Những hành động sai trái hay biểu hiện ương bướng của trẻ thường khiến cha mẹ tức giận và dù biết không có lợi nhưng vẫn phải áp dụng các biện pháp trừng phạt hay la mắng. Tuy nhiên, có những cách đối phó với tính cứng đầu của con hiệu quả hơn nhiều.
1. Giữ bình tĩnh và không phản ứng thái quá
Hành vi sai trái ở một đứa trẻ là do chúng đang tức giận hoặc buồn bã và nếu bạn hành xử không đúng thì càng gia tăng khoảng cách với con mình. Trong những tình huống này, bạn cần kiểm soát tâm trạng của mình bằng cách dừng lại và đếm đến 10. Sau đó, thay vì phản ứng thái quá như la hét, quát tháo trẻ thì hãy ngồi xuống trò chuyện hoặc có thể đi ra chỗ khác nếu thấy cần thiết để làm dịu tâm trạng của chính bạn và con.
2. Đặt mình vào vị trí của con
Hãy cố gắng hiểu lý do tại sao con bạn lại làm sai. Cách mà trẻ phản ứng với mọi thứ bắt nguồn từ những gì đang diễn ra trong tâm trí của trẻ. Trẻ khó chịu có thể từ những hành vi rất nhỏ nhặt như mệt mỏi hoặc bị đói. Với những đứa trẻ lớn hơn, lý do có thể là do trẻ gặp phải căng thẳng hay áp lực nào đó. Đó là lý do tại sao bạn cần trò chuyện và hiểu lý do tại sao con mình làm sai, nguồn gốc câu chuyện là từ đâu…
3. Nói chuyện với con về những gì bạn muốn
Khi đứa trẻ đang tức giận và hành động khó chịu thì có bao giờ bạn nghĩ tới việc thể hiện tình yêu và sự âu yếm với chúng? Đó thực sự là điều mà trẻ cần nhất vào lúc đó. Trẻ chưa đủ trưởng thành để phân biệt đúng và sai nên những hành vi ấy là tự nhiên và bình thường. Vì vậy, trách nhiệm của cha mẹ là thảo luận về những gì họ mong đợi ở con cái, giải thích về lý do tại sao những hành vi đó là sai.
4. Đặt ra giới hạn và cảnh báo cho con về hậu quả
Những đứa trẻ không vâng lời là vì chúng thường không biết giới hạn thực sự của hành động của mình, không biết phải dừng lại ở đâu. Nhiều đứa trẻ được nuông chiều đến mức không phân biệt được đúng sai. Hãy đặt ra các quy tắc và chỉ cho con thấy rằng hành động xấu sẽ dẫn tới những hậu quả thế nào, còn hành động tốt thì sẽ được thưởng ra sao.
5. Kết hợp những cách sử xự tốt
Trừng phạt khi trẻ có những hành vi sai trái không phải lúc nào cũng là cách hay. Hãy trò chuyện và giảng giải cho trẻ, có thể lấy ví dụ từ những câu chuyện tốt để trẻ hiểu được phải hành xử tốt trong những dịp thế nào. Câu chuyện đó có thể xuất phát từ những người gần gũi trong gia đình hay những người tiếp xúc, gặp gỡ với trẻ hằng ngày. Như thế chúng sẽ có thời gian quan sát, kiểm nghiệm và từ đó thấm dần thói quen hành xử hợp lý hơn.
6. Tôn trọng con
Đừng nghĩ rằng bạn là cha mẹ nên có quyền buộc con phải tôn trọng và nghe lời. Làm cha mẹ cũng cần tôn trọng những giới hạn của trẻ, từ đó có được sự tin tưởng của các con và khiến các con sẵn sàng lắng nghe khi chúng ta có nhu cầu muốn trò chuyện nghiêm túc, giảng giải cho trẻ.
7. Trở thành tấm gương cho con
Trẻ luôn quan sát và học theo người lớn. Nếu không muốn con sử dụng điện thoại thì bạn phải đặt điện thoại xuống, không cho con xem tivi nhiều thì bạn phải dành thời gian trò chuyện với con. Hãy lịch sự, kiên nhẫn và thực hiện những điều tốt đẹp mà bạn muốn con mình trông thấy bởi từ trong tiềm thức, trẻ luôn muốn trở thành hình ảnh giống cha mẹ.