Theo các chuyên gia, bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng còn nhiều tiềm năng phát triển. Thời gian tới, nhà đầu tư sẽ hướng đến Quy Nhơn, Tuy Hòa, Phú Yên hay Phan Rang, Phan Thiết… các thị trường quen thuộc như Đà Nẵng, Nha Trang sẽ bão hòa.
Tiềm năng phát triển BĐS nghỉ dưỡng còn lớn
Thông tin tại hội thảo "Xu hướng mới và cơ hội đầu tư >bất động sản nghỉ dưỡng nửa cuối 2019", ông Nguyễn Mạnh Khởi – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho hay, BĐS nghỉ dưỡng condotel và các khu du lịch nghỉ dưỡng là 2 xu hướng đầu tư trong những năm gần đây, nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Cũng theo ông Khởi, thống kê chưa đầy đủ cho thấy, trong năm 2018 có hơn 8.000 căn hộ condotel đủ điều kiện mở bán tại khoảng 12 địa phương, chủ yếu là các địa phương có cơ hội đầu tư du lịch nhiều như là Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang, Phan Thiết, Quảng Ninh, đặc biệt là Quảng Ninh chiếm đến 19%, Đà Nẵng 14%, Khánh Hòa hơn 26%.
Hơn 7.800 căn hộ được giao dịch trong năm 2018, tỉ lệ hấp thụ hơn 92%, điều này chứng tỏ năm 2018 lĩnh vực BĐS nghỉ dưỡng được sự quan tâm rất nhiều. Chỉ tính riêng trong quý 1/2019, số lượng condotel mở bán ở các thị trường phía Nam nhiều hơn phía Bắc, các tỉnh phía Nam đặc biệt là từ Đà Nẵng đổ vào lượng giao dịch nhiều hơn.
Cho rằng tiềm năng phát triển BĐS du lịch những tháng còn lại của năm 2019 còn rất lớn, ông Khởi chỉ ra hàng loạt thuận lợi trong phát triển BĐS du lịch của những tháng còn lại trong năm 2019 với một số lý do như: Nhu cầu du lịch nghỉ dưỡng ngày càng tăng; thứ 2 là Việt Nam đang bắt đầu một số loại hình du lịch mới như nghĩ dưỡng tham quan, du lịch chữa bệnh, du lịch >tâm linh, du lịch mua sắm…
Thứ 3 là cơ sở pháp lý của các loại hình BĐS du lịch đã rõ ràng hơn so với trước, chỉ có vấn đề các quy định của condotel chưa đầy đủ chứ không phải không rõ ràng. Ông Khởi khẳng định, condotel là căn hộ du lịch chứ không phải là nhà ở.
Thứ 4, hiện nay nhiều địa phương đang tổ chức mời gọi đầu tư, tổ chức các hội nghị mời đầu tư vào BĐS du lịch rất nhiều.
Cùng với đó, chính sách của nhà nước coi phát triển du lịch là ngành mũi nhọn - một trong những chính sách luôn được Chính phủ đặc biệt quan tâm với mục tiêu không chỉ nâng cao số lượng và cả chất lượng cũng phải được nâng lên.
Dù có nhiều tiềm năng, song theo ông Khởi, thị trường hiện nay cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, đó là một số cơ sở pháp lý Thủ tướng giao sửa như Luật Đất đai, trong đó có việc cấp giấy chứng nhận. Hiện nay, các đơn vị mới đang nghiên cứu sửa Luật Đất đai thì phải năm 2020 mới hoàn thành; nguồn vốn đầu tư, tín dụng bị hạn chế…
Tuy nhiên, PGS-TS. Trần Đình Thiên - Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng dự báo, năm nay du lịch sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt điều này sẽ tác động tích cực lên thị trường BĐS du lịch.
“Thi trường BĐS Việt Nam tại các đô thị lớn và các thị trường nghỉ dưỡng sẽ trở thành nơi nhận được nhiều sự quan tâm. Đặc biệt, thời gian gần đây khi các nhà đầu tư Nhật Bản đang chuyển từ công nghiệp sang mạnh hơn ở BĐS du lịch. Do đó, tiềm năng của Việt Nam trong thời gian tới vẫn nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế. Chúng ta có cơ sở để lạc quan nhưng cần phải thận trọng”, ông Thiên lưu ý.
Khu vực nào sẽ thành điểm “nóng” của BĐS nghỉ dưỡng?
Từ góc độ quản lý, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường BĐS cho hay, Việt Nam có 4 loại hình du lịch biển – sông – núi – đồng, mỗi loại hình có một lợi thế riêng nhưng nhìn chung 4 loại đều phát triển nếu hạ tầng phát triển.
“Tuy nhiên ngắn hạn thì BĐS biển vẫn là điểm đáng lưu tâm, tiềm năng thì các tỉnh mới có nhiều tiềm năng, đặc biệt từ Đà Nẵng trở vào. Các tỉnh này đang có quỹ đất và đang tiến hành kêu gọi đầu tư, như Bình Định, Phú Yên... đều có sân bay”, ông Khởi nhận định.
GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lại cho rằng, khu vực nào trở thành điểm nóng phụ thuộc vào việc chúng ta sửa luật.
“Nếu Luật Đất đai sửa loại hình này chỉ 50 năm thì thị trường sẽ chững lại ngay. Về khu vực, chúng ta quen thuộc với những điểm “nóng” của thị trường như Đà Nẵng, Nha Trang, nhưng các thị trường này sẽ bão hòa. Thời gian tới thị trường sẽ chuyển đến Quy Nhơn, Tuy Hòa, Phú Yên… là những địa bàn có tốc độ phát triển nhanh hơn. Bên cạnh đó, tôi thấy một số điểm có tiềm năng sẽ có tốc độ phát triển nhanh hơn như Phan Rang, Phan Thiết”, ông Võ nhận định.
Còn theo ông Dương Đức Hiển, Giám đốc Bộ phận kinh doanh nhà ở Savills miền Bắc và miền Trung, Việt Nam còn quá nhiều phân khúc mà chúng ta chưa khai thác hết, điển hình như du lịch sân golf, cần được các chủ đầu tư có định hướng để phát triển; BĐS không chỉ phát triển riêng về du lịch đơn thuần, tất cả các khu vực phát triển nghỉ dưỡng thì có thể phát triển được nhiều loại hình khác.