Vừa mới vào hè, hàng loạt chung cư rơi vào cảnh thiếu nước sạch sinh hoạt, thậm chí mất nước khiến cư dân khốn khổ. Cuộc sống của người dân đảo lộn vì nước khi ở trong những tòa nhà chung cư được “gắn mác” cao cấp.
Chờ nước như thời bao cấp
Mấy hôm nay, hàng trăm cư dân khu chung cư cao cấp các tòa N04B, N03T1… Khu đô thị Ngoại giao đoàn (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) phải xếp hàng lấy nước từ xe bồn trước sảnh. Anh Minh Tuấn, cư dân tòa N03 T1 cho biết, trong thông báo của Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch Cầu Giấy, ở đây mất nước từ ngày 7 đến 8/5 do đấu nối, xúc xả tuyến ống cấp nước Dự án đầu tư mở rộng đường Vành đai 3 đoạn Mai Dịch- cầu Thăng Long. Tuy nhiên, đến nay, qua 2 ngày nhưng hàng trăm cư dân khu đô thị vẫn sống trong cảnh mất nước. “Tòa nhà phải mua 1,5 triệu đồng/1 xe nước cho cư dân tạm sinh hoạt nhưng vẫn không đủ. Không biết tình trạng mất nước này kéo dài đến bao giờ để cuộc sống của chúng tôi trở lại như cũ”, anh Tuấn nói.
Với những gia đình có con nhỏ, mọi việc sinh hoạt còn khó khăn hơn. Chị Nguyễn Hương, một cư dân tại đây cho biết, quần áo, khăn tã không thể giặt tại nhà nên ngày nào cũng phải mang đi giặt dịch vụ. “Người dân phải xếp hàng để lấy nước sinh hoạt vào xô, chậu rồi đem vào thang máy vận chuyển lên căn hộ không khác gì thời bao cấp”, chị Hương nói.
Có nước cũng không dám sử dụng
Một thực trạng đáng buồn khác tại nhiều chung cư ở Hà Nội, dù có nước nhưng người dân không dám sử dụng, do chất lượng kém. Đầu tháng 5 vừa qua, nhiều hộ gia đình tại chung cư CT12 Văn Phú (Hà Đông) phản ánh tình trạng nước sinh hoạt tại khu chung cư không đảm bảo, nước bẩn đục như “nước cống”, lúc màu đen, lúc màu vàng khiến người dân lo lắng, ảnh hưởng đến >sức khỏe.
Chị Nguyễn Hà, sống tại tầng 17 cho biết, tình trạng nước chuyển màu đã xuất hiện vài tháng nay ở chung cư này. “Cứ đến những lúc cần dùng nhiều nước sinh hoạt nhất, mở vòi máy lại thấy ngả màu, chuyển màu đục. Tôi cảm thấy lo lắng cho sức khỏe cả gia đình. Tình trạng này xảy ra rất nhiều lần, đặc biệt là những lúc cần để nấu nướng, tắm giặt khiến không chỉ tôi mà mọi người đều bức xúc”, chị Hà cho biết.
Ngoài việc nước quá bẩn, nhiều hộ gia đình cho biết trong nước đầy con loăng quăng. Theo thông báo của Ban quản trị tòa nhà CT12 Văn Phú- Hà Đông (Hà Nội), Ban quản trị đã tiến hành súc rửa đường ống cho các căn hộ đăng ký để giảm bớt tình trạng nước đục. Người dân cũng đã gửi đơn kiến nghị nhiều lần sang Công ty nước sạch Hà Đông nhưng tình trạng nước ô nhiễm vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
Còn tại chung cư The Vesta (Hà Đông), hàng nghìn cư dân không yên tâm dùng nước sinh hoạt tại đây do nghi ngại nguồn nước không đạt chuẩn. Cư dân cho biết, đầu năm 2018 chủ đầu tư bàn giao căn hộ tại hai tòa V3 và V6, Ban đại diện cư dân đã lấy mẫu nước đi xét nghiệm.
Theo kết quả thử nghiệm của Trung tâm Y tế dự phòng, Sở Y tế Hà Nội, nhiều chỉ số không đạt tiêu chuẩn như chỉ số nitrit là 3,64 (mức cho phép là ≤3), chỉ số pecmanganate là 3,6 (mức cho phép là ≤ 2); đặc biệt, chỉ số amoni trong mẫu nước là 15,51, gấp 5 lần giới hạn cho phép ( ≤ 3). Sau khi cư dân phản ánh, chủ đầu tư và Ban quản lý tòa nhà đã có đơn đề nghị Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông giải quyết tình trạng trên. Đến nay, chất lượng nguồn nước vẫn không đạt tiêu chuẩn.
Từ tháng 9/2018, Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông cam kết thay đổi hệ thống lọc nước. Sau đó, đại diện Công ty này cùng Ban quản lý tòa nhà, Ban đại diện cư dân đã chứng kiến Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) lấy mẫu nước từ nguồn tại đây để xét nghiệm. Kết quả cho thấy chỉ số amoni vẫn ở mức 6,65 (gấp hơn 2 lần giới hạn cho phép là ≤3).
Tình trạng nước không đảm bảo chất lượng cũng diễn ra tại nhiều chung cư ở Hà Nội như: Horizon City- 87 Lĩnh Nam; chung cư Sông Nhuệ (Sails Tower)…
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện nhu cầu sử dụng nước sạch của Thủ đô đến năm 2020 khoảng 1,6 triệu m3/ngày đêm. Vấn đề nước sạch không chỉ nằm ở nguồn nước mà còn ở chất lượng mạng lưới đường ống nước không đạt yêu cầu.