Chính phủ vừa xin lùi trình dự án sửa đổi Luật Đất đai khiến người mua tiếp tục lo lắng cho số phận của condotel (căn hộ khách sạn). Dù phát triển nhiều năm nay nhưng sản phẩm bất động sản này vẫn chưa có khung pháp lý rõ ràng.
Thị trường condotel xuất hiện cách đây 4 - 5 năm, bùng nổ trong năm 2017, trong đó riêng tỉnh Khánh Hòa tung ra thị trường gần 11.900 condotel, chiếm 52% căn hộ khách sạn của cả nước. Kế đến là Bình Thuận 15%, Đà Nẵng 13%... Theo báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng, thị trường >bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng tại một số địa phương ven biển như Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang) tiếp tục là điểm đến của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, trong nửa đầu năm 2018, phân khúc condotel chững lại do còn thiếu quy định pháp lý liên quan loại hình bất động sản này. Đến thời điểm hiện tại, số phận loại hình bất động sản này vẫn bỏ ngỏ khiến không ít khách hàng đã mua tỏ ra lo lắng vì không biết bao giờ mới có “sổ đỏ”.
Đại diện Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, về bản chất condotel là một loại khách sạn. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, sở hữu với những công trình khách sạn phải theo tính chất sử dụng đất mà bất động sản đứng chân.
Bộ Xây dựng cũng cho hay, đang triển khai nhằm sớm đáp ứng yêu cầu quản lý thực tiễn đối với các loại hình bất động sản nêu trên. Hiện tại, các dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Quy hoạch đô thị, trong đó đã có đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý, kinh doanh các loại hình căn hộ này.
Trong khi cơ quan quản lý ráo riết vào cuộc, ông Thân Thành Vũ - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Bất động sản Du lịch Việt Nam cho rằng, nguồn cung condotel quá nhiều nên gặp khó khi bán. Chủ đầu tư muốn đẩy hàng thì vận động để ra chính sách mới, nâng tầm cho condotel
Bằng cách thay vì người mua chỉ nhận hợp đồng mua bán thì giờ được tách sổ.
“Nguy hiểm ở chỗ, nếu cho tách sổ thì cơ chế sẽ thế nào. Nếu cho các tỉnh làm chuyện đó, tỉnh nào cũng sẽ mạnh ai nấy cấp và chúng ta sẽ có một Vạn Lý Trường Thành dọc bờ biển. Cuối cùng không còn bãi biển nào đúng nghĩa. Rồi hạ tầng có theo kịp không, nước thải xử lý thế nào, hay nó sẽ như Mũi Né, nát bấy hết”, ông Vũ nói.
Theo ông Vũ, không nên tập trung vào chuyện khái niệm này khái niệm kia để cấp sổ mà phải làm quy hoạch: Chỗ nào xây được condotel, chỗ nào không xây được. Khi nào xác định được quy hoạch thì dựa vào đó mà xác định căn cứ pháp lý cho condotel. Hiện nay cứ thiếu chỗ nào đắp chỗ đấy, rất nguy hiểm. Những gì đã xây rồi nên chấp nhận để ở dạng hợp đồng nhưng đưa ra cơ chế chủ đầu tư phải ký quỹ. Việc này sẽ giúp tránh tình trạng chủ đầu tư đã bán condotel cho khách hàng lại đem tòa nhà đó thế chấp ngân hàng, đẩy rủi ro cho khách.
Không hợp thức hóa
Luật sư Trương Anh Tú (Hà Nội) cho rằng, có 20 điểm khác biệt giữa condotel và căn hộ để ở. Bởi đầu tư, kinh doanh condotel là thuộc hoạt động du lịch, không liên quan đến bất động sản nên dưới góc độ kỹ thuật luật pháp, việc sửa Luật Đất đai để thừa nhận condotel là bất khả thi. Dù có sửa luật để công nhận condotel cũng không thể hạn chế những rủi ro do loại hình căn hộ này mang lại. Đối với các condotel, giải pháp tốt nhất là các dự án đã triển khai xây dựng và đưa vào giao dịch trên thị trường thì chủ đầu tư buộc phải thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất dịch vụ sang đất ở.
Theo Luật sư Tú, sau khi hoàn thành nghĩa vụ tài chính cho Nhà nước tương tự như các trường hợp chuyển đổi mục đích sử dụng khác, dự án condotel sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở và khu condotel phải trở thành khu dân cư. Trong trường hợp này, các condotel sẽ không phải là khách sạn nữa, mà trở thành khu dân cư, khu chung cư do đó phải tuân thủ các quy định về quản lý nhà ở. Đối với các dự án được cấp giấy phép nhưng chưa triển khai xây dựng hoặc chưa giao dịch trên thị trường thì cần đưa các căn hộ condotel về đúng bản chất của nó. Tức là phải đưa về loại hình đất kinh doanh dịch vụ du lịch, đồng thời điều chỉnh hợp đồng mua bán căn hộ thành hợp đồng thuê căn hộ. Không nên vì tình thế bắt buộc mà sáng tạo nên những khái niệm mâu thuẫn như “đất ở không hình thành đơn vị ở”.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM cho rằng, lợi nhuận đầu tư, kinh doanh condotel hiện rất cao nhưng lại không đảm bảo tính pháp lý nên quyền lợi người mua yếu, rủi ro rất cao. Chủ đầu tư bán condotel là bán nhà ở hình thành trong tương lai nhưng trên khía cạnh pháp lý, trách nhiệm chủ đầu tư chưa được ràng buộc. Luật Đất đai đã quy định rõ về thời gian giao đất, cho thuê đất đối với các tổ chức để thực hiện các dự án đầu tư không quá 50 năm.
“Dự án du lịch nghỉ dưỡng, căn hộ condotel thuộc đối tượng được sử dụng đất có thời hạn vì không phải là dự án nhà ở. Do vậy, chủ đầu tư cam kết với khách hàng sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ổn định lâu dài đối với condotel là không phù hợp quy định của Luật Đất đai” - ông Châu nói.
Trong khi chờ đợi sửa đổi bổ sung một số điều về Luật Đất đai 2013, theo ông Châu, Bộ Xây dựng phải có biện pháp yêu cầu chủ đầu tư dự án condotel có trách nhiệm công khai đầy đủ thông tin về dự án, về quyền sở hữu condotel và quyền sử dụng đất có thời hạn khi bán condotel cho nhà đầu tư thứ cấp để tránh nhầm lẫn.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, đáng lý ra khi loại hình bất động sản này mới nảy sinh trong xã hội thì luật pháp cần có quy định ngay, nhưng chúng ta đã trì hoãn thành ra bây giờ đi vào tình trạng lúng túng, thị trường đã hình thành nhưng luật thì chưa có.