Chuyên gia Hàn Quốc cho rằng, Việt Nam cần áp dụng một hệ thống tài chính nhà ở bền vững vì nhu cầu này đang gia tăng. Ngoài ra, để cung cấp một lượng lớn nhà ở xã hội cần phải sử dụng cả nguồn tài chính tư nhân và nước ngoài.
Bộ Xây dựng và các chuyên gia cùng mổ xẻ những vấn đề còn bất cấp trong việc phát triển >nhà ở xã hội hiện nay tại nhiều đô thị lớn tại Việt Nam để cùng tìm ra giải pháp phát triển (tại Hội thảo Dự án “Xây dựng chính sách tổng thể nhà ở xã hội tại Việt Nam giai đoạn 2021-2030" diễn ra ngày 21/2 do Bộ Xây dựng phối hợp cùng Viện Đất đai và Nhà ở Hàn Quốc (LHI Consortium) tổ chức).
Ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, Việt Nam có tốc độ đô thị hoá nhanh, sức ép nhà ở tăng cao, nhà ở sẽ trở nên đắt đỏ. Số lượng người nghèo tăng lên, phát sinh những ngôi nhà tạm bợ. Do đó, đối với hộ gia đinh nghèo, không có khả năng tài chính, nhà nước cần có cơ chế chính sách phát triển nhà ở với giá cả phù hợp.
Theo ông Sinh, hạn chế trong phát triển nhà ở xã hội hiện nay là do nguồn vốn đầu tư phát triển nhà ở xã hội còn hạn chế; chính quyền địa phương còn chưa quan tâm đúng mức cho phát triển nhà ở, chưa bố trí đủ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội.
“Các doanh nghiệp kinh doanh >bất động sản chưa mặn mà đầu tư phát triển nhà ở xã hội. Người dân còn có tâm lý coi trọng sở hữu nhà hơn là thuê mua nhà ở xã hội” - Thứ trưởng Sinh nói.
Góp ý tại hội thảo, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, việc triển khai gói 30.000 tỷ đồng thời gian trước đây cho thấy gói kích thích, hỗ trợ này rất hiệu quả. Gói này tham gia vào thị trường đã thu hút được nguồn vốn lớn trong xã hội. Có tác dụng lan truyền từ phân khúc nhà ở xã hội sang các phân khúc khác của thị trường.
Theo ông Nguyễn Trần Nam, trước tiên cần nhanh chóng triển khai cơ chế bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại cổ phần cho cả chủ đầu tư và khách hàng vay mua nhà. Như vậy, với 1 tỷ đồng bù lãi suất có thể huy động được thêm 33,3 tỷ đồng (dự tính mức bù lãi suất là 3%/năm) từ nguồn vốn ngoài ngân sách. Điều này sẽ huy động được một nguồn vốn lớn ngoài ngân sách cho phát triển các dự án nhà ở xã hội.
Chuyên gia đến từ Hàn Quốc chia sẻ, từ những năm 1970, Chính phủ Hàn Quốc đã xây dựng hệ thống nhà ở xã hội bằng cách đầu tư vốn vào Công ty Nhà ở; đồng thời thiết lập cách thức tổ chức hiệu quả về phát triển nhà ở diện tích nhỏ để điều tiết cho các gia đình có thu nhập thấp.
Bên cạnh đó, Chính phủ Hàn Quốc cam kết sẽ bình ổn thị trường nhà ở cho người thu nhập thấp bằng cách tăng cường nguồn cung nhà, siết chặt hoạt động đầu cơ bất động sản... Nhờ các biện pháp này, hiện nay đa số người dân Hàn Quốc đã có cơ hội được sở hữu nhà ở với mức giá phải chăng.
Theo Tiến sỹ Moon Hyogon - Giám đốc dự án PMC xây dựng chính sách tổng thể nhà ở xã hội Việt Nam, đối tượng hưởng lợi chính sách là các hộ gia đình thu nhập thấp ở thành thị và công nhân lao động khu công nghiệp. Mục tiêu của đề án là xây dựng chiến lược nhà ở xã hội trong chiến lược nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030 và sửa đổi Luật Nhà ở để thực hiện chiến lược.
Dự án sẽ phân tích rõ các điều kiện phát triển nhà ở xã hội tại Việt Nam về nhu cầu nhà ở trong quá trình đô thị hóa; chính sách pháp luật, thể chế của Việt Nam trong phát triển nhà ở của Việt Nam hiện nay.
Tiến sỹ Moon Hyogon cho rằng, Việt Nam cần áp dụng một hệ thống tài chính nhà ở bền vững vì nhu cầu này đang gia tăng. Ngoài ra, để cung cấp một lượng nhà ở xã hội lớn cần phải sử dụng cả nguồn tài chính tư nhân và vốn nước ngoài.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tính đến hết năm 2018 đã hoàn thành 198 dự án nhà ở xã hội với quy mô xây dựng hơn 81.700 căn, tương đương khoảng 4.085.000 m2. Hiện đang tiếp tục triển khai 226 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 182.200 căn, tương đương khoảng 9.110.000m2.