Cha mẹ quan sát con mình nếu thấy có những tính khí sau thì hãy can thiệp sửa ngay để sau này con không bị hư hỏng, vô lễ.
Trẻ không biết nói lời "Cảm ơn"
Trong xã hội ngày nay nhiều trẻ coi việc cha mẹ chuẩn bị quần áo, cơm nước cho chúng mỗi ngày là việc đương nhiên, trẻ coi việc những người xung quanh giúp đỡ mình là việc ngẫu nhiên. Không tỏ thái độ trân trọng, cảm ơn
Ngoài những ngôn ngữ giao tiếp thông thường thì có lẽ nghi lễ nói "Cảm ơn" chính là việc đầu tiên và quan trọng mà mỗi bậc cha mẹ cần dạy cho con cái. Cảm ơn không chỉ với người ngoài mà còn cả với cha mẹ. Bé biết ơn những người đã giúp đỡ mình, sinh ra mình là thể hiện sự tôn trọng của bé dành mọi người, đặc biệt là ghi nhớ công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ.
Không cho trẻ "ăn độc", không duy trì kiểu trẻ "đòi là được", càng không nên để trẻ "chưa đòi đã được đáp ứng". Các bậc phụ huynh không nên để trẻ có được mọi thứ một cách dễ dàng.
Bố mẹ có thể thường xuyên nói chuyện với con, kể cho con nghe những vất vả trong công việc. Song song với đó, bố mẹ cũng cần là tấm gương cho con, để cho trẻ có cơ hội "báo đáp" mình.
Thích cãi lời cha mẹ
Dùng những lời lẽ khó nghe phản bác lại, khiến bố mẹ giận, đó chính là biểu hiện thường gặp nhất ở trẻ chưa hiếu thuận với người sinh thành.
Khi trẻ bắt đầu cãi lời, tỏ thái độ giận dữ với mình, các bậc phụ huynh cũng nên tự suy nghĩ lại, liệu bản thân mình đã sai ở điểm nào đó.
Nếu đúng là trẻ bắt đầu nóng nảy, tỏ thái độ chống đối, bố mẹ nên nhanh chóng hướng dẫn, dẫn dắt trẻ.
Khi bình tĩnh trở lại, cần nói chuyện nhẹ nhàng với con, hỏi con tại sao không vui, tại sao lại cãi lời người lớn. Hãy nhẫn nại để bảo ban con, giúp con điều chỉnh lối ứng xử, suy nghĩ đúng đắn hơn.
Chiếm lĩnh đồ đạc
Nhiều trẻ nhỏ nghĩ rằng mình là "công chúa", "hoàng tử" trong gia đình. Đồ ăn, đồ chơi... tất cả đương nhiên phải thuộc về mình mới đúng.
Thế nên bất kể là thứ gì đó trong nhà mà trẻ thích, trẻ nhất định sẽ độc chiếm. Thực ra đây cũng là một biểu hiện, tiềm ẩn dấu hiệu bất hiếu ở trẻ trong tương lai.
Trên thực tế, nếu biểu hiện này duy trì lâu dài sẽ hình thành nên một thói quen rất xấu. Sau này, trẻ không chỉ không dành những thứ tốt đẹp nhất trong nhà cho bố mẹ mà thậm chí chúng có thể chiếm lĩnh mọi thứ một cách không khiêm nhượng.
Lối suy nghĩ trong mắt chỉ có bản thân, không có người khác, kể cả bố mẹ một khi ăn sâu vào tiềm thức sẽ biến trẻ thành kẻ ích kỷ, khó có thể trở thành một đứa con hiếu thuận.
Bố mẹ phải "trả công" thì mới làm việc
Đây chỉ là một giải pháp ngắn hạn nó có thể phản tác dụng. Khi điều này trở thành chuẩn mực, con của bạn sẽ bắt đầu kỳ vọng vào những phần thưởng tốt hơn trước khi đồng ý thực hiện nhiệm vụ.
Khi không đạt được yêu cầu, trẻ nghiễm nhiên không nghe lời cha mẹ và tìm kiếm sự tốt hơn ở bên ngoài, một khoản "hối lộ" lớn hơn từ những người xung quanh. Từ đó, đứa trẻ dễ bị dẫn dụ bởi kẻ xấu.
Vì thế, không nên trả công trẻ một cách thái quá mà cần phải phân định rõ ràng, việc nào trẻ có trách nhiệm phải làm và việc nào trẻ sẽ được thưởng vì cố gắng, nỗ lực của mình.
Một vài cách dạy con cư xử đúng mực:
- Nếu con cần mọi người chú ý đến mình ngay tức khắc, hãy nói “xin lỗi vì làm phiền cô/chú/bác…” để bắt đầu cuộc nói chuyện của mình.
- Khi muốn xin ai một điều gì đó, con cần nói "cô/chú/bác làm ơn cho con...".
- Dạy con đừng bao giờ sử dụng ngôn ngữ thô tục trước mặt người lớn.
- Đừng gọi ai đó bằng những cái tên không lịch sự.
- Làm gương khi nói. Nói xin vui lòng, cảm ơn và xin lỗi với bé và mọi người bạn tiếp xúc. Nếu bạn không nói “xin vui lòng” khi yêu cầu bé nhặt đồ chơi lên, hoặc bạn bỏ qua lời “cảm ơn” khi nhận quà Valentine của chồng, bạn đang phá hỏng mọi bài giảng mà bạn đã kỳ công, chăm chút gieo dần vào đầu bé.
- Nên nhất quán. Không chỉ ở công ty hoặc khi ăn ở ngoài, lịch sự và hành xử đúng mực phải là một phần trong thói quen hàng ngày của bạn.