Trước nhiều thông tin sốt đất nền tại một số vùng ven Hà Nội và Vân Đồn (Quảng Ninh), Phú Quốc (Kiên Giang)..., nhiều chuyên gia bất động sản cho rằng, không có chuyện đầu tư "lướt sóng" ăn ngay và người mua nên cẩn thận với những thông tin sốt đất.
Ông Dương Đức Hiển, Giám đốc Bộ phận Kinh doanh nhà ở Savills Hà Nội phân tích, đầu năm nào cũng có cơn sốt nhẹ tại một số khu vực đất nền đang phát triển. Đây là cú hích nhẹ, ngoài địa bàn được công bố thông tin chính thức, cũng do tác động nhà đầu tư, cò mồi tác động rất nhiều. Họ tìm cách đẩy thị trường và trục lợi trong thời gian ngắn.
Tuy nhiên, ông Hiển khẳng địnhh, tại thời điểm này, không có câu chuyện nào, sản phẩm nào của >bất động sản có thể đầu tư lướt sóng. Sản phẩm bất động sản phải nhìn đầu tư trung hạn và dài hạn. Đây là vấn đề thực trạng mà nhiều người nhầm lẫn.
“Với đất nền, nó là sản phẩm đầu tư dài hạn vì đất nền không quy định xây. Nên có người đầu tư mua rồi 20 năm sau mới quay lại xây cho con cháu. Câu chuyện đầu tư mua nhà lướt sóng xảy ra cách đây 10- 15 năm trước. Đó là giai đoạn đầu tiên của bất động sản nhưng ngày nay, thị trường bất động sản phát triển nhanh, thị trường hình thành nhanh và giá hầu như đều có khung giá chuẩn, nó chỉ xẩy ra đẩy lên giá cao khi nguồn cung khan hiếm và lượng cầu quá cao”, ông Hiển nói.
Ông Hiển cho rằng, ở huyện Đông Anh (Hà Nội), trên con đường chính, nó chỉ có ngần đó đất, người đầu tư mua được thì mua rồi, người đang có nhu cầu muốn mua đến đó mua nhưng không ai bán. Vậy chắc chắn người bán sẽ đưa ra bước quá không liên quan gì đến bước giá người ta đã mua. Đấy là câu chuyện 'nói thách'. Đưa giá thách như vậy nhưng nếu có một người vì một lý do hợp lý với hoàn cảnh điều kiện người ta mua thì với bất động sản, trên một con phố được bán với mức giá thì coi là mức giá được niêm yết trên dọc con đường đấy.
“Tôi khuyên các nhà đầu tư nên tìm hiểu kỹ, giá người ta chào trên mạng chỉ là giá chào thôi, giá giao dịch thực tế bao nhiêu chúng ta cần phải biết. Nếu tôi là người đầu tư, tôi phải gặp 10 ông chủ nhà, giao dịch gần nhất là bao nhiêu. Có nhiều người chào giá 50 triệu nhưng giao dịch thực tế 35 triệu. Mọi người nên xuống, dành thời gian đi khảo sát thị trường. Nhà đầu tư trước khi mua gì họ phải mất 2 tuần, gặp vài môi giới, xác định giá khu đó đúng hay không, tránh những cái đầu tư sai lệch. Bất động sản không phải là kênh đầu tư ngắn hạn”, ông Hiền đưa ra lời khuyên.
Còn ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng thông tin chuyển từ huyện lên quận sẽ kích thích các nhà đầu tư, tạo ra tâm lý thích đầu tư để hưởng lợi. Tuy nhiên, việc tạo ra một danh xưng mới không giúp "quạ biến thành công" nếu đó chỉ là một cái danh xưng không thực chất.
Ông dẫn chứng: "Những năm qua, huyện Hoài Đức hứa hẹn sẽ xây dựng đô thị phát triển, văn minh, nhưng khi dự án đổ về lại không có hạ tầng kết nối, không có hạ tầng xã hội, nhà xây lên không có người về ở. Đây là nguyên nhân khiến giá trị đô thị bị giảm dần theo giá trị đầu tư và khiến việc mua bán bất động sản bị chững lại".
Bên cạnh đó ông Đính cũng cảnh báo các nhà đầu tư cẩn trọng với các hệ luỵ nhãn tiền, như các đợt sốt đất đã xảy ra trước đây. Mức giá bất động sản đón đầu quy hoạch thường không đảm bảo tính chắc chắn. Người mua, nhà đầu tư cần xem xét kỹ quy hoạch hạ tầng, chú trọng tính pháp lý, quy hoạch phát triển toàn vùng trước khi mua, bán.
Ông Đính nêu ví dụ, như ở Đông Anh, hay Vân Đồn, Phú Quốc chính vì chạy theo những tin đồn kiểu như lên quận, thành đặc khu mà giá trị bất động sản tại các địa phương này đã bị thổi lên, bị đẩy giá làm phá vỡ hệ thống quy hoạch, làm méo mó, hỗn loạn thị trườn, không mang lợi lại ích gì cho cả địa phương, xã hội và thị trường.
Trước đó, báo Tiền Phong đã từng phản ánh nhiều "cò" đất đã dựng ngược các cơn sốt đất nền tại các huyện chuẩn bị lên quận như: Đông Anh, Hoài Đức, Gia Lâm, Thanh Trì tăng mạnh đến 30-50%.
Theo môi giới, giá đất tại Đông Anh đắt ngang với mức giá một số quận trong nội thành. Giá đất tại nhiều con ngõ rộng tầm 3m dọc trục đường Võ Nguyên Giáp, đoạn thuộc xã Vĩnh Ngọc lên đến 60 triệu đồng/m2, một số ngõ nhỏ hơn, giá cũng có thể lên đến 30- 40 triệu đồng/m2.
Tuy nhiên, ông Trần Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ngọc, Đông Anh, Hà Nội cho biết, giá đất tại Đông Anh có tăng, nhưng các giao dịch chủ yếu là do môi giới mua đi bán lại là chính.
Còn tại Vân Đồn (Quảng Ninh) các "cò" đua nhau thổi giá đất khi nơi đây mới được cho giao dịch trở lại từ đầu năm. Tuy nhiên, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Châu Thành Hưng, Phó Chủ tịch huyện Vân Đồn cho rằng, từ đầu năm đến nay sau khi chính quyền cho giao dịch trở lại các giao dịch về bất động sản trên địa bàn, giá đất tăng nhẹ chứ không “sốt” như thông tin đưa.