Theo các chuyên gia, phân khúc chung cư cao cấp và condotel trong năm 2019 sẽ thanh khoản tốt trong năm 2019.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho biết, năm 2019 chỉ có hai vấn đề nguy cơ, nhưng hai nguy cơ này cũng có thể biến thành cơ hội.
Thứ nhất, tín dụng năm 2019 trong ngắn hạn có ảnh hưởng do sự “rà phanh” của Ngân hàng Nhà nước. Nhưng bên cạnh đó có điểm tốt là thanh lọc doanh nghiệp >bất động sản yếu kém, “sống” chủ yếu dựa vào nguồn vốn từ ngân hàng. Các doanh nghiệp lớn trên cơ sở tiềm lực sẵn có sẽ tiếp tục phát triển.
Thứ hai, vốn FDI vào Việt Nam tăng mạnh, đặc biệt là thừa hưởng dịch chuyển dòng vốn của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, trong đó tỷ trọng đầu tư BĐS lớn.
Năm 2019, dự báo phân khúc căn hộ chung cư là chủ đạo của thị trường. Tuy nhiên cả ba dòng phân khúc: cao cấp, siêu cao cấp – trung cấp – giá rẻ đều phát triển đồng bộ.
Nếu như trước đây, phân khúc cao cấp – siêu cao cấp khó thanh khoản nhất thì nay – khi FDI tăng, lượng khách hàng có thu nhập tốt trong nước và số lượng người nước ngoài có nhu cầu mua nhà ở Việt Nam cũng sẽ tăng, khiến thị trường này dự báo sẽ chuyển động tích cực.
Phân khúc nhà ở bình dân trước nay đều tập trung khai thác các vị trí thuế đất rẻ có nhược điểm xa trung tâm nên kết nối hạ tầng giao thông yếu, hệ thống hạ tầng đô thị chưa đáp ứng nhu cầu >đời sống mới.
Như vậy, phân khúc bình dân cần đẩy mạnh các điều kiện về hạ tầng hơn nữa để tăng tính hấp dẫn.
Còn theo GS. Đặng Hùng Võ, phát triển nhà ở thương mại giá rẻ mới là giải pháp hiệu quả nhất để giải quyết nhu cầu nhà ở của đại đa số người dân. Mặt khác, chúng ta cần tìm mọi cách động viên nhiều nguồn lực, chứ không nên nhìn vào sự trợ giúp của Nhà nước.
Nếu Nhà nước tập trung xây dựng cơ chế miễn, giảm một số loại thuế liên quan đến kinh doanh bất động sản như thuế VAT, thuế thu nhập DN đối với loại hình nhà ở này, giá thành chắc chắn sẽ còn giảm sâu.
Bên cạnh đó, cần hình thành các quỹ phát triển nhà ở giá rẻ và động viên sự đóng góp của doanh nghiệp, các ngân hàng thương mại, của các tổ chức xã hội và của các cá nhân.
Luật Đất đai năm 2013 cần được sửa đổi để đảm bảo cho các tổ chức kinh tế có quyền sử dụng đất ở lâu dài để giải quyết nhà ở cho người lao động.
Đặc biệt, cần tiếp tục đàm phán vay ODA để tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi cho phát triển nhà ở thương mại giá rẻ. Đồng thời kêu gọi, động viên nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vào thị trường này.
Trong khi đó, bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc Nghiên cứu, tư vấn, định giá và quản lý tài sản CBRE lại cho rằng, năm 2019, condotel sẽ "hot" trở lại.
Năm 2018, phân khúc condotel tăng trưởng chậm lại so với năm 2016 và 2017, nhưng vẫn tăng trưởng trên 20%, mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực châu Á.
Việc Quốc hội hoãn thông qua Luật Đặc khu ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư. Do đó, ngay trước thềm năm mới 2019, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng bước vào giai đoạn phân hóa rõ rệt.
"Vấn đề quan trọng nhất vẫn là tính pháp lý của bất động sản nghỉ dưỡng, thiếu các quy định rõ ràng. Trong năm qua, đã có nhiều hội thảo của các cơ quan góp ý để condotel phát triển bền vững hơn. Tính pháp lý về sở hữu đề ra có thể 50 năm, có thể vĩnh viễn… Tuy nhiên, mọi vấn đề đến nay vẫn đang bỏ ngỏ", bà An phân tích.