộ dự án, hoặc một phần dự án có sử dụng đất”, HoREA kiến nghị.
Liên quan đến thủ tục triển khai dự án, trước đó, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP.HCM đã phát hiện có 215 dự án có dấu hiệu chậm triển khai, trong tổng số 2.758 dự án được rà soát, trong kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn. Sở này cũng được nhận chỉ đạo xem xét lại tính pháp lý của các dự án này, đề xuất xử lý phù hợp.
Theo Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Toàn Thắng, việc rà soát tất cả các dự án hiện đã được đưa vào kế hoạch sử dụng đất, trong thời gian từ 2016-2020, được thực hiện theo Nghị quyết 80/NQ-CP của Chính phủ, với sự chỉ đạo của UBND TP.HCM.
“Trong báo cáo đề xuất, UBND TP.HCM giao Sở TN&MT, trong quý IV, tức là từ nay tới tháng 12/2018, phải tập trung đề xuất xử lý luôn 215 dự án này, vì có dấu hiệu chậm triển khai so với yêu cầu”, ông Thắng cho biết.