Nhiều người dân sống tại các khu chung cư ở Hà Nội hàng ngày phải đối mặt với 'cuộc chiến' tìm chỗ đỗ xe khi không gian ở các thành phố lớn ngày càng khan hiếm do sức mua ô tô tăng nhanh… ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống người dân và mất mỹ quan đô thị.
Ngày càng quá tải
Ghi nhận thực tế, rất nhiều >chung cư tại Hà Nội được xây dựng với thiết kế diện tích bãi đỗ xe nhỏ hoặc không có, trong khi nhu cầu mua sắm ô tô của cư dân ngày một cao. Thực trạng này đang tạo ra áp lực cho hạ tầng khu vực xung quanh, ảnh hưởng trực tiếp đến bộ mặt đô thị và >đời sống người dân.
Tại khu đô thị Linh Đàm, đa phần các toà nhà cao tầng đều không có >hầm để xe ô tô, một số toà nhà có khu vực khu sử dụng cho mục đích để xe ô tô nhưng luôn trong tình trạng quá tải. Cư dân phải đi tìm chỗ để xe ở các bãi đỗ xe xung quanh, hoặc để xe tràn lan trên vỉa hè, lòng đường khu đô thị này.
Theo anh Lê Quang Hưng (37 tuổi) chia sẻ, anh đã về ở khu đô thị Linh Đàm ở từ năm 2016 và tới nay mới đủ điều kiện để mua một chiếc ô tô nhưng lại chật vật tìm chỗ đỗ xe. “Cả toà nhà hơn 300 căn hộ nhưng khu vực để xe ô tô chỉ có khoảng 120 chỗ. Đối với những người có xe ô tô sau như chúng tôi thì gần như không có cơ hội có chỗ để xe ô tô trong toà nhà. Đáng buồn hơn là đi gửi ở bãi đỗ xe khách trong khu vực cũng nhiều bất tiện và chi phí lại còn cao”, anh Hưng nói.
Không chỉ ở Khu đô thị Linh Đàm, vấn đề thiếu chỗ để xe ô tô cũng xảy ra nhiều khu đô thị địa bàn quận Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hà Đông... Để có chỗ để xe, không ít gia đình đã bỏ tiền để đăng ký chỗ đỗ xe, nhiều gia đình cũng phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng mua lại từ người khác. Tuy nhiên, việc mua, bán chủ yếu là thỏa thuận ngầm giữa hai bên, làm nảy sinh nhiều bất cập.
Anh Trần Văn Hùng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, cách đây ba năm khi chuyển đến chung cư ở, gia đình anh đã phải mua lại chỗ để xe với giá 400 triệu đồng, gần tương đương giá trị chiếc xe anh đang sở hữu. “So mức giá thuê chỗ đỗ từ 1 - 2,5 triệu đồng/tháng ở các điểm trông giữ bên ngoài thì giá mua trên cao hơn nhiều. Tuy vậy, nếu sống ở một chỗ lại gửi xe chỗ khác thì khá bất tiện nên tôi chẳng còn lựa chọn nào khác là phải mua”, anh Hùng nói.
Bùng phát mâu thuẫn
Thực trạng hiện nay, những mâu thuẫn liên quan đến chỗ đỗ xe tại chung cư đã và đang bùng phát ở nhiều dự án. Điển hình, nhiều cư dân tại chung cư Golden Westlake (Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) đã bức xúc khi phải bỏ ra số tiền từ 800 triệu - 1 tỷ đồng để sở hữu 10m2 đỗ xe.
Cách đây không lâu, tại dự án chung cư cao cấp The Golden Palm (đường Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cũng là minh chứng cho tình trạng tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân liên quan đến chỗ đỗ ôtô. Khi bán hàng, chủ đầu tư quảng cáo toà nhà có 3 tầng hầm để xe, mỗi hộ gia đình sẽ có 1 chỗ đỗ xe. Tuy nhiên, trên thực tế, chủ đầu tư đã dành hầm B1 làm chỗ để xe thương mại, hầm B2 và B3 dành cho cư dân nhưng không có chỗ để xe cố định.
