Mặc cho cơ quan chức năng xử phạt các chủ đầu tư chung cư vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy (PCCC) và bêu tên trên báo nhưng nhiều công trình vẫn vi phạm. Thậm chí, nhiều lỗi về PCCC không khắc phục, khiến xung đột giữa cư dân và chủ đầu tư ngày càng gay gắt.
Quận Thanh Xuân 30 công trình vi phạm PCCC
Hà Nội vừa công khai danh sách 74 cơ sở không đảm bảo các điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố. Trong số đó, 21 tòa chung cư không đủ điều kiện về PCCC. Riêng quận Thanh Xuân đứng đầu danh sách các quận, huyện có cơ sở, công trình vi phạm quy định PCCC: 30 cơ sở.
Từ ngày 22/2/2019 đến ngày 28/2/2019, lực lượng chức năng Công an thành phố Hà Nội tổ chức kiểm tra 1.545 cơ sở về PCCC, phát hiện 74 cơ sở không đảm bảo các điều kiện an toàn về PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Quận Thanh Xuân đứng đầu với 30 công trình, quận Đống Đa có 12 công trình vi phạm quy định PCCC…
Danh sách này cho thấy, có nhiều công trình chung cư, nhà cao tầng tồn tại vi phạm quy định về PCCC gây mất an toàn cho cư dân. Cụ thể, trên địa bàn quận Đống Đa có: Chung cư HH1 - HH2, ngõ 102 Trường Chinh do Cty Cổ phần cơ điện xây dựng Việt Nam làm chủ đầu tư; Công trình nhà ở kết hợp dịch vụ ở 75 Phương Mai của Công ty TNHH Bảo Long.
Còn quận Thanh Xuân có những công trình vi phạm về PCCC như: Tòa nhà 24 T3, số 6 Lê Văn Thiêm của Cty CP phát triển Thanh Xuân; Tòa nhà Zen Tower, ngõ 1 Khuất Duy Tiến Cty Cổ phần Đầu tư phát triển số 8 làm chủ đầu tư; Các tòa nhà 17 T1-T2, 17 T3-T4, tòa nhà 21 T1-T1, và 24 T1-T2 thuộc khu Hapulico; Trung tâm thương mại của Công ty >bất động sản Hapulico (số 1 Nguyễn Huy Tưởng)...
Ngoài ra, hàng loạt chung cư mini, trường học, trung tâm thương mại... cũng bị bêu tên vi phạm về PCCC. Cơ quan chức năng đã phát hiện 4 cửa hàng xăng dầu, 7 trường mầm non, 4 chung cư mini, 4 chợ, trung tâm thương mại mất an toàn về PCCC… Trước đó, trong năm 2018, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ Hà Nội cũng công khai danh sách 91 cơ sở, công trình nhà cao tầng vi phạm các quy định về PCCC.
Mới đây, tại Hội thảo “Công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư”, do Bộ Xây dựng tổ chức, đại diện Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an) cho biết, tất cả chung cư khi xây dựng đều phải trải qua các bước thẩm duyệt về thiết kế PCCC. Khi được phê duyệt theo quy chuẩn của Bộ Xây dựng, chủ đầu tư phải thực hiện đúng theo bản vẽ và đúng những gì được duyệt.
“Quá trình xây dựng nếu chủ đầu tư làm sai, thanh tra xây dựng sẽ kiểm tra và lập biên bản tạm đình chỉ. Những bước này, cảnh sát PCCC không có thẩm quyền can thiệp”, vị này nhấn mạnh.
Sau khi tòa nhà khánh thành, chủ đầu tư tự nghiệm thu và lập hồ sơ báo cáo, mời các đơn vị phòng cháy đến kiểm tra, kiểm duyệt.
Tuy nhiên, theo vị này, thực tế nhiều chủ đầu tư cố tình cho người dân vào ở trước khi cảnh sát phòng cháy chữa cháy kiểm tra, để cơ quan chức năng khó đình chỉ hoạt động của tòa nhà. Nhiều chủ đầu tư đã bị xử phạt vì cho cư dân vào ở, trong khi thiết bị phòng cháy chữa cháy chưa đầy đủ, không đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, số tiền phạt hiện nay còn thấp, không đủ răn đe. Bên cạnh đó, nhiều chung cư mini, cơ quan chức năng không biết ai là chủ để phạt...
Bùng nổ tranh chấp về PCCC
Ông Lý Bá Sơn, Trưởng Ban đại diện tòa nhà HH1C Linh Đàm (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho rằng, duy trì công tác PCCC liên quan có cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị vận hành, chủ đầu tư và người dân.
Theo ông Sơn, gần đây, mâu thuẫn giữa cư dân và chủ đầu tư và số cuộc tranh chấp ngày càng nhiều. Nguyên nhân của mâu thuẫn chủ yếu là chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết với khách hàng về tiến độ dự án, chất lượng xây dựng và nhiều vấn đề phát sinh trong quá trình vận hành toà nhà, việc bàn giao phí bảo trì, thành lập ban quản trị, phí dịch vụ và PCCC.
Ông Nguyễn Thành Trung, chuyên gia quản lý vận hành toà nhà CBRE Hà Nội cho rằng, duy trì hoạt động PCCC không nên đợi đến lúc “mất bò mới lo làm chuồng”. Hiệu quả của hoạt động PCCC không cao do trong quá trình thực hiện có vấn đề của các đơn vị liên quan như cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị vận hành, chủ đầu tư và người dân.
Theo ông Trung, mỗi nhân viên quản lý tòa nhà phải hiểu biết về hệ thống thiết kế, nội quy quy định của tòa nhà, hiểu sâu được những quy định trong công tác PCCC tại tòa nhà. Như thế sẽ ngăn ngừa được rủi ro có thể xảy ra trong tòa nhà.
Cuối năm 2018, Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ thị yêu cầu tăng cường PCCC tại khu dân cư. Chỉ thị nêu rõ: UBND tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về PCCC đối với khu dân cư, cơ sở thuộc phạm vi, thẩm quyền quản lý. Khi xảy ra cháy, nổ tại khu dân cư phải tập trung các lực lượng tổ chức chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ kịp thời, nhanh chóng khắc phục hậu quả do cháy, nổ gây ra. Chỉ đạo tổng rà soát, đánh giá, phân loại địa bàn trọng điểm, khu dân cư có nguy cơ cháy nổ cao để quản lý.