Nghe có vẻ vô lý nhưng trong một số trường hợp, sự can thiệp của bố mẹ lại không phải là một lựa chọn phù hợp, đặc biệt là với những kiểu hành vi xấu của trẻ dưới đây.
Cũng giống như trong viết lách, viết ít có nghĩa là dành khoảng trống cho người đọc để tự điền vào, tự lấp đầy tùy theo trí tưởng tượng của họ thì trong >nuôi dạy con, nó có nghĩa là cho trẻ có khoảng không gian nhất định để lớn lên, để phát triển mà không có sự can thiệp và quan tâm đến từng tiểu tiết của bố mẹ. Nhưng không may thay, ngày nay nhiều bố mẹ lại theo đuổi triết lý nuôi dạy con kiểu "trực thăng", dành từng li từng tí sự chú ý và nỗ lực cho con với hi vọng nuôi dạy con trở thành những đứa trẻ thông minh, hoàn hảo và thành công.
Điều đó cũng có nghĩa là phải dành hàng tiếng đồng hồ để thương lượng, giảng giải và cố gắng điều chỉnh những >hành vi xấu của trẻ. Thế nhưng không may thay những việc như thế lại không phải lúc nào cũng đúng. Bố mẹ đang tự làm mình kiệt sức chỉ để đáp ứng được đủ "tiêu chuẩn" trong khi tiêu chuẩn đó còn không khả thi. Tồi tệ hơn nữa, việc luôn luôn quan tâm và theo sát con từng li từng tí lại có thể để lại những hậu quả vô cùng tồi tệ. Bố mẹ thì mệt mỏi vì phải luôn nghĩ cách đối phó và giải quyết những hành vi xấu của trẻ trong khi trẻ lại học được rằng những hành vi như vậy lại thực ra rất có lợi cho chúng, vừa có được sự chú ý quan tâm của bố mẹ, lại nhiều lúc vừa có cả những "chiến lợi phẩm thương lượng được" từ bố mẹ như được xem TV nhiều hơn, bánh kẹo hay kem,…
Hậu quả chính là chúng ta tự trói bản thân và con vào một vòng luẩn quẩn không hồi kết: Con cư xử không ngoan và bố mẹ giải quyết. Đó là lý do bố mẹ chúng ta nên học thêm triết lý "less is more" (ít hơn là nhiều hơn) trong đối phó với những hành vi không mong đợi từ trẻ.
Dưới đây là 4 loại hành vi mà bố mẹ nên hành động ít đi nhưng vẫn có thể cải thiện tình hình tốt hơn:
Than vãn và rên rỉ
Phản hồi những lời than vãn và rên rỉ của trẻ không khác gì việc gãi điên cuồng một vết muỗi cắn cả. Nó có thể tạm thời giúp xoa dịu đi một chút nhưng cuối cùng rốt cuộc nó sẽ chỉ khiến chúng ta thấy ngứa hơn.
"Tại saooooo con không thể xem TV thêm một lúc nữa ạ?", những câu than vãn kiểu như thế chắc chắn bố mẹ nào cũng đều gặp phải mỗi ngày. Trẻ than vãn như vậy bởi chúng biết rằng bố mẹ kiểu gì cũng phải phản ứng lại, có thể là một bài giảng giải, có thể là bị mắng hay đánh, nhưng cũng có thể là sự nhún nhường và đáp ứng nhu cầu. Từ đó, trẻ học được rằng than vãn và rên rỉ là vô cùng hiệu quả để đạt được lợi ích- thậm chí sự quan tâm không mang tính tích cực cho lắm từ bố mẹ cũng là một phần thưởng rồi. Vì thế nên hãy ngừng phản ứng lại những lời than vãn và rên rỉ của trẻ, hãy cứ chỉ phớt lờ. Và sớm thôi trẻ sẽ nhận ra rằng làm như vậy sẽ không mang lại điều gì cho chúng và chúng sẽ phải tự cố gắng để nhận được sự quan tâm của bố mẹ bằng những cách phù hợp hơn.
Thương lượng đòi làm theo ý mình
Đúng là trẻ có thể và nên được tham gia vào quá trình đưa ra những quyết định mà có thể ảnh hưởng đến chúng. Nhưng nói cho cùng, hầu hết tất cả bố mẹ đều sẽ thích được có thể đưa ra lựa chọn mà không phải đàm phán không hồi kết với con. Nhiều bố mẹ sẽ nghĩ nên thương lượng với trẻ vì ai cũng sẽ có lợi với một sự thỏa hiệp. Nhưng không phải như vậy, trong trường hợp này chỉ có trẻ mới là người có lợi. Trẻ sẽ nghĩ rằng mọi thứ đều có thể thương lượng và thỏa hiệp được và bắt đầu vòi vĩnh. Vì vậy, đơn giản nhất là không nên thương lượng, hãy cứng rắn và phớt lờ đi bất kì ý định của trẻ làm chệch kế hoạch ban đầu của bạn.
Cố tình gây phiền nhiễu
Nhiều lúc trẻ có thể gây khó chịu cho bố mẹ, nghe thì hơi phũ phàng nhưng đúng như vậy. Chúng ồn ào, lúc nào cũng ngứa tay ngứa chân và làm phiền dù không được cho phép. Những hành vi như vậy có thể vô cùng khó chịu nhưng không có nghĩa là việc bố mẹ nhắc nhở sẽ có hiệu quả. Thực chất, nó lại có thể gây phản tác dụng. Việc trẻ tìm kiếm phản ứng của bố mẹ với những hàn vi này của chúng và thành công sẽ chỉ tạo thêm động lực cho chúng để tiếp tục lặp lại những hành vi này.
Có một số trẻ gặp khó khăn trong việc kiểm soát những hành vi kiểu này sẽ cảm thấy tồi tệ nếu bị bố mẹ nhắc nhở. Nên nếu bố mẹ chỉ đơn giản là phớt lờ những hành vi đó, trẻ sẽ cảm thấy tốt hơn và có khả năng sẽ dừng những hành động đó lại vì dù sao thì bố mẹ cũng không để ý.
Ăn nói không lễ phép
Thông thường, trẻ sẽ nói bậy vì 2 lý do. Thứ nhất đó chính là những trẻ nhỏ chỉ bằng một cách nào đó nghe được từ bậy bạ và học theo dù không biết những từ đó có nghĩa là gì. Nhưng phản ứng của bố mẹ mà chúng nhận được như cười hay mắng mỏ, phạt dạy chúng biết rằng những từ đó rất có quyền lực. Lý do thứ 2 là những đứa trẻ lớn hơn cố ý nói bậy để làm bố mẹ tức giận và phản ứng nóng nảy.
Và đó chính là điểm mấu chốt. Bất kì phản ứng nào của bố mẹ cũng sẽ chỉ khuyến khích trẻ ăn nói bất lịch sự nhiều hơn. Khi kiểu ăn nói này không thể gây tổn thương hay khiến bố mẹ phản ứng lại, trẻ sẽ tự tìm những cách dễ chịu hơn để giao tiếp.