Hơn một tháng nay, sau cơn sốt đất ở ven Đà Nẵng, đến lượt người Huế chứng kiến cảnh sốt đất chưa từng có ở cố đô.
Đất tăng giá chóng mặt
Không khó để tìm nơi bàn chuyện đất cát Huế vào thời điểm này. Quán cà phê, bàn nhậu, ở đâu cũng nói chuyện đất cát. Người hỏi mua, người xem đất cũng tấp nập hơn hẳn. Trước đây, việc mua đất chủ yếu để ở hoặc đầu tư lâu dài là chủ yếu. Nhưng giờ đây, mua bán đất kiểu lướt sóng đang là câu chuyện nóng sốt của người dân cố đô.
Các khu vực thị xã Hương Trà, thị xã Hương Thủy và thành phố Huế là nơi cảm nhận rõ nhất sự sôi động thị trường >bất động sản, trong những tháng qua. Anh Quang Tuấn, một nhà đầu tư địa phương cho biết, năm 2013, anh mua lô đất 300m2, cách trung tâm thành phố khoảng 2 km, với giá 500 triệu đồng. Anh vừa bán được hồi tháng 10/2018 với giá 1,5 tỷ đồng.
Đến tháng 2/2019, người mua đất của anh đã bán lại một nửa lô giá 1,5 tỷ đồng. Anh Tuấn kể lại và không giấu nổi cảm giác “tiếc đứt ruột” trên khuôn mặt. Nhưng không chỉ có anh, nhiều người bán đất ở Thừa Thiên Huế, đặc biệt thị xã Hương Thủy cũng nóng ruột, khi giá đất lên chóng mặt hơn một tháng nay.
Không ít người hái ra tiền nhờ sốt đất, nhưng người lao động, đặc biệt là lớp thanh niên trẻ chưa có nhà ở, là những người bị ảnh hưởng trực tiếp. Với thu nhập trung bình thừ 5 - 7 triệu/tháng, giấc mơ sở hữu một căn nhà ở Huế ngày càng trở nên xa xỉ.
Chị Lê Dung, đang làm việc tại khu công nghiệp Phú Bài, không giấu được vẻ lo lắng khi nhắc đến việc ở nhà thuê. Hai vợ chồng chị đã có 2 con gái và đều là công nhân. Với mức thu nhập khoảng 10 triệu mỗi tháng, chi tiêu tằn tiện thì mỗi tháng chị còn tiết kiệm được 2 triệu đồng. Với số tiền này không biết bao giờ mới đủ tích lũy để mua được miếng đất.
Thận trọng với sốt ảo
Theo chị Thu Đào, môi giới khu vực Hương Thủy, người bán và người mua ở đây chủ yếu là người địa phương, họ mua bán bằng tiền nhàn rỗi. Với tin tức đất sốt và thay đổi giá theo ngày, nhiều người đã chuyển hình thức tiết kiệm, từ gửi ngân hàng sang mua bất động sản. Vì vậy, mấy tháng nay thu nhập từ việc môi giới của chị tăng kỉ lục, kể từ khi chị vào nghề này.
Cũng theo chị Đào, người đầu tư cũng gửi đất cho nhiều môi giới khác nhau nên việc khách xem đất tấp nập, góp phần sôi động thị trường là điều dễ hiểu. Cứ sau mỗi lần giao dịch, chủ mới tăng giá từ 10 - 30%, cứ thế giá đất liên tục lập mặt bằng mới.
“Ở những thành phố lớn khi Đà Nẵng, Phú Quốc, TP.HCM, giao dịch trên hợp đồng mua bán hay hợp đồng đặt cọc rất phổ biến. Tuy nhiên, ở Huế không có nhiều >dự án bất động sản. Còn đối với >nhà đất riêng lẻ, người Huế rất cẩn thận, họ rất sợ rủi ro về pháp lý trong giao dịch.
Vì vậy đất giao dịch ở thị trường này phần lớn là đất đã hoàn chỉnh pháp lý. Khi giao dịch mua bán, người mua thường yêu cầu xem sổ hồng ngay tại địa chỉ khu đất. Thói quen người Huế mua đất là thế, xem sổ qua điện thoại hay email chưa đủ, nhiều người mua phải xem và kiểm tra sổ hồng trước khi quyết định. Nếu chào bán một nền không có giấy chủ quyền thì dường như không có khách nào mặn mà dù giá có hời và thị trường sốt mấy đi chăng nữa”, chị Đào nói.
Mặc dù đang giữa cơn sốt ở Huế, nhưng những nhà đầu tư ngoại tỉnh khá thận trọng. Anh Tùng Quang (TP.HCM), sau 1 thời gian tìm hiểu thị trường, cho rằng, nhu cầu mua để lướt sóng tăng mạnh, nhưng nhu cầu ở thật thì hầu như không thay đổi nhiều so với trước. Nếu so với dân số hiện tại thì quỹ đất của Huế hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu ở của người dân. Do đó, nhu cầu nhà ở với chuyện tăng giá đất ở Huế đang có sự khập khiễng và thiếu bền vững.
“Thông thường, nguyên nhân tăng giá bất động sản có thể là do thay đổi quy hoạch, có chính sách mới để thúc đẩy kinh tế, hoặc có nhà đầu tư lớn làm đòn bẩy… Tuy nhiên, ở Thừa Thiên Huế, thời gian qua không có nhiều biến động tích cực liên quan đến những yếu tố này. Thực tế, cũng không có nhiều doanh nghiệp bất động sản triển khai dự án ở Huế.
Tỉ lệ người mua theo kiểu lướt sóng tăng nhanh thì cơn sốt ảo sớm hay muộn cũng sẽ hạ nhiệt. Điều này sẽ rất rủi ro nếu nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính để tham gia thị trường” anh Quang cảnh báo.