Trong khi lời hứa có "sổ hồng" chưa thực hiện suốt 5 năm qua với người dân tại toà nhà Westa Hà Đông (Hà Nội), cho đến nay, kết quả kinh doanh của Công ty cổ phần Coma 18 (CIG) ngày một lâm vào nợ nần chồng chất.
Theo phản ánh của cư dân đang sống tại chung cư Westa Hà Đông, dù được nhận bàn giao nhà đã 5 năm và thanh toán đầy đủ tiền mua căn hộ, nhưng đến nay, gần 300 hộ dân tòa nhà Westa Hà Đông vẫn chưa được làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở ( gọi tắt là sổ hồng). Gần đây, cư dân mới biết được, nguyên nhân là do chủ đầu tư đang thế chấp cả toà nhà trong Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank).
“Quyền lợi chúng tôi đang bị xâm hại nghiêm trọng, bởi tài sản của cư dân nhưng chủ đầu tư lại cầm cố tại ngân hàng. Việc căn hộ chưa có sổ hồng đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống cư dân chung cư này. Đơn cử như, vấn đề chuyển nhượng căn hộ, vay thế chấp ngân hàng…”, một cư dân Westa Hà Đông bức xúc.
Bức xúc lên đỉnh điểm, hàng trăm hộ dân chung cư Westa Hà Đông đã treo băng rôn phản đối và yêu cầu chủ đầu tư trả tiền quỹ bảo trì cho dân trong tháng 6 vừa qua. Những cuộc họp đối thoại giữa cư dân, chủ đầu tư có sự chứng kiến của cả chính quyền địa phương đã đi vào bế tắc, vì chủ đầu tư Coma 18 đang rất khó khăn.
Trong khi những khó khăn chưa được giải quyết thì vừa qua, Coma 18 đã công cố báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất Quý II/2019 có kết quả không khả quan. Cụ thể, theo BCTC hợp nhất Quý II/2019, COMA 18 lỗ 2,5 tỷ đồng sau thuế (Quý I/2019 lỗ 81,5 triệu đồng sau thuế). Nguyên nhân là do trong quí II, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của Coma 18 chỉ đạt hơn 338 triệu đồng, trong khi đó giá vốn bán hàng là 860 triệu đồng đã kéo theo lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ xuống con số âm 521 triệu đồng.
Ngoài ra, 6 tháng đầu năm, Coma 18 phải trả hơn 305 triệu đồng tiền lãi vay. Doanh thu thuần thấp cộng với chi phí quản lý doanh nghiệp chiếm tăng đột biến (gần 3 tỷ đồng, gấp 8,5 lần doanh thu) khiến cho hoạt động kinh doanh của CIG không có lợi nhuận (âm 3,8 tỷ đồng). Do đó, trong Quý II này, Coma 18 lỗ 1,5 tỷ đồng trước thuế.
Tính đến hết 30/6/2019, COMA 18 đang gánh khoản nợ hơn 559 tỷ đồng (tăng hơn 8% so với 3 tháng đầu năm 2019); nợ ngắn hạn là 463,8 tỷ đồng, chiếm gần 83%. Trong khi đó, tính đến hết Quý II/2019, tổng tài sản của doanh nghiệp này chỉ đạt hơn 890 tỷ đồng.
Giá trị hàng tồn kho của Coma 18 tính đến hết 6 tháng đầu năm rơi vào gần 369 tỷ đồng (chiếm đa số là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang với 367,6 tỷ đồng), trong đó chi phí sản xuất kinh doanh dở dang tại dự án tòa nhà cao cấp Westa là 330,6 tỷ đồng…
Trước đó, theo báo cáo tài chính tổng hợp, Quý I/2019, Coma 18 lỗ 81,5 triệu đồng sau thuế. Nguyên nhân được Coma 18 lý giải, doanh nghiệp đang tạm thời dừng hoạt động xây lắp, cơ khí và nhà hàng do hoạt động kém hiệu quả. Toàn bộ nhân lực đang tập trung vào dự án khai thác hạ tầng khu công nghiệp. Dự án chưa phát sinh doanh thu nhưng Coma 18 vẫn phải trả lương nhân viên.
Trao đổi với báo chí về những khó khăn của Coma 18 và phản ứng của cư dân Westa Hà Đông, ông Bùi Quang Đông, Chủ tịch Hội đồng quản trị Coma 18 cho biết: “Hiện nay, ban lãnh đạo mới cũng đang nỗ lực và quyết tâm giải quyết tồn tại nhưng vẫn chưa giải quyết được dứt điểm”.
Đại diện lãnh đạo Coma 18 cho biết, doanh nghiệp đang xin tái cấu trúc nợ với Ngân hàng để Ngân hàng giãn tiến độ nợ ra, ví dụ giãn 3 năm, hoặc 5 năm hay 7 năm thì công ty trả dần, trả dần đến giai đoạn nào thì giải chấp dự án đến đó, toàn bộ diện tích đang thế chấp khoảng 2500m2, chủ đầu tư sẽ giải chấp từng phần.
Tuy nhiên, với kết quả hoạt động kinh doanh trong thời gian vừa qua có thể thấy được sự phục hồi của doanh nghiệp Coma 18 này sẽ rất kém và ngân hàng cũng khó thể đồng tình với đề xuất trên. Đồng nghĩa với việc, “hành trình” đòi quyền lợi của cư dân Westa Hà Đông còn nhiều khó khăn.