Chẳng có mấy người tuổi mới 24 và còn đang học đại học mà đã sống trong một căn hộ trị giá đến 1,2 triệu đôla Singapore (khoảng 20 tỉ đồng), nhất là ở đảo quốc sư tử, nơi giá nhà lúc nào cũng thuộc dạng cao nhất thế giới.

10:50 04/08/2019

Shawn là một trong những cậu ấm may mắn đó, căn hộ ở khu trung tâm Bukit Timah nhiều cây cối của cậu hoàn toàn do mẹ cậu chi trả. Nhưng các trường hợp như cậu sẽ sớm trở nên phổ biến, khi các ông bố bà mẹ cho con cái đứng tên địa ốc để đối phó với chính sách đánh thuế nhà của Chính phủ. 

Giá nhà ở Singapore luôn thuộc dạng cao nhất thế giới. Ảnh: Bloomberg

Xu hướng này bắt đầu xuất hiện từ khi các biện pháp hạ nhiệt thị trường >bất động sản của Chính phủ Singapore có hiệu lực vào tháng 7/2018. Theo đó, khi mua ngôi nhà thứ hai người dân phải chịu mức thuế 12%, còn ngôi nhà thứ ba và tiếp theo bị đánh thuế 15%.

“Theo quan sát của chúng tôi, ngày càng có nhiều người mua trẻ tuổi gia nhập thị trường”, Christine Sun của OrangeTee & Tie Pte., một công ty bất động sản ở Singapore cho biết số người chỉ sở hữu một ngôi nhà vẫn chiếm số đông nhưng quan điểm của người Singapore vẫn coi bất động sản là “của để dành”.

Giá nhà cũng vì thế mà tăng lên, đặc biệt ở phân khúc căn hộ hạng sang. Các ông bố bà mẹ đang đổ xô đi săn nhà, cho con cái đứng tên để có thể sở hữu thêm bất động sản, bất kể chúng có thích hay có nhu cầu không.

Nếu con cái chưa đủ tuổi sở hữu bất động sản, theo luật là 21 tuổi, họ sẽ lách luật bằng cách mở một tài khoản ủy khác đứng tên con, cho phép bố mẹ quản lý bất động sản cho chúng.

Nhưng cách này tốn chi phí rất cao, do đó chỉ những gia đình vô cùng giàu có mới áp dụng được.

Với những người như Shawn, cậu đề nghị được giấu họ vì tính chất nhạy cảm của việc mua bán nhà này, việc sở hữu một căn hộ hạng sang bây giờ có khi lại gây khó cho cậu sau này.

Trừ phi cậu bán căn hộ mà bố mẹ mua cho, mọi bất động sản mà cậu mua sau này đều là sẽ thứ hai và sẽ phải đóng thuế như trên.

“Ở tuổi tôi mà đã có nhà riêng thực sự là chuyện hiếm ở Singapore, nên tôi rất coi trọng việc này”, cậu tâm sự khi đang ngồi trong phòng khách trưng bày nhiều đồ gốm của Thụy Điển, Nhật và Thái.

“Đó là một đặc quyền và là điều mà tôi biết rất nhiều người không bao giờ có được”.

Theo Đại An/Vietnamnet