Quá mệt mỏi sau những trận khóc lóc, mè nheo của con, vậy tại sao mẹ không thử tìm hiểu điều con muốn là gì và giải quyết triệt để tận gốc.
Mè nheo là một trong những đặc tính tâm lý bình thường ở trẻ nhỏ, thường gặp ở các bé 2-4 tuổi. Khi bé khóc lóc vì đòi một thứ gì đó mà không được đáp ứng, mẹ cần phải tỏ thái độ nghiêm khắc ngay từ đầu, không nên chiều theo ý muốn của bé. Hãy kiên định với câu trả lời của mình, để bé hiểu rằng khi nào người lớn cho phép mới được, chứ không thể mè nheo, ăn vạ mà thay đổi được tình hình.
Vẫn biết mẹ phải đủ sự kiên nhẫn, nếu không kiên nhẫn mà chấp nhận thoả hiệp với bé vì nghĩ rằng thôi cho cho đỡ đau đầu thì bé sẽ nhờn và đòi được lần 1 thì chắc chắn sẽ có lần 2, hay kiên nhẫn chờ đợi cho cơn mè nheo của bé qua đi thì có lẽ không biết bao giờ mới kết thúc. Việc nói "Không" với trẻ thì dễ nhưng làm cách nào để bé hiểu và hạn chế bớt "sóng gió" trong gia đình thì lại là chuyện khác. Khi bé xuất hiện tính mè nheo nghĩa là bé đang chứng tỏ sự độc lập và ý kiến riêng của mình, bé muốn thu hút sự chú ý của mẹ. Và ẩn trong những giọt nước mắt ỉ ôi đó là cả một bầu trời mong muốn bé đang cần thổ lộ.
Vì vậy mẹ hãy "dập tắt" cơn mè nheo, khóc lóc ỉ ôi của trẻ bằng chính sự thấu hiểu những điều bé muốn sau đây để biến việc tưởng khó hóa thành dễ một cách khéo léo nhất có thể.
Con muốn mẹ giúp đỡ
Em bé khóc lóc khi cần ti sữa, thay tã, hay đơn giản là ôm ấp, vỗ về mà thôi. Còn trẻ tập đi thì muốn học cách tự lập, thử vượt qua các ranh giới, nhưng đôi khi bé vẫn cần sự giúp đỡ của mẹ khi đói, khát, mệt mỏi hoặc quá sức.
Mẹ hãy kiểm tra xem con có bị đau hay đau không, nếu con không gặp nguy hiểm đe dọa đến tính mạng thì mẹ không thể làm gì nhiều ngoài việc cố gắng hỏi han hoặc tìm hiểu xem con đang cần gì và đáp ứng nhu cầu cần thiết cho bé.
Bé muốn có sự thoải mái
Nhà giáo dục và tâm lý học phát triển Becky Bailey cho hay ỉ ôi, mèo nheo cũng có thể nghĩa là trẻ đang cảm thấy lo lắng và trẻ cần chia sẻ với mẹ. Một nghiên cứu chỉ ra rằng những đứa trẻ có bố mẹ thờ ơ, hay xem điện thoại, ti vi thì con cái thường hay mè nheo và khóc lóc nhiều hơn. Khi trẻ cảm thấy bị bỏ rơi thì sự khao khát được mẹ dành thời gian và tình cảm trở nên cấp thiết hơn.
Trong trường hợp này, chính người lớn cần xem lại mình để điều chỉnh cho hợp lý. Trẻ đang cần sự thoải mái và tình cảm của mẹ, vậy mẹ hãy trao cho bé những hành động bày tỏ tình yêu thương, những cái ôm hay vuốt ve thể hiện sự che chở và thấu hiểu, chắc chắn bé sẽ thấy dễ chịu và thoải mái hơn.
Con cần bày tỏ cảm xúc
Con có thể rên rỉ hoặc khóc lóc mãi không thôi, thậm chí la hét, đấm đá mỗi khi cảm thấy bực bội, buồn bã hoặc chuẩn bị nổi cơn giận dữ vì chuyện gì đó. Con cần trút ra những cảm xúc tiêu cực.
Vì vậy trước khi tức giận, mẹ hãy nhớ rằng con chỉ mới đang bắt đầu mở rộng vốn từ vựng của mình và sẽ cần sự trợ giúp để nhận diện và gọi tên từng cung bậc cảm xúc. Chuyên gia >nuôi dạy con cái và tác giả của nhiều cuốn sách về làm cha mẹ, Janet Lansbury, khuyên các bậc cha mẹ luôn thừa nhận cảm xúc của con mình ngay cả khi chúng buồn vì những điều nhỏ nhặt nhất. Sau đó dạy con các kỹ thuật làm dịu cơn giận như hít thở, đưa bản thân ra khỏi trong tình huống khó chịu, hoặc đếm ngược từ 10.
Trẻ cần môi trường tốt hơn
Trẻ rất nhạy cảm với tình cảm, cảm xúc của cha mẹ. Khi mẹ vui hay lo lắng thì trẻ cũng có nhiều khả năng cảm thấy hạnh phúc hoặc lo lắng giống mẹ. Một nghiên cứu cho thấy trẻ sẽ càng quấy khóc, mè nheo khi môi trường xung quanh trẻ cũng có nhiều những hiện tượng tiêu cực không tốt.
Vì vậy, mẹ hãy quan sát lại môi trường sinh hoạt của trẻ liệu có đảm bảo cho trẻ một không gian luôn vui vẻ và thoải mái hay không. Trẻ thấy gì qua các hoạt động của các thành viên trong gia đình, là thường xuyên cãi lộn, quát mắng hay chơi vui vẻ, hòa đồng.
Trẻ muốn được độc lập
Đôi khi >trẻ khóc lóc, than vãn đơn giản vì muốn được mẹ đồng ý cho trẻ được làm theo cách mà trẻ muốn. Trẻ muốn mẹ nhượng bộ và chiều theo ý kiến của trẻ, trẻ cần sự độc lập và muốn thể hiện bản thân.
Chuyên gia, cố vấn gia đình Erin Leyba khuyến cáo: "Cha mẹ có thể nhượng bộ nhưng tránh tình trạng không nhất quán và luôn tỏ ra chiều theo ý trẻ. Hãy giữ một thái độ mềm mỏng, khéo léo nhưng kiên định để trẻ hiểu ý nghĩa của sự thỏa thuận, nhượng bộ là hợp lý chứ không phải bỗng dưng mà có".