Vụ bé gái 6 tuổi rơi từ tầng 14 chung cư tử vong khiến không ít gia đình đang sống ở chung cư mà có trẻ nhỏ đều lo lắng.
Ở chung cư thoáng mát nhưng đầy rẫy hiểm nguy từ độ cao
Lại thêm một vụ tai nạn đau lòng nữa xảy ra ở chung cư vào khoảng 19h tối qua (18/6). Người dân khu đô thị Xa La (Hà Đông) bất ngờ phát hiện bé gái 6 tuổi nằm bất động trên mái tôn tại tầng 2 của tòa nhà CT1-B2.
Theo thông tin ban đầu, bé gái đang sống cùng mẹ. Thời điểm xảy ra sự việc mẹ cháu bé không có nhà. Khi đi làm về không thấy con, người mẹ mới đi tìm thì phát hiện sự việc đau lòng.
Trước đó, ngày 8/5 cũng đã xảy ra tai nạn tương tự. Bé trai 3 tuổi ở TP.HCM rơi từ tầng 16 chung cư The Eastern (đường Liên Phường, P. Phú Hữu, Q.9) tử vong. Khi đó, người mẹ dọn dẹp nhà cửa, cậu bé đã đạp xe chơi ở hành lang chung cư. Sau đó, bé vào thang máy bấm lên tầng 16 chơi và xảy ra tai nạn.
Vào ngày 20/4, nhiều người dân quanh khu vực tòa nhà CT1 - chung cư VinaHud 536A Minh Khai (phường Vĩnh Tuy) cũng bất ngờ khi nghe thấy tiếng động lạ và phát hiện một bé trai 4 tuổi rơi từ cửa sổ tầng 11 của tòa chung cư xuống đất. Khi đó, mẹ cháu bé không có ở nhà. Có thể vì cháu ở nhà một mình, không mở được cửa nhà ra bên ngoài nên cháu bé đã trèo qua cửa sổ.
Dạy ngay cho trẻ kỹ năng khi sống ở nhà cao tầng
Theo Tiến sĩ Vũ Thu Hương (Nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội), cha mẹ cần quan tâm đến những nguyên tắc tối cao như sau:
- Tuyệt đối không cho trẻ dưới 6 tuổi ở một mình không có người lớn bên cạnh.
- Tuyệt đối không bế trẻ ra ban công, cửa sổ đứng ngóng chơi. Việc cho trẻ đứng ở vị trí chênh vênh như vậy vô tình tạo cho trẻ cảm giác an toàn khi trẻ trèo lên lan can hoặc các vị trí nguy hiểm.
Tiến sĩ Hương cho rằng, ở độ tuổi từ 0 – 4, chúng ta hoàn toàn không thể trông đợi gì vào kỹ năng thoát hiểm của các bé. Đây không phải là độ tuổi thích hợp cho việc ở nhà một mình. Các cha mẹ phải có trách nhiệm chăm sóc và bảo vệ trẻ. Nếu trẻ ở một mình trong phòng, cha mẹ phải đảm bảo được nguyên tắc an toàn không có khoảng không nguy hiểm nào lớn hơn cơ thể của trẻ.
Cha mẹ nên lưu ý việc lắp các lưới bảo vệ như lưới chống ngã, lưới chống muỗi. Những tấm lưới này đảm bảo giữ an toàn cho trẻ khi trẻ nghịch ngợm nhưng lại rất dễ cắt để có thể thoát ra ngoài qua lối ban công khi có hỏa hoạn.
"Điều tôi muốn nhắc nhở các bố mẹ là mọi hiểm nguy đều có thể đến với bất kể ai trong chúng ta. Đảm bảo nguyên tắc an toàn chính là cách tốt nhất để chăm sóc và bảo vệ con cái", tiến sĩ Vũ Thu Hương nhắn nhủ.
Ban công, cửa sổ chung cư phải đảm bảo tiêu chuẩn
Theo kiến trúc sư Trần Ngọc Long, người có thâm niên lâu năm trong việc tư vấn thiết kế xây dựng, lan can ban công nhà cao tầng theo tiêu chuẩn của Việt Nam phải tối thiểu cao 1,1m.
Một điều quan trọng khác là không được phép làm lan can theo thanh ngang tính từ mặt sàn lên đến đỉnh. Ban công phải được làm bằng các thanh dọc hoặc đặc để tránh trường hợp trẻ con trèo lên dễ dàng.
Bên cạnh đó, chiều cao cửa sổ trong mỗi căn hộ phải tối thiểu 1m tính từ mặt sàn lên bậu cửa sổ, chiều cao lớn hơn càng tốt. Căn hộ nào đáp ứng đủ các tiêu chuẩn trên thì được xem là an toàn với trẻ nhỏ.
Từ thiết kế ban đầu, tùy theo nhu cầu sử dụng của từng hộ gia đình, cha mẹ cân nhắc xem có nên lắp lưới an toàn ở ban công và cửa sổ hay không. "Tôi khuyến khích các gia đình nên lắp các thiết bị bảo vệ để đảm bảo an toàn cho con em", kiến trúc sư Ngọc Long nhấn mạnh.