Do không thành lập được ban quản trị, nhiều chủ đầu tư (CĐT) đã bỏ mặc quyền lợi của cư dân khi xảy ra những vụ việc thiệt hại đến tài sản người dân.
Được sinh sống nhưng mất quyền lợi
Phản ánh với PV báo Tiền Phong, chị Nguyễn Thị Thanh Huyền, cho biết, ngày 17/1/2019, chiếc xe Mercedes GLC 300 BKS 177.xx của chị đỗ tại hầm B2 của tòa nhà Sun Square (21 Lê Đức Thọ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) thì bị một chiếc xe tải mất lái trôi dốc đâm phải. Vụ va chạm khiến chiếc xe Mercedes hư hỏng phần đầu. Theo thống kê của Mercedes An Du, tổng chi phí sửa chữa hơn 200 triệu đồng.
Chị Huyền cho biết, đã gửi công văn yêu cầu bồi thường tới CĐT tòa nhà là Công ty Đô thị Thăng Long (Thăng Long UDIC) và Ban quản lý tòa nhà, tuy nhiên CĐT tỏ ra không hợp tác và không có ý định bồi thường cho chị. “Tôi có vé gửi xe năm tại tòa nhà, nhưng khi xảy ra sự vụ thì không ai chịu trách nhiệm”, chị Huyền nói.
Ông Hoàng Xuân Thuyên, đại diện ban liên lạc cư dân Sun Square cho biết, sự việc xe của chị Huyền chỉ là “giọt nước tràn ly” trong mâu thuẫn giữa cư dân và CĐT tòa nhà. Bởi nhiều vấn đề phát sinh từ việc CĐT quảng cáo một đằng, xây dựng một nẻo. Cụ thể, khi quảng cáo, tòa nhà có các tiện ích như sân tennis, khu vui chơi cho trẻ em, bể bơi trên sân thượng… thế nhưng tất cả chỉ là quảng cáo. CĐT cũng tự ý đưa ra mức phí dịch vụ quá cao so với tiện ích cư dân được hưởng, tự ý soạn hợp đồng gửi xe nội dung không phù hợp… Đến khi vụ bồi thường xe xảy ra, một lần nữa CĐT lại “phủi tay” không hợp tác để giải quyết.
“Tất cả đều do CĐT cố tình “chây ì” thành lập ban quản trị để bàn giao lại quỹ bảo trì cho cư dân, khi thì hứa cuối năm 2018, vừa rồi lại đề nghị lùi đến quý II/2019 mà không rõ lý do”, ông Thuyên nói.
Khu chung cư cao cấp Hapulico (số 1 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội), được đưa vào khai thác, sử dụng từ năm 2012 nhưng 4 năm sau đó CĐT vẫn không tổ chức hội nghị nhà chung cư mặc dù người dân nhiều lần kiến nghị.
Tuy nhiên, sau khi thành lập được ban quản trị, cư dân tiếp tục lên tiếng “tố” ban quản trị này không công khai minh bạch về hoạt động thu chi tài chính và cung cấp dịch vụ tại tòa nhà. Trong đó, Trưởng ban quản trị cụm chung cư là nhân viên của CĐT. Một cư dân ở tòa 17T4 cho rằng CĐT đã áp dụng nhiều “chiêu trò” để tự cơ cấu nhân sự ban quản trị cụm tòa nhà như: tổ chức lịch họp vào ngày cư dân bận đi làm, bố trí phòng họp không đủ cho lượng người, không phát tài liệu tham khảo, chỉ lấy ý kiến bằng văn bản thay vì tổ chức họp theo luật định...
Hơn 50% chung cư ở Hà Nội chây ì bàn giao quỹ bảo trì
Những tranh chấp tại chung cư Sun Square, Hapulico… là điển hình cho việc buông lỏng quản lý các chung cư hiện nay. Theo báo cáo của Sở Xây dựng thành phố Hà Nội, tính đến tháng 2/2019, trên địa bàn thành phố có 745 chung cư thương mại được đưa vào sử dụng. Trong đó, mới bàn giao kinh phí bảo trì 238/492 chung cư.
Lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trong quý II, quý III/2019, Sở sẽ tiến hành kiểm tra các chung cư ở các quận, huyện trên địa bàn thành phố. Trong đó tập trung kiểm tra vào công tác quản lý nhà nước về vận hành, sử dụng nhà chung cư. Trước đó, trong năm 2018, Sở Xây dựng cũng đã tham mưu thành phố ra quyết định cưỡng chế kinh phí bảo trì 2% đối với một số CĐT và công khai trên các phương tiện đại chúng gần 20 CĐT chây ỳ bàn giao kinh phí bảo trì cho ban quản trị.