Tết là dịp các bé rất dễ làm nũng, hờn dỗi thậm chí có những hành vi xấu như khóc hờn, la hét, đánh lại người lớn. Mẹ hãy thử ngay 3 chiêu này để giúp bé bình tĩnh và biết ứng xử hơn.
Đối với các bậc cha mẹ, có lẽ việc kiểm soát cảm xúc và hành vi của trẻ ở trong giới hạn cho phép là một trong những phần việc khó khăn nhất. Trong dịp Tết đến xuân về, khi mọi gia đình đều sum họp và chuẩn bị đón năm mới thì dường như đây lại cũng là dịp mà trẻ nhỏ rất dễ có hành vi bộc phát như la hét, hờn dỗi, khóc lóc để thể hiện cảm xúc khiến không ít ông bố bà mẹ phiền muộn và tìm đủ cách để ứng phó.
Thông thường mỗi khi bé bắt đầu có hành động la hét, khóc lóc thì cha mẹ đều cố gắng xoa dịu bé bằng cách nói: "Con bình tĩnh nào!" và âm lượng phụ thuộc vào mức độ kiên nhẫn của cha mẹ đến mức nào. Nhưng trên thực tế đây là câu nói không mấy tác dụng. Bà Erina White, Giám đốc Trung tâm dịch vụ lâm sàng, bác sĩ nghiên cứu lâm sàng tại Bệnh viện Trẻ em Boston (Mỹ) cho biết: "Cách nói này không hiệu quả và thường có thể làm mọi việc trở nên tồi tệ hơn bởi trẻ không thể tìm được hướng giải quyết có thể thỏa mãn mong muốn trong câu nói bình tĩnh ấy".
Bà White cho biết mục tiêu của cha mẹ là tách cảm xúc ra khỏi hành vi của con. Những cảm xúc khiến trẻ nổi cơn giận dữ là hợp lệ, ngay cả khi đó là hành động đấm đá, la hét. Cha mẹ nên cố gắng giữ bình tĩnh nếu muốn giúp con hạ hỏa. Chuyên gia gợi ý cho cha mẹ 3 chiêu hay ho sau đây:
1. Hỏi han và tìm hiểu vấn đề của con
Cách đầu tiên cha mẹ có thể áp dụng đó là tìm hiểu về vấn đề đang khiến con giận dữ. Một số câu hỏi có thể hỏi con như: "Có chuyện gì vậy con; Con đang cảm thấy thế nào; Mẹ và con có thể làm gì bây giờ?". Trẻ có thể chưa bắt kịp câu hỏi hoặc đơn giản là còn quá nhỏ để trình bày cảm xúc của mình, nhưng đây là cơ hội để mẹ tìm hiểu về cơn giận và hành động của con để trấn an bé và tìm hướng giải quyết ngay lập tức. Trẻ cũng cảm thấy an tâm hơn khi được mẹ quan tâm và hỏi han.
2. Phân tán sự tập trung
Nếu trẻ không muốn trả lời câu hỏi của mẹ, không muốn chia sẻ cảm xúc trong cơn giận dữ, bà White "hiến kế" tiếp theo là chuyển sang biện pháp phân tán sự tập trung. Mẹ có thể pha trò hài hước để làm bé phân tâm, nếu thấy nằm khóc lóc trên sàn có thể hỏi: "Ồ, ai dạy con động tác nhảy breakdance đó vậy?". Mẹ cũng có thể chuyển hướng chú ý của trẻ sang hoạt động vui nhộn khác, vừa làm dịu cơn giận dữ vừa giúp bé thư giãn hơn.
3. Ôm con
Đôi khi điều con cần chỉ là 1 cái ôm của mẹ mà thôi. Bởi ẩn sau những cảm xúc tiêu cực đó có thể là nỗi buồn của trẻ. Tuy nhiên, mẹ cần hiểu khi nào bé cần được ôm ấp, vỗ về và khi nào điều bé cần là một chút khoảng thời gian riêng tư. Điều đó phụ thuộc vào trực giác người mẹ, bởi cảm xúc và mong muốn của trẻ mỗi ngày là không giống nhau.
Cha mẹ cần hiểu rằng sự bộc phát cảm xúc là một phần không thể tránh khỏi trong quá trình phát triển của trẻ và đó không phải là điều xấu. Và nhất là trong dịp Tết này, nếu bé tỏ ra ương bướng hơn, dễ khóc và hay hờn thì mẹ cũng hãy hiểu và giúp bé vượt qua.
Bà White cho hay: "Những gì trẻ đang làm khi còn nhỏ có nghĩa là trẻ đang học cách để trưởng thành. Trẻ học tất cả những cảm xúc khác nhau và sau đó học cách kiểm soát. Cha mẹ chính là những người thầy đầu tiên dạy trẻ cách nhận biết và kiểm soát những cảm xúc ấy. Tuy không thể xoa dịu hết tất cả những mớ cảm xúc hỗn độn và bộc phát của trẻ, nhưng điều quan trọng là sự cố gắng từng chút một và tiếp tục dạy trẻ hoàn thiện bản thân".