Nhiều dự án có nguồn gốc đất công đang triển khai, thậm chí đã bàn giao nhà, bị đưa vào diện thu hồi hoặc xem xét lại pháp lý, liên quan đến việc giao đất không qua đấu giá.
Báo VietNamNet có cuộc trao đổi với luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn luật sư TP.HCM, xung quanh đến vấn đề này.
Bất thường việc “tạm nộp tiền sử dụng đất”
- Thời gian qua, nhiều khu đất công, đất có nguồn gốc từ doanh nghiệp có vốn Nhà nước, đưa vào làm dự án, nhưng không thông qua đấu giá. Trong đó, một số dự án đã được “tháo gỡ” bằng việc “tạm nộp tiền sử dụng đất”. Tuy nhiên, điều này kéo theo nhiều bất cập. Quan điểm của ông về việc giải quyết quyền lợi cũng như trách nhiệm các bên liên quan trong trường hợp này như thế nào?
Về góc độ quản lý Nhà nước, việc “tạm nộp tiền sử dụng đất” chỉ xuất hiện ở một số dự án, một số chủ đầu tư. Đây không phải là việc áp dụng bình thường, theo chính sách tháo gỡ cho mọi doanh nghiệp, nên có sự bất thường.
Mặt khác, việc quy định “tạm nộp tiền sử dụng đất” không có trong hệ thống văn bản pháp luật. Do đó, việc Cơ quan Nhà nước áp dụng phải đúng theo quy định pháp luật, trường hợp có vướng mắc thì kiến nghị cấp thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật tháo gỡ chung, bình đẳng cho doanh nghiệp, không vì một vài chủ đầu tư mà xé rào, chạy theo doanh nghiệp.
Với những trường hợp này, do không thực hiện đúng quy định pháp luật, nên hàng loạt các văn bản phê duyệt đều không đúng quy định. Việc xử lý các sai phạm phải mang tính nghiêm minh, để các sai phạm này sẽ không tiếp tục xảy ra, lặp lại để hưởng lợi.
Tuy nhiên, để giải quyết hậu quả thì cần phải căn cứ vào hiện trạng từng dự án, để có hướng xử lý thích hợp. Việc áp dụng máy móc sẽ làm tăng thêm những thiệt hại. Đặc biệt là những thiệt hại cho khách hàng ngay tình tại các dự án.
Hiện không có văn bản pháp luật nào trực tiếp để giải quyết các trường hợp này, do đó phải vận dụng nhiều quy định pháp luật khác và các góc độ khác nhau để giải quyết vấn đề.
Theo quan điểm cá nhân, với vụ việc này tùy theo hiện trạng dự án để có biện pháp phù hợp nhất. Cụ thể, nếu dự án chưa triển khai, thì trường hợp cần thiết có thể thu hồi lại việc giao đất và đưa ra đấu giá, hoàn trả doanh nghiệp các khoản đầu tư, theo các báo cáo tài chính được thẩm định.
Nếu dự án đã thi công cơ bản, đã giao dịch với khách hàng, thông báo đủ điều kiện đưa vào giao dịch của Sở Xây dựng, đã bàn giao đưa vào sử dụng, thì có thể áp dụng đồng thời nhiều phương pháp thẩm định giá trị quyền sử dụng đất. Có thể dựa vào thông tin của dự án (doanh thu, chi phí, giá trị công trình xây dựng) để vận dụng sử dụng trong các phương pháp. Trên cơ sở đó, khắc phục xác định lại tiền sử dụng đất của dự án tránh thất thoát ngân sách. Cần hạn chế thời gian cho việc giải quyết, sự bất ổn và thiệt hại của khách hàng.
Khách hàng cần xem nguồn gốc đất
- Thực tế, TP.HCM đã ra văn bản thu hồi hoặc xem xét lại pháp lý một số dự án. Luật sư có thể cho biết rủi ro đối với khách hàng khi mua nhà ở những dự án này như thế nào?
Với những khách hàng mua tại các dự án này phải chờ việc xử lý của Cơ quan nhà nước. Với dự án chưa triển khai thì nhiều khả năng bị thu hồi đất, dự án đang triển khai thì bị ngưng trệ, vì tạm ngừng thi công, dự án đã bàn giao cho khách đưa vào sử dụng, chưa cấp giấy chứng nhận, thì bị treo việc cấp giấy chứng nhận. Chưa dự kiến được việc giải quyết này sẽ kéo dài bao lâu, với những khách hàng chưa nhận căn hộ có thể xem xét đề nghị chủ đầu tư hủy hợp đồng để thu lại phần vốn của mình nếu thấy cần thiết.
- Theo quan điểm của luật sư, khách hàng làm sao để nhận biết và hạn chế những rủi ro liên quan đến nguồn gốc đất như đã nói ở trên?
Theo quy định Luật Luật Kinh doanh Bất động sản, căn hộ đủ điều kiện đưa ra giao dịch, khi có thông báo của Sở Xây dựng và phải có bảo lãnh của ngân hàng, để đảm bảo các giao dịch đúng quy định pháp luật, phòng tránh những rủi ro thị trường. Ngoài ra, khách hàng cũng thì cần xem kỹ về pháp lý dự án, nguồn gốc quyền sử dụng đất của chủ đầu tư, để phòng tránh các rủi ro, về áp dụng pháp luật có thể liên quan đến dự án và ảnh hưởng đến quyền lợi của mình.
- Xin cảm ơn luật sư!