Trước đó, hơn 200 hộ dân trên tổng số gần 400 căn hộ hiện đang sinh sống tại chung cư Golden Field Mỹ Đình cũng rất bức xúc cho rằng, chủ đầu tư là Tổng công ty cổ phần MB Land có dấu hiệu gian dối trong quá trình thi công, không làm đúng chỉ đạo trong quyết định chủ trương đầu tư số 1969 ký ngày 22/4/2016 của UBND TP. Hà Nội về việc thi công tầng hầm đỗ xe 1 và 2, dẫn đến thiếu hụt nghiêm trọng chỗ đỗ xe cho cư dân. Hiện nay tầng hầm chỉ có 200 chỗ và thiếu gần 200 chỗ đỗ xe nữa.
Quyết định số 1969, UBND TP. Hà Nội yêu cầu chủ đầu tư thực hiện cam kết về việc sử dụng giải pháp công nghệ đỗ xe tự động tại tầng hầm 1 và 2 để tăng diện tích chỗ đỗ xe tại dự án. Nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn chưa chấp hành… Tuy nhiên, trong hợp đồng mua bán căn hộ, chủ đầu tư đã “biến” toàn bộ diện tích tầng hầm 1, 2 và 3, cùng chỗ để xe trên mặt đất là sở hữu riêng của chủ đầu tư.
Liên quan đến vấn đề chỗ đỗ xe, theo quy định của Bộ Xây dựng từ năm 2013, đối với chung cư nhà ở thương mại, cứ 100m2 diện tích sử dụng của căn hộ, phải bố trí tối thiểu 20m2 chỗ để xe. Đối với nhà ở xã hội, 100m2 diện tích sử dụng của căn hộ, phải bố trí tối thiểu 12m2 chỗ để xe, kể cả đường nội bộ trong nhà để xe. Tuy vậy, với sự phát triển của nền kinh tế, nhiều gia đình tối thiểu có một chiếc ô tô, quy định này của Bộ Xây dựng không thể đủ chỗ đỗ xe cho cư dân.
Còn tại Điểm b, Khoản 1, Điều 101, Luật Nhà ở năm 2014, vấn đề chỗ đỗ xe sẽ do chủ đầu tư và khách hàng thỏa thuận vào hợp đồng mua bán. Nếu trường hợp chủ đầu tư không đủ chỗ cho cư dân thì sẽ tổ chức bốc thăm. Như vậy, theo Luật Nhà ở năm 2014 quy định chung cư không có trách nhiệm bố trí chỗ để xe cho người mua nhà tại chung cư trừ trường hợp có thỏa thuận chỗ để xe theo hợp đồng mua bán nhà với chủ sở hữu chung cư này.
Theo nhiều chuyên gia nhận định, quy chuẩn xây dựng hiện nay tính từ 4 - 6 hộ mới có 1 chỗ để xe ô tô. Nếu làm đúng quy chuẩn này chủ đầu tư không sai nhưng cũng không đáp ứng nhu cầu để xe cho người dân. Thế nhưng, để xây dựng một tầng hầm sẽ tốn kém hơn rất nhiều so với tầng nổi nên phần lớn các chủ đầu tư đều chỉ xây dựng đúng chuẩn tầng nổi.
Để giải quyết vấn đề chỗ đậu xe ô tô trong các chung cư, các cơ quan Nhà nước cần làm tốt vấn đề quy hoạch, tránh quá tải hạ tầng. Đồng thời, Bộ Xây dựng cần sớm có chỉ đạo cụ thể các cơ quan có chức năng xây dựng lại quy chuẩn chỗ đỗ xe, tránh tình trạng "tích tụ" mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và cư dân như thời gian vừa qua